Nhìn lại 5 năm nhiệm kỳ Tổng thống Macron: Được nhiều hơn mất

Nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đánh dấu bằng hàng loạt chuyển biến quan trọng trong các lĩnh vực đối nội và đối ngoại cùng không ít vấn đề tồn đọng đang chờ giải quyết...

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử của mình vào tháng 4/2017. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử của mình vào tháng 4/2017. (Nguồn: Reuters)

Cho đến tận khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Emmanuel Macron, nhà lãnh đạo trẻ nhất của Pháp kể từ thời Napoléon vẫn đảm nhận khá tốt vai trò mà ông được tín nhiệm sau khi trở thành nhà lãnh đạo nước Pháp vào năm 2017.

Trước thềm cuộc đua đến Điện Élyseé nhiệm kỳ 2022-2027, cùng nhìn lại những gì Tổng thống Macron đã làm được cho nước Pháp trong 5 năm vừa qua.

Những quan hệ khó lòng hâm nóng

Không có vị nguyên thủ quốc gia nào được Tổng thống Pháp Macron dành nhiều sự ưu ái hơn Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhà lãnh đạo Nga đã được chủ nhân Điện Élyseé chiêu đãi trọng thể tại Cung điện Versailles vào tháng 5/2017, chỉ hai tuần sau khi nhậm chức.

Hai năm sau, ông lại tiếp đón Tổng thống Putin tại Fort de Brégançon, nơi nghỉ dưỡng mùa hè của các tổng thống Pháp.

“Một nước Nga quay lưng với châu Âu không phải là một điều có lợi cho chúng ta”, ông Macron tuyên bố vào thời điểm đó.

Nhưng câu chuyện lại trở nên kém thân thiện khi đôi bên nhắc đến những vấn đề chính trị nhạy cảm của nhau. Đáp trả lại câu hỏi về vụ bắt giữ người biểu tình ở thủ đô của Nga, Tổng thống Putin đã châm biếm: “Chúng tôi không muốn một tình huống như phong trào Áo vàng ở Moscow”.

Ông Macron đã áp dụng chiến lược tương tự với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chỉ vài tuần sau khi ông Putin có khoảng thời gian tại Versailles, Tổng thống Pháp đã tổ chức bữa tối dành riêng cho hai nhà lãnh đạo tại tháp Eiffel và đưa ông Trump trở thành khách mời danh dự tại cuộc diễu hành quân sự ngày Bastille hàng năm.

Ban đầu, những buổi chiêu đãi ngoại giao dường như đã phát huy tác dụng, nhưng cuối cùng Tổng thống Macron đã tỏ ra bất lực trong việc ngăn ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chủ tịch Fifa Gianni Infantino, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau chiến thắng của đội tuyển Pháp tại vòng chung kết World Cup ngày 15/7/2018 ở thủ đô Moscow. (Nguồn: Reuters)

Chủ tịch Fifa Gianni Infantino, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau chiến thắng của đội tuyển Pháp tại vòng chung kết World Cup ngày 15/7/2018 ở thủ đô Moscow. (Nguồn: Reuters)

NATO “chết não”

Macron đã phải đối mặt với một loạt thách thức ngoại giao khi ông cố gắng phá vỡ bế tắc ở Lebanon và Libya. Điều này biến ông trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman kể từ vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.

Trước những lời chỉ trích về chuyến thăm của ông tới Jeddah vào tháng 12 năm ngoái, ông cho rằng: “Hội đàm với Saudi Arabia mới chính là con đường duy trì hòa bình và ổn định ở Lebanon nói riêng và Trung Đông nói chung”.

Tuy nhiên, sự quyết đoán của Macron thường đưa ông vào các cuộc tranh cãi ngoại giao - đặc biệt là với các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, điển hình như Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cựu Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Macron cũng bị chỉ trích không kém khi ông gọi liên minh quân sự NATO là “chết não” trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 với The Economist, dấy lên làn sóng phản đối từ Washington và các nước châu Âu.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Jeddah ngày 4/12/2021. (Nguồn: Reuters)

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Jeddah ngày 4/12/2021. (Nguồn: Reuters)

Biểu tình Áo vàng

Trong chiến dịch tranh cử năm 2017, Tổng thống Macron đã vạch ra kế hoạch tiết kiệm 25 tỷ Euro, bao gồm 15 tỷ Euro trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Nhưng kết quả là ngân sách y tế công cộng không đáp ứng được nhu cầu mà ngành này cần, dẫn đến hệ thống y tế phải chịu áp lực lớn đến mức gần như sụp đổ.

