Nhìn lại cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan
Sự kiện Taliban chiếm lĩnh thủ đô Kabul đã đánh dấu sự thất bại của quân đội Afghanistan khi không thể chặn đứng đòn tấn công của lực lượng này, dù quân đội được đánh giá cao hơn. Dư luận cho rằng, đây là thất bại được đoán trước. Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Thất thủ sớm hơn dự báo
Taliban không giấu tham vọng xây dựng một tiểu vương quốc Hồi giáo tại Afghanistan và áp dụng chế tài từ luật Hồi giáo cực đoan Shariya có từ khi thành lập vào năm 1994. Danh xưng này đã được sử dụng khi Taliban nắm quyền từ 1996-2001. Dù cam kết không để Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác hoạt động và xâm phạm các nước láng giềng, nhưng trong mấy chục năm qua, Al-Qaeda luôn là đồng minh thân cận của Taliban. Từ Afghanistan, đầu não của Al-Qaeda đã lên kế hoạch vụ tấn công khủng bố 11-9-2001. Chỉ vài tháng sau đó, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu tấn công lật đổ chế độ Taliban nhằm truy quét Al-Qaeda. Khi Taliban bị đánh đuổi khỏi Kabul, Al-Qaeda cũng biến mất vào vùng đồi núi ở biên giới với Pakistan.
Tuy nhiên, có thể thấy sau 20 năm nhìn lại, mục tiêu do Mỹ đề ra trong “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan cũng chưa thành công. Taliban không những không bị tiêu diệt mà còn giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở vùng nông thôn của Afghanistan, uy hiếp sự tồn vong của chính thể do Mỹ dựng lên ở Kabul. Từ chỗ bị Washington coi là kẻ thù cần phải tiêu diệt, Taliban được Mỹ chấp nhận như một đối tác đàm phán để ký Thỏa thuận hòa bình vào ngày 29-2-2020. Ngoài ra, các tổ chức khủng bố quốc tế không những không bị triệt tiêu, mà còn bén rễ tới nhiều khu vực trên thế giới như Trung Đông - Bắc Phi, Đông Nam Á, thậm chí cả ở châu Âu. Do đó, quyết định của Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan đồng nghĩa với việc gián tiếp công nhận thất bại trong cuộc chiến kéo dài 20 năm ở quốc gia này.
Giao tranh ở Afghanistan khiến nhiều người ngạc nhiên, khi quân Taliban chứng tỏ thế áp đảo, đẩy quân đội và lực lượng an ninh của chính phủ vào thế chống đỡ, bị động. Bản báo cáo rò rỉ của tình báo Mỹ hồi đầu tháng 8 dự báo rằng, thủ đô Kabul có thể sẽ thất thủ trước Taliban sau 1-3 tháng tới, nhưng sự thật cho thấy vụ việc xảy đến nhanh hơn.
Theo bà Weeda Mehran, một chuyên gia về xung đột tại Đại học Exeter (Anh), việc Mỹ vội vàng rút khỏi Afghanistan, đặc biệt là bất ngờ rút khỏi căn cứ Bagram trong đêm, là một đòn giáng mạnh vào tinh thần của lực lượng an ninh Afghanistan khi Kabul đang khá mơ hồ về cách thức kiểm soát cuộc chiến và đối phó Taliban. Trong khi đó, suốt 20 năm qua, Taliban chưa hề từ bỏ ý định tái chiếm Kabul. Lực lượng này len lỏi từ làng này qua làng khác để tiến hành chiến dịch vận động. Taliban cũng thực thi một chiến lược tuyển mộ bằng bạo lực và lợi dụng sự sợ hãi. Bất cứ ai làm việc cho cảnh sát hoặc quân đội chính phủ đều có nguy cơ bị ám sát. Giới trí thức, phóng viên, nhân vật truyền thông, hay bất cứ ai đại diện cho phong trào hoạt động xã hội ở Afghanistan đều trong tầm ngắm thủ tiêu của Taliban.
Tương quan lực lượng
Theo thống kê, quân chính phủ Afghanistan áp đảo Taliban với sĩ số khoảng 300.000 người, gồm có quân đội, không quân và cảnh sát. Nhưng trên thực tế, chính quyền Kabul luôn phải chật vật với công tác tuyển mộ, xây dựng lực lượng để đạt mục tiêu về quân số. Theo ông Jack Waltling, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), ngay cả quân đội Afghanistan cũng không biết chính xác họ thực sự có bao nhiêu binh sĩ, bởi có cả số binh sĩ “ảo” do nạn quan liêu, tham nhũng, muốn làm đẹp hồ sơ.
Quân chính phủ cũng có thiếu sót trong khâu bảo quản vũ khí trang bị, huấn luyện tinh thần chiến đấu. Một cựu quan chức cấp cao của cơ quan tình báo Afghanistan cho biết, tỷ lệ hao hụt trong lực lượng an ninh là khoảng 5.000 người/tháng, trong khi tỷ lệ tuyển mộ chỉ từ 300-500 người/tháng. Đây là sự chênh lệnh đáng báo động.
