Nhìn lại chặng đường 35 năm thu hút FDI
Tính đến đầu năm 2024, Đồng Nai đã có 35 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp (DN) FDI đã có những đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như cả nước. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đặt nhà máy sản xuất ở Đồng Nai để có sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, thu hút FDI vào Đồng Nai đến nay đạt hơn 34 tỷ USD. Hiện đã có 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực, nhưng công nghiệp vẫn là chủ đạo; trong đó, dẫn đầu là Hàn Quốc, tiếp đến là Đài Loan, Nhật Bản và Singapore.
Đi đầu trong thu hút vốn ngoại
Trước năm 1986, đất nước ta đứng trước những khó khăn lớn về kinh tế, xã hội. Nền kinh tế Việt Nam khi đó lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, mức lạm phát có lúc lên đến 700%, sản xuất đình trệ, cơ sở kỹ thuật lạc hậu và thiếu vốn trầm trọng. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã khởi xướng chính sách đổi mới toàn diện, trong đó thu hút vốn FDI là một bộ phận quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng với mốc son là ngày 29-12-1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, Đồng Nai đã đi đầu trong thu hút nguồn vốn FDI để phát triển kinh tế. Dự án FDI đầu tiên tại Đồng Nai được cấp phép vào ngày 30-9-1989, thuộc lĩnh vực dịch vụ vận tải taxi. Sau đó, các tập đoàn: Vedan, Vmep, Hualon bắt đầu đến Đồng Nai đầu tư. Nhưng giai đoạn từ năm 1989-1993, các dự án FDI đang trong giai đoạn xây dựng nhà xưởng nên chưa tác động rõ nét đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện các DN FDI đã đầu tư vào tỉnh hơn 1,6 ngàn dự án với tổng vốn đăng ký hơn 34 tỷ USD. Đồng Nai nằm trong tốp 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Trong đó có 1.440 dự án trong các khu công nghiệp và 170 dự án ngoài khu công nghiệp.
Phải từ năm 1994-1998 mới là giai đoạn đầu tư FDI tạo đột phá lớn trong phát triển công nghiệp và các lĩnh vực khác ở Đồng Nai. Giai đoạn này, tỉnh đón được nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn như: Kao, Samsung, Fujitsu, Kolon, Chrysler, CP, Cargill... Đây cũng là thời kỳ được xem là làn sóng đầu tư FDI đầu tiên vào Việt Nam.
Từ năm 1999-2010, đầu tư FDI vào tỉnh tăng trưởng ổn định, khoảng 800-900 triệu USD/năm. Các dự án FDI có vốn lớn đầu tư vào công nghiệp thuộc Tập đoàn Formosa (Đài Loan, Trung Quốc), Hyosung (Hàn Quốc). Đồng thời, giai đoạn này, lĩnh vực bất động sản cũng đón được vốn ngoại lớn vào Dự án Khu dân cư Long Tân - Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) khoảng 290 triệu USD; Dự án Khu dân cư Water Front 750 triệu USD, Dự án Khu dân cư Aqua City gần 519 triệu USD (thành phố Biên Hòa)...
Từ năm 2011 đến nay là giai đoạn thu hút đầu tư dự án FDI có chọn lọc, ưu tiên ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành sản xuất ít ô nhiễm môi trường, công nghệ cao. Có nhiều dự án lớn, ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, y tế thuộc doanh nghiệp, Tập đoàn Lixil, Termuro BTC, SMC Manufacturing, Volcafe, Shingmark… Đây được xem là làn sóng đầu tư FDI thứ 2 vào Đồng Nai với các dự án ngày càng phù hợp với định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.
Ông Atsumi Kazuhico, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp Long Bình (100% vốn Nhật Bản) ở thành phố Biên Hòa, cho hay Đồng Nai là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế để DN FDI đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, bất động sản, thương mại dịch vụ. Sau nhiều năm đầu tư vào Đồng Nai, công ty đã từng bước mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự kiến trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào tỉnh.
Tìm cách đón dòng vốn FDI chất lượng cao
Với lợi thế về hạ tầng giao thông được đầu tư, kết nối quy mô cấp vùng, các khu công nghiệp, nguồn lao động dồi dào, cùng với chủ trương luôn đồng hành, giải quyết khó khăn cho DN FDI, Đồng Nai đã tạo ra lực hút hấp dẫn đối với các DN.
Thời gian gần đây, Đồng Nai thường xuyên tiếp đón các tổng lãnh sự, đại sứ đặc mệnh toàn quyền, các tập đoàn kinh tế lớn từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến để trao đổi thông tin về các chính sách thu hút đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Đồng Nai. Một số lĩnh vực các nhà đầu tư quan tâm như: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, phát triển các dự án bất động sản, thương mại dịch vụ…
Theo Phó tổng lãnh sự Nhật Bản Furudate Seiki, Đồng Nai là một trong những địa phương thu hút được nhiều DN Nhật Bản đầu tư. Đến nay, Nhật Bản có 276 dự án với tổng vốn đầu tư trên 5,2 tỷ USD, đứng thứ 3 trong các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Trong đó, nhiều DN Nhật Bản đã gắn bó với Đồng Nai trên 20 năm, giải quyết việc làm cho hơn 100 ngàn lao động.
Sẽ thu hút vốn FDI từ 5-6 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025
Theo UBND tỉnh, kế hoạch của Đồng Nai là trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 5-6 tỷ USD, trong đó dòng vốn FDI thực hiện dự án và giải ngân từ 3-4 tỷ USD. Đồng thời, đến năm 2025, đa số các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, có phát thải khí nhà kính thấp.
Tính từ năm 2021 đến hết quý I-2024, Đồng Nai thu hút FDI được hơn 4,2 tỷ USD. Dự kiến đến cuối năm 2024, khả năng tỉnh sẽ về đích trong kế hoạch thu hút vốn FDI của giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI được thực hiện khá nhanh, tăng cao hơn nhiều so với kế hoạch của tỉnh. Bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp thực hiện nguồn vốn từ 1-1,1 tỷ USD. Nguồn vốn được giải ngân nhanh đồng nghĩa với việc các dự án được triển khai sớm để đưa vào khai thác. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn địa phương.
K.M
Ông Furudate Seiki cho rằng, thời gian tới, khi các dự án hạ tầng giao thông được kết nối, cùng với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Đồng Nai có khả năng nhận được thêm sự quan tâm của các DN đang tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các DN Nhật Bản.
Nói về chiến lược thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai trong suốt 35 năm qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, dòng vốn FDI đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động trong và ngoài tỉnh, thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế. Trước năm 2010, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong cả nước thu hút vốn FDI mới chỉ chú trọng đến tạo công ăn việc làm; nhưng sau đó, Đồng Nai đã khắc phục những hạn chế để đón dòng vốn FDI lớn, chất lượng cao vào dự án công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, hạ tầng kỹ thuật…
Ngoài ra, Đồng Nai luôn đồng hành cùng DN, nhanh chóng giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN trong suốt quá trình đầu tư dự án. Đồng Nai còn đang tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giải quyết thủ tục hành chính cho DN. Theo đó, tỉnh phấn đấu mỗi năm thực hiện đơn giản hóa 10% thủ tục hành chính, đưa tiêu chí này vào đánh giá xếp loại thi đua hoàn thành công vụ và cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương nhằm nâng cao chất lượng phục vụ DN. Toàn bộ các thủ tục hành chính được chuẩn hóa, nhiều thủ tục thực hiện trực tuyến (online), công khai quy trình và thời hạn giải quyết trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.