Nhìn lại cách dụng binh của HLV Gong Oh-Kyun
Trong 1 năm chuẩn bị cho SEA Games 31 và vòng chung kết (VCK) U.23 châu Á 2022, đội tuyển U.23 Việt Nam được rèn giũa bởi tổng cộng 5 HLV.
Đầu tiên là trợ lý Kim Han-yoon, tại Dubai Cup là trợ lý Lee Young-jin, rồi Đinh Thế Nam (Giải U.23 Đông Nam Á), HLV Park Hang-seo chỉ trực tiếp tham gia ở 2 trận vòng loại Giải U.23 tại Kyrgyzstan cùng SEA Games 31, và cuối cùng là HLV Gong Oh-kyun. Chỉ có 15 ngày làm việc nhưng HLV Gong đã kịp để lại dấu ấn đậm nét.
Cuộc “cách mạng” của tân HLV trưởng U.23 Việt Nam không phải là chuyển đổi từ 3 sang 4 trung vệ, bởi đây chỉ là sự “trở về” hệ thống quen thuộc hơn 3 năm trước, trước khi HLV Park Hang-seo đến Việt Nam (nhiều CLB V.League hiện vẫn áp dụng và bản thân ông Park cũng đã có ý định thay đổi), và suy cho cùng, mọi sơ đồ chiến thuật đều dựa trên cơ sở con người có trong tay. Cái tài của HLV Gong là cách dụng binh, sắp xếp đội hình. Ngay ở trận ra quân trước U.23 Thái Lan, U.23 Việt Nam đã gây ngỡ ngàng khi cặp tiền vệ trung tâm là 2 cái tên hoàn toàn xa lạ, lại trẻ nhất đội khi mới 18-19 tuổi: Nguyễn Văn Trường (CLB Hà Nội) và Khuất Văn Khang (CLB Viettel). Bộ đôi trước đó chưa từng được gọi lên tuyển U.23 đã đá chính và giữ 2 vị trí xung yếu trong 3/4 trận tại Uzbekistan, thậm chí Văn Khang còn là “cầu thủ xuất sắc nhất” trận gặp U.23 Hàn Quốc.
Không như HLV Park Hang-seo luôn dựa vào bộ khung quen thuộc, mỗi trận đấu, HLV Gong lại có những thay đổi bất ngờ. Như trước tuyển U.23 Malaysia, dù bắt buộc phải thắng để hy vọng đi tiếp nhưng ông vẫn thay mới phân nửa đội hình với 5 cái tên lần đầu tiên được xếp đá chính: Văn Công, Công Đến, Hai Long, Thanh Nhân và Dụng Quang Nho. Kết quả, 3 người đã góp dấu giày trong 2 bàn thắng. Cặp tiền đạo Minh Bình - Danh Trung từng bị “bỏ rơi”, tưởng như hết cơ hội ở U.23 lại được tin dùng ở 2 trận quan trọng đầu tiên và cuối cùng tại VCK.
Chỉ có hàng phòng ngự là nơi HLV Gong không có sự xáo trộn. Ngoài trận ra quân Thanh Bình không thể ra sân, Nhâm Mạnh Dũng được kéo về đá trung vệ, cả 3 trận sau đó đều luôn là Phan Tấn Tài - Thanh Bình - Việt Anh và Tiến Long. Nhưng khác với SEA Games 31, Tiến Long từ trung vệ lệch trái đảo cánh sang giữ vai trò hậu vệ phải, để cùng Tấn Tài luân phiên là 2 mũi tấn công biên lợi hại của U.23 Việt Nam và chính tân binh Hà Nội FC có bàn thắng cháy lưới đội tuyển U.23 Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, Duy Cương mới là phát hiện lớn nhất của HLV Gong Oh-kyun. Tại SEA Games 31, chỉ xuất hiện trong trận cầu thủ tục với Timor Leste và không thể cạnh tranh vị trí trung vệ với 2 tuyển thủ quốc gia Việt Anh và Thanh Bình, Duy Cương được bố trí đá tiền vệ mỏ neo trong sơ đồ 4-4-2 (hoặc 4-5-1). Sở trường đánh chặn, phòng ngự của trung vệ SHB.Đà Nẵng là điều không phải bàn cãi, khi 2 hậu vệ biên dâng cao tấn công, Thanh Bình - Việt Anh phải giãn ra để bọc lót, Duy Cương sẽ lùi về như trung vệ thứ 3. Tuy nhiên, ở vị trí thấp nhất trên hàng tiền vệ này, cầu thủ 21 tuổi quê tỉnh Thái Nguyên còn bộc lộ khả năng bao quát trận đấu, nhãn quan chiến thuật. Trong bàn thắng mang về trận hòa lịch sử của U.23 Việt Nam trước U.23 Hàn Quốc, người ta chỉ nói đến pha dứt điểm của Tiến Long và quả tạt của Tấn Tài mà ít để ý chính Duy Cương là người có sự quan sát và từ nửa sân có đường mở cánh hết sức trống trải.
Chính sự tin tưởng, mạnh dạn trong cách dùng người của HLV trẻ (sử dụng 22/23 cầu thủ, trừ thủ môn số 3 Tuấn Hưng) đã thổi làn gió mới vào đội tuyển U.23 Việt Nam. Từ một đội bóng thiếu tự tin và ý tưởng, không biết ghi bàn, các cầu thủ dám chơi bóng, thể hiện mình và ghi 5 bàn thắng trên đất Uzbekistan, lọt vào tốp 10 đội dứt điểm nhiều nhất (38 lần), trúng đích nhiều nhất (11 lần), chuyền bóng nhiều nhất, chính xác nhất.