Nhìn lại chặng đường 171 năm của cuộc đấu tranh nữ quyền trên thế giới
171 năm phong trào đấu tranh nữ quyền được khởi xướng. Tại mỗi thời kỳ, phụ nữ lại đấu tranh cho những mục đích khác nhau, từ chỗ đấu tranh cho quyền được đi học và bầu cử cho đến bây giờ là đấu tranh chống bạo hành và xâm hại tình dục. Mới đây ở New York, Mỹ đã diễn ra cuộc diễu hành 'thả rông' ngực với mục đích tuyên bố: 'Ngực phụ nữ không phải thứ khiêu dâm'.
Lịch sử được viết từ một buổi tiệc trà
Một buổi chiều bình thường tại thị trấn nhỏ Seneca Falls (thành phố New York), một buổi tiệc trà giữa những người phụ nữ. Họ chuyền tay nhau lọ đường và bàn luận về một xã hội đang trở nên ngày càng bất công với những bà nội trợ. Cuộc đấu tranh nữ quyền bắt đầu manh nha từ đây: Buổi tiệc trà của Jane Hunt năm 1848.
Sau đó, vào ngày 9-7-1848, bữa tối giữa 6 người phụ nữ, trong đó có 5 người là Ki-tô giáo, đã chính thức đánh dấu mốc cho sự bắt đầu của cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ trên toàn thế giới. Bữa tối có sự tham gia của: Jane Hunt, Elizabeth Cady Stanton, Lucretia Mott, chị gái của Lucretia, Martha Wright và Mary Ann McClintock.
Elizabeth Cady Staton được coi như là biểu tượng của cuộc đấu tranh cho nữ quyền nổ ra tại Mỹ. Bà đã cùng cộng sự của mình là Lucretia Mott tổ chức cuộc họp về nữ quyền đầu tiên trên thế giới, với sự góp mặt của hơn 300 người. Sau nhiều giờ thuyết phục, bà Stanton đã có được chữ ký của 68 người phụ nữ và 32 người đàn ông trong "Tuyên bố ủng hộ nữ quyền". Mục đích đấu tranh ban đầu của những người phụ nữ này là được đi học và được bầu cử.
Vậy nhưng làn sóng đấu tranh không được lan rộng, Stanton bất đồng quan điểm với Mott. Hơn nữa, vì phải chăm sóc ba đứa trẻ cùng với người chồng đang bị đau ốm, Stanton không thể tiếp tục với lãnh đạo cuộc đấu tranh. Tuy nhiên, người kế thừa của bà đó chính là Susan B. Anthony.
Susan B.Anthony là người đã sớm nhận ra rằng phụ nữ không thể trở thành công dân một cách đầy đủ nếu như không có quyền chính trị. Bà đã gặp Elizabeth Cady Stanton, một người cộng sự luôn sát cánh cùng bà và ủng hộ quyền bình đẳng cho nữ giới. Để đến năm 1869 thì họ giành được quyền bầu cử đầu tiên dành cho phụ nữ tại Hoa Kỳ, mở ra một bước ngoặt mới cho phái nữ.
Cuộc chiến mới: Chống quấy rối và bạo hành tình dục phụ nữ
Bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ 20, những tổ chức nữ quyền bắt đầu chuyển hướng sang đấu tranh chống lại nạn quấy rối và bạo hành tình dục phụ nữ. Nhưng phải cho đến năm 2017, mọi thứ mới được đẩy lên cao trào thông qua phong trào #MeToo. Sự việc bắt nguồn từ một twitter của diễn viên nổi tiếng tại Hollywood, Alyssa Milano, có sử dụng hastag #MeToo của nhà hoạt động xã hội Tarana Burke. Milano đã viết rằng: Nếu tất cả những người phụ nữ đã bị quấy rối tình dục hoặc tấn công đều viết “Tôi cũng vậy”.
Ngay lập tức, cụm từ "Tôi cũng vậy" (#MeToo) được lan rộng trên khắp thế giới. Ban đầu là trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trên Twitter, hastag #MeToo được sử dụng hơn 200.000 lần mỗi ngày, cho tới cuối năm 2017, hastag này được sử dụng hơn 500.000 lần/ngày. Còn trên facebook hastag #MeToo được sử dụng bởi hơn 4,7 triệu người trong 12 triệu bài đăng, tính trong 24 giờ đầu tiên.
Nhiều cuộc diễu hành đã diễn ra để ủng hộ phong trào #MeToo. Cùng với đó là việc hàng loạt người nổi tiếng trong ngành giải trí từ khắp nơi trên thế giới lên tiếng ủng hộ #MeToo. Tại Hàn Quốc, loạt thần tượng đã lên tiếng ủng hộ gồm: Ca sĩ Amber, ca sĩ Uee (nhóm nhạc After School), diễn viên Shin So Yul (diễn trong phim Reply 1997),...
Vậy nhưng, chiến dịch #MeToo đã dần bị thoái trào bởi đường hướng đấu tranh thiếu kiên định, không có những mục tiêu cụ thể về mặt chính trị, gặp yếu tố nhiễu trong truyền thông... Những cuộc diễu hành ngày một đi vào quên lãng.
Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục...
Những phong trào mới phát triển từ cuộc đấu tranh nữ quyền vẫn tiếp tục diễn ra. Trong đó, nổi tiếng là cuộc diễu hành đòi quyền được "thả rông" thường niên tại New York, Mỹ. Cuộc diễu hành năm nay có sự tham gia của cả nam giới cởi trần hoặc mặc áo ngực để thể hiện sự ủng hộ đối với phụ nữ. Luật pháp ở New York không cấm phụ nữ để ngực trần, nhưng hành động cởi trần ở nơi công cộng sẽ bị cảnh sát ngăn chặn. Do đó, cuộc tuần hành này đã bị gián đoạn bởi sự can thiệp của cảnh sát.
Mục đích của cuộc tuần hành này là hướng tới việc "khẳng định rằng ngực và cơ thể phụ nữ không phải là thứ khiêu dâm". Có thể đây là một mục đích tốt đẹp, tuy nhiên, với cách đấu tranh này, mọi thứ sẽ đi ngược lại mong muốn của các nhà hoạt động xã hội. Phong trào hiện tại chỉ thu hút giới truyền thông với một con mắt lạ lẫm mặc dù đã diễn ra trong nhiều năm.
Câu hỏi được đặt ra rằng liệu phong trào này có trở thành #MeToo thứ hai hay không? Nếu không may phong trào này có thể sớm lâm vào giai đoạn thoái trào. Những nhà hoạt động xã hội của chiến dịch này cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc từ những phong trào trong lịch sử.