Ở chiều ngược lại, Taliban tỏ ra mạnh hơn so với những dữ liệu chính thức. Trung tâm Chống khủng bố Mỹ tại Học viện Quân sự West Point ước tính, Taliban có khoảng 60.000 tay súng. Bên cạnh đó là mạng lưới chân rết với các nhóm vũ trang và những người ủng hộ Taliban, đưa quân số của phong trào này có thể vượt quá 200.000 người.
Quân đội chính phủ cũng có ưu thế về cả nguồn lực tài chính và vũ khí khi nhận được nguồn tiền lớn từ Mỹ, dùng để trả lương, huấn luyện, mua sắm vũ khí. Trong gần 20 năm qua, Mỹ đã chi tới 88 tỷ USD cho mục đích huấn luyện, xây dựng, trang bị guồng máy quân sự, an ninh đủ sức chiến đấu độc lập, theo đúng mô hình của Mỹ. Tuy nhiên, nguồn tiền đã được sử dụng như thế nào, bị thất thoát ra sao và có thực chất hay không, vẫn là điều chưa rõ ràng.
Đơn cử, Afghanistan hiện vẫn gặp khó khăn trong duy trì hoạt động của 211 máy bay chiến đấu cùng lực lượng phi công. Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi Taliban chủ đích tiêu diệt lực lượng này. Afghanistan cũng không có đủ ngân sách, nguồn lực tiếp ứng hậu cần đáp ứng nhu cầu của các tư lệnh trên bộ trong cuộc đối đầu với Taliban. Hệ quả là với mỗi một khu vực, thành phố nào đó rơi vào tay Taliban, quân chính phủ thường bám vào lời giải thích là không có hỏa lực không quân hỗ trợ, thiếu lương thực, đồ tiếp tế.
Về phần mình, Taliban có nguồn thu từ hoạt động buôn lậu, kiểm soát cửa khẩu biên giới. Số tiền này chủ yếu thu được từ việc buôn ma túy, tống tiền doanh nghiệp, thu thuế tại các vùng kiểm soát được và các hoạt động phạm tội khác. Ngoài ra, Taliban được cho là còn nhận tài trợ từ một số bên khác trong khu vực. Gần đây, Taliban cũng có thêm lượng vũ khí, phương tiện chiến tranh chiếm được từ lực lượng an ninh Afghanistan, phần nhiều trong số này do Mỹ viện trợ - như xe quân sự Humvee, súng máy, pháo, súng cối, kính nhìn ban đêm…
Tinh thần chiến đấu rệu rã cũng là một yếu tố khiến quân chính phủ thua trước Taliban. Binh sĩ và cảnh sát Afghanistan lộ rõ thất vọng, tức giận trước giới lãnh đạo, những người dường như làm ngơ trước những yêu cầu cơ bản. Một số nguồn tin cho biết, cảnh sát Afghanistan đã không được Bộ Nội vụ trả lương trong nhiều tháng qua. Thực tế này cũng diễn ra ở Bộ Quốc phòng. Tại nhiều cứ điểm, binh sĩ chính phủ thiếu thốn từ lương thực, nước uống cho tới vũ khí, đạn dược.
Điều đó giải thích tại sao Taliban đã nhanh chóng chiếm được nhiều thành phố, tỉnh lỵ chỉ trong thời gian ngắn. Phản kháng của lực lượng thân chính phủ là yếu ớt, thậm chí có thông tin cho rằng họ đã tự bỏ vũ khí, vị trí chiến đấu để Taliban dễ dàng chiếm hàng loạt thành phố mà không cần phải tiến đánh.
Trước đó, Taliban đã thực hiện loạt thỏa thuận dưới tên gọi là thỏa thuận ngừng bắn ở vùng nông thôn, giữa lực lượng phiến quân và một số quan chức cấp thấp nhất của chính phủ vào đầu năm ngoái. Đổi lại, Taliban đã bỏ tiền để đổi lấy việc quân chính phủ giao nộp vũ khí. Một năm rưỡi tiếp theo, các cuộc trao đổi lên đến cấp huyện và nhanh chóng đến các thủ phủ tỉnh, dẫn đến một loạt cuộc đầu hàng của các lực lượng chính phủ, tạo điều kiện để Taliban nhanh chóng đánh chiếm các tỉnh thành chủ chốt trước khi áp sát và đánh chiếm Kabul vào ngày 15-8.
Cuộc chiến tại Afghanistan được Mỹ phát động kể từ ngày 7-10-2001, với các đợt ném bom vào các lực lượng của Taliban. Tháng 12-2001, Taliban sụp đổ. Ngày 2-5-2011, quân đội Mỹ tiến hành một cuộc đột kích và tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden tại một ngôi làng ở Pakistan, tạo nên bước ngoặt trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Năm 2015, với mục tiêu hỗ trợ, binh sĩ NATO và Mỹ được duy trì ở Afghanistan để đào tạo và cố vấn cho các lực lượng an ninh Afghanistan. Cũng từ đó, một chiến lược mới để giải quyết cuộc xung đột ở Afghanistan bắt đầu, mà mấu chốt là đàm phán với lực lượng Taliban. Một thỏa thuận được ký kết mở đường cho việc hàng loạt binh sĩ NATO và Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm 2020.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhin-lai-cuoc-chien-20-nam-o-afghanistan-754535.html