Vào ngày 22/3/2012, các binh sĩ quân đội Mali nổi loạn do Đại úy Amadou Sanogo (ảnh) đứng đầu tuyên bố đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Amadou Toumani Toure. Họ cho rằng chính quyền không cung cấp đủ phương tiện và vũ khí để lực lượng vũ trang đánh bại phiến quân. Ảnh: Getty.
Lực lượng tiến hành cuộc đảo chính ở Mali khi đó thông báo họ đã chiếm dinh tổng thống và bắt giữ một số bộ trưởng sau cuộc đọ súng. Ảnh: AP.
Đến tháng 12/2012, khoảng 20 binh sĩ phá cửa vào nhà riêng của Thủ tướng Cheick Modibo Diarra (ảnh) và bắt ông này đến doanh trại quân đội Kati ở ngoại ô thủ đô Bamako. Nguồn tin này cho hay vụ bắt giữ được tiến hành theo lệnh của Đại úy Amadou Sanogo. Ảnh: Reuters.
Ngày 11/12, nhiều giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ tại nhà riêng, Thủ tướng Mali Cheick Modibo Diarra đã tuyên bố từ chức và giải tán nội các. Ảnh: Reuters.
Vụ chính biến đã khiến Mali rơi vào khủng hoảng chính trị. Tình trạng rối ren sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Toure (ảnh) đã tạo điều kiện cho lực lượng Hồi giáo cực đoan mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền bắc Mali. Ảnh: Getty.
Năm 2020, Mali tiếp tục "chao đảo" khi chứng kiến vụ binh biến lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita (ảnh). Ảnh: Getty.
Được biết, vụ đảo chính ở Mali năm 2020 xảy ra vài giờ sau khi lực lượng nổi dậy chiếm quyền kiểm soát căn cứ quân sự Kati ở ngoại ô Bamako, đồng thời bắt giữ nhiều quan chức quân sự và dân sự hồi tháng 8. Ảnh: Reuters.
Cụ thể, vào sáng 18/8/2020, nhóm binh sĩ nổi loạn bắt đầu bắn đạn chỉ thiên tại một căn cứ quân sự ở Kati, cách thủ đô Bamako của Mali 15km. Ảnh: EPA.
Sau khi tiến vào thủ đô, nhóm binh sĩ đã bắt giữ Bộ trưởng Bộ Tài chính Abdoulaye Daffe, Tham mưu trưởng Lực lượng Vệ binh Quốc gia, và Moussa Timbiné - phát ngôn viên của Quốc hội. Thủ tướng Boubou Cissé (ảnh) sau đó đã kêu gọi đối thoại với lực lượng nổi dậy nhưng không thành công. Ảnh: DW.
Một thủ lĩnh của cuộc binh biến sau đó tuyên bố rằng Tổng thống Ibrahim Boubacar Keïta (ảnh) và Thủ tướng Boubou Cissé đã bị bắt giữ tại tư dinh ở Bamako. Trong đêm 18/8, sau vài giờ bị bắt giữ, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội. "Tôi không muốn vì duy trì quyền lực mà dẫn tới đổ máu", Tổng thống Keita phát biểu trên truyền hình. Ảnh: Reuters.
Đại tá quân đội Mali Assimi Goita (ảnh) ngày 19/8/2020 tự tuyên bố là thủ lĩnh cuộc binh biến lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, và là Chủ tịch Ủy ban cứu quốc của nhân dân (CSNP). Ảnh: AP.
Gần đây nhất, vào ngày 24/5 vừa qua, Quân đội Mali đã bắt giữ nhiều lãnh đạo cấp cao của nước này, trong đó có Tổng thống Bah Ndaw (ảnh) và Thủ tướng Moctar Ouane. Đại tá Assimi Goita sau đó tuyên bố Tổng thống và Thủ tướng nước này bị cách chức, dù vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Ảnh: Getty.
"Tổng thống Mali Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane đều bị phế truất vì tìm cách 'phá hoại' quá trình chuyển tiếp quyền lực. Quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra như bình thường và cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào năm 2022", Đại tá Goita đọc tuyên bố trên truyền hình nhà nước. Ảnh: TR.
Nguồn tin cho hay, ngày 26/5, hai nhà lãnh đạo của chính phủ lâm thời Mali là Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane (ảnh) đã tuyên bố từ chức. Được biết, Tổng thống Ndaw và Thủ tướng Ouane được bổ nhiệm để dẫn dắt chính phủ lâm thời Mali từ tháng 9/2020, với mục tiêu khôi phục hoàn toàn quyền điều hành dân sự trong vòng 18 tháng sau cuộc đảo chính năm đó. Ảnh: Getty.
Mời độc giả xem thêm video: Binh sĩ Pháp thiệt mạng tại Mali (Nguồn video: THĐT)
Thiên An (T.H)