Tháng 4/2018, một nhân viên y tế đã kêu gọi Macron cung cấp thêm nguồn lực cho ngành và Tổng thống đã trả lời: "Tiền không từ trên trời rơi xuống".

Ưu tiên hàng đầu của ông chủ Điện Élyseé ở thời điểm đó là tôn trọng các cam kết ngân sách của Pháp đối với Brussels.

Tuy nhiên, việc tăng thuế carbon đối với nhiên liệu vài tháng sau đó là giọt nước tràn ly đối với một bộ phận người dân Pháp.

Phong trào phản đối Áo vàng bắt đầu vào tháng 11/2018, ban đầu là một cuộc nổi dậy của những người lái xe chống lại giá nhiên liệu tăng (các tài xế Pháp phải mặc áo gilet phản quang để tăng độ nhận diện khi lưu thông trên đường), trước khi leo thang thành một cuộc nổi dậy trên quy mô lớn nhằm chống lại chính phủ vì chi phí sinh hoạt tăng cao.

Giới lãnh đạo Pháp đã không để tâm đến phong trào này trong giai đoạn đầu. Nhưng trong vòng vài tuần, các cuộc biểu tình bùng nổ khắp nơi trên toàn quốc và căng thẳng leo thang khiến Tổng thống Macron buộc phải thay đổi chính sách.

Đầu năm 2019, ông Macron đã khởi động cuộc Đại thảo luận với mục đích dập tắt phong trào. Đây là một cuộc đối thoại theo đuổi kéo dài nhiều tháng nhằm ghi nhận các khiếu nại của công chúng trên toàn quốc.

Ông cũng hành động để thúc đẩy sức mua, bao gồm cắt giảm 5 tỷ Euro thuế thu nhập, trợ cấp 100 Euro cho người lao động có thu nhập thấp và tăng trợ cấp lương hưu tối thiểu. Trong khi đó, việc tăng thuế carbon gây tranh cãi đã bị hủy bỏ.

Bản thân Tổng thống Macron cũng đưa ra nhiều biện pháp làm giảm sức nóng của phong trào Áo vàng. (Nguồn: BBC)

Bản thân Tổng thống Macron cũng đưa ra nhiều biện pháp làm giảm sức nóng của phong trào Áo vàng. (Nguồn: BBC)

Chống Covid-19 “bằng mọi giá”

Phong trào Áo vàng kết thúc chưa được bao lâu, đại dịch Covid-19 một lần nữa làm tan biến giấc mơ cắt giảm ngân sách của Tổng thống Macron và gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế, y tế chồng chéo trong nhiệm kỳ của ông.

Vào tháng 3/2020, ông Macron đã đình chỉ cải cách lương hưu và trì hoãn việc triển khai việc cải tổ bảo hiểm thất nghiệp của mình. Quan trọng nhất, nhà lanh đạo này đã đưa ra một cam kết táo bạo được gọi là chính sách chống đại dịch "bằng mọi giá".

Ông cam kết, bằng bất cứ giá nào sẽ hỗ trợ các bệnh viện công, các doanh nghiệp và thị trường việc làm, đồng thời kích thích một nền kinh tế đang tiệm cận đến một cuộc suy thoái sâu nhất kể từ Thế chiến II.

Ngân sách chăm sóc sức khỏe của Pháp được thêm 9,4% vào năm 2020 và tăng 7,4% vào năm 2021. Ngân sách lương cho các nhân viên y tế được tăng thêm 9 tỷ Euro vào giữa năm 2020. Theo Kho bạc Nhà nước Pháp, các biện pháp khẩn cấp mà Pháp áp dụng trong năm 2020 và 2021 tiêu tốn 133,5 tỷ Euro.

Mặt khác, thâm hụt ngân sách của Pháp đã tăng lên 9,2% GDP và nợ công tăng vọt lên hơn 155% vào năm 2020. Khác xa với những chính sách ngân sách quyết đoán mà ông Macron đã từng tạo dấu ấn.

