Nhìn lại cuộc chiến toàn diện giữa máy bay không người lái Nga và Ukraine
Trong xung đột giữa Nga và Ukraine, máy bay không người lái (UAV) được đưa vào mọi giai đoạn chiến đấu với số lượng lớn, giúp cả lực lượng Nga và Ukraine có khả năng nhìn thấy và tấn công lẫn nhau mà không cần đến gần.
Theo tờ Washington Post, các lực lượng Ukraine cũng đã sử dụng UAV để tấn công các mục tiêu cách xa cuộc giao tranh, ví dụ như ở Crimea và ở khu vực biên giới Belgorod của Nga. Trong khi đó, Nga đã nhiều lần tấn công cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Ukraine bằng UAV tự kích nổ.
UAV đã trở nên quan trọng đối với thành công trên thực địa đến nỗi đôi khi chúng được sử dụng để tiêu diệt các UAV khác.
Đầu tháng 9, chỉ vài ngày trước khi Ukraine mở cuộc tấn công nhằm đẩy lực lượng Nga khỏi khu vực đông bắc Kharkiv, một UAV trinh sát của Ukraine đã bay qua khoảng trống giữa hai hệ thống gây nhiễu gần biên giới Nga. Nó băng qua lãnh thổ Nga và quay về phía bắc qua khu vực Belgorod, nơi Nga đặt các thiết bị hỗ trợ cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
UAV trinh sát này đã phát hiện ra một căn cứ UAV của Nga. Một UAV tấn công của Ukraine đã bay theo cùng lộ trình với UAV trinh sát trên và thực hiện một cuộc tấn công vào căn cứ đó. Cuộc tấn công đã giáng một đòn mạnh vào khả năng của lực lượng Nga.
Trong khi đó, Ukraine triển khai UAV trinh sát để đánh dấu tọa độ của các sở chỉ huy, khẩu đội pháo, hệ thống tác chiến điện tử và kho đạn dược của Nga. Sau đó, khi các hệ thống tên lửa phóng loạt do phương Tây cung cấp bắn vào các mục tiêu đó, máy bay không người lái lại bay, chuyển hướng tên lửa bắn theo thời gian thực hoặc xác nhận rằng nó đã bắn trúng mục tiêu. Đôi khi, UAV chiến đấu tự tấn công.
Các cuộc tấn công của Ukraine đã tạo tiền đề cho binh lính Ukraine tiến lên. Khi đó, UAV lại bay lơ lửