Nhìn lại chặng đường đổi thay của các hợp tác xã

Hoạt động theo hướng nông nghiệp hiện đại kết hợp kinh doanh dịch vụ, HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (huyện Sơn Hòa) trở thành điểm sáng của địa phương. Ảnh: MINH DUYÊN

Sau hơn 7 năm chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đến nay 100% HTX trên địa bàn tỉnh đã có quy mô hoạt động phù hợp với quy định của luật. Điều này đã tạo nên những kết quả đáng ghi nhận ở các HTX.

Chậm thời gian đầu

Thời điểm năm 2016, sau 3 năm triển khai Luật HTX năm 2012, cũng là thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 19 về đẩy mạnh thi hành Luật HTX và yêu cầu trước ngày 1/7/2016, các HTX trong cả nước phải tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012 hoặc chuyển sang hình thức tổ chức khác. Lúc đó, toàn tỉnh chỉ có 60/123 HTX thay đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, chiếm hơn 48%. Nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ này không chỉ nằm ở các HTX mà cả phía các cơ quan quản lý.

Theo Liên minh HTX tỉnh, các địa phương lúng túng trong việc chuyển giao quản lý giữa Phòng Kinh tế hạ tầng trước đây và Phòng Tài chính - Kế hoạch theo quy định mới của luật. Cùng với đó, các quỹ tín dụng nhân dân và liên hiệp HTX lại do Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH-ĐT đăng ký thay vì cấp huyện như trước. Đối với các HTX, sự thay đổi từ Luật HTX năm 2003 sang Luật HTX năm 2012 là sự thay đổi căn bản về bản chất hoạt động, từ một thành phần kinh tế theo mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ nay quay trở lại là đơn vị phục vụ. Các HTX bị ràng buộc bởi những quy định về tỉ lệ cung ứng dịch vụ, góp vốn… Điều này khiến nhiều HTX loay hoay vì ngại sẽ khó vận động.

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Luật HTX mới buộc thành viên phải góp vốn làm vốn điều lệ và HTX cũng không được tự do bán sản phẩm ra bên ngoài như trước. Có thể nói, khi cái bóng trì trệ của kinh tế tập thể cũ chưa xóa bỏ, việc thu hút người dân sử dụng dịch vụ, cùng hoạt động sản xuất với HTX đã khó, nay lại yêu cầu bà con góp vốn để HTX hoạt động càng khó hơn. Trong khi đó, chất lượng hoạt động của các HTX còn nhiều hạn chế nên người dân chưa tin vào hiệu quả của những đổi mới này mang lại.

Ông Lương Tấn Thái, Giám đốc HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa) từng băn khoăn: Là đơn vị sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu nếu không bán ra bên ngoài thì HTX tiêu thụ sản phẩm ở đâu? Luật mới lại yêu cầu HTX chỉ được bán ra 50% sản lượng vậy còn 50%, ai tiêu thụ cho HTX?

Bứt phá đổi thay

Hơn 3 năm sau, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền vận động, xây dựng các mô hình điểm HTX hoạt động theo luật mới tại các địa phương, mọi khó khăn căn bản được giải quyết. Hiện 100% HTX trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang hoạt động theo luật mới. Từ đây, quy mô và phương hướng hoạt động của HTX thay đổi, giúp các HTX từng bước nâng chất lượng hoạt động.

“HTX được hướng dẫn chuyển sang mô hình cung ứng việc làm vừa phù hợp với quy định về tỉ lệ cung ứng dịch vụ vừa phù hợp với thực tế hoạt động của HTX. Nhờ đó, HTX ổn định được hoạt động, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, vừa duy trì được xuất khẩu các sản phẩm sang các nước châu Âu”, ông Lương Tấn Thái nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, so với thời điểm trước khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, đến nay số lượng HTX khá, giỏi tăng. Doanh thu bình quân năm 2012 chỉ 1,9 tỉ đồng/HTX nay đã tăng lên 3,4 tỉ đồng/HTX, thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng từ 2 triệu đồng/người/tháng lên 3 triệu đồng/người/tháng. Các HTX đã đổi mới phương thức hoạt động và quản lý để nâng cao chất lượng đầu vào, đầu ra cho thành viên, mở rộng liên kết giữa HTX với HTX, với doanh nghiệp. Nhiều mô hình HTX kiểu mới hình thành và hoạt động hiệu quả đã dần lấy lại được lòng tin của người dân.

Ông Lê Thanh Lam cho biết thêm: Hơn 3 năm qua, ghi nhận thành công lớn nhất của các HTX, đó là xây dựng được thương hiệu sản phẩm độc quyền tạo chỗ đứng trên thị trường, khẳng định khả năng hòa nhập của các HTX với các thành phần kinh tế khác. Kinh tế tập thể tỉnh bắt đầu xuất hiện những thương hiệu nông sản của HTX như: gạo thơm hoa vàng của HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), muối sạch của HTX Muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu), rượu tằm của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa), các sản phẩm từ khóm của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa)… Từ năm 2016 đến nay cũng là giai đoạn mà lần đầu tiên các HTX thu hút được doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trở thành thành viên trực thuộc HTX và chọn mô hình HTX để hoạt động, đặc biệt nhiều người trẻ chọn loại hình HTX để khởi nghiệp và thành công như HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (huyện Sơn Hòa), HTX Nông nghiệp Tây An Hòa (huyện Tuy An). Những HTX mới này đều ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến kết hợp với mở rộng dịch vụ cung ứng đã tạo nên sự linh hoạt trong hoạt động nên khả năng cạnh tranh cũng cao hơn.

So với thời điểm trước khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, đến nay số lượng HTX khá, giỏi tăng. Doanh thu bình quân năm 2012 chỉ 1,9 tỉ đồng/HTX nay đã tăng lên 3,4 tỉ đồng/HTX, thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng từ 2 triệu đồng/người/tháng lên 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/239445/nhin-lai-chang-duong-doi-thay-cua-cac-hop-tac-xa.html