Các nhà chức trách Pháp yêu cầu chứng minh tiêm vaccine hoặc chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 đối với những người đến các rạp chiếu phim, bảo tàng, sự kiện thể thao và các trung tâm văn hóa. (Nguồn: Reutes)

Các nhà chức trách Pháp yêu cầu chứng minh tiêm vaccine hoặc chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 đối với những người đến các rạp chiếu phim, bảo tàng, sự kiện thể thao và các trung tâm văn hóa. (Nguồn: Reutes)

“Làm hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại”

Với việc Mỹ theo đuổi chủ nghĩa biệt lập dưới thời Trump và nước Anh bị cuốn vào vấn đề Brexit, Tổng thống Macron nhận thấy cơ hội để nắm lấy vai trò lãnh đạo của Pháp trên trường quốc tế.

Ông Macron đã cam kết đầu tư 15 tỷ Euro vào quá trình chuyển đổi sinh thái của Pháp và lôi kéo các nhà bảo vệ môi trường tham gia nội các của mình. Nhà lãnh đạo Pháp đã sử dụng việc cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris để khởi động một kế hoạch cấp cao của riêng với khẩu hiệu xanh được biến tấu từ câu nói tiêu biểu của Trump: “Làm hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại”.

Dưới những sáng kiến của ông Macron, Pháp đã hủy bỏ những kế hoạch mà các nhà hoạt động môi trường phản đối, điển hình như việc xây dựng một sân bay ở Notre-Dame-des-Landes vào năm 2018, ngừng lại một dự án khai thác ở Guiana thuộc Pháp vào năm 2019 và kết thúc dự án khu thương mại và giải trí Europacity ở Paris cùng năm đó.

Tuy nhiên, dưới thời vị Tổng thống trẻ tuổi, Pháp cũng không thực hiện được các cam kết về năng lượng tái tạo. Với năng lượng tái tạo chỉ chiếm 19,1% năng lượng của đất nước, Pháp là thành viên duy nhất của Liên minh châu Âu vào năm 2020 không đạt được mốc 23% do khối đặt ra.

Dưới sức ép của các nhà hoạt động môi trường, ông Macron quyết định hủy bỏ dự án khu thương mại và giải trí Europacity ở Paris năm 2019. (Nguồn: AFP)

Dưới sức ép của các nhà hoạt động môi trường, ông Macron quyết định hủy bỏ dự án khu thương mại và giải trí Europacity ở Paris năm 2019. (Nguồn: AFP)

Thúc đẩy bình đẳng giới

Tổng thống Macron đã giữ lời hứa mở rộng quyền tiếp cận hỗ trợ y tế trong việc sinh sản cho phụ nữ độc thân và các cặp đồng tính nữ. Thời hạn cho phụ nữ có nguyện vọng phá thai được kéo dài từ 12 đến 14 tuần của thai kỳ, và việc tiếp cận với các biện pháp tránh thai miễn phí đã được mở rộng cho trẻ em gái dưới 15 tuổi.

Các buổi tham vấn về bạo lực gia đình vào năm 2019 đã mở rộng quyền hạn của tòa án trong việc bảo vệ nạn nhân một cách khẩn cấp mà không cần nộp đơn khiếu nại chính thức.

Pháp cũng thiết lập việc sử dụng vòng tay điện tử để giám sát các đối tượng gây ra bạo lực gia đình cũng như đường dây nóng 24 giờ dành cho phụ nữ bị bạo lực gia đình.

Bên cạnh với những bước tiến đó, bình đẳng tiền lương ở Pháp vẫn còn nghiêm trọng. Theo cơ quan thống kê Pháp Insee, nam giới vẫn được trả lương cao hơn 30% so với phụ nữ.

Tổng thống Macron tuyên bố cần phải đấu tranh chống lại bạo hành đối với phụ nữ. (Nguồn: NY Times)

Tổng thống Macron tuyên bố cần phải đấu tranh chống lại bạo hành đối với phụ nữ. (Nguồn: NY Times)

(theo France24)

Nam Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhin-lai-5-nam-nhiem-ky-tong-thong-macron-duoc-nhieu-hon-mat-179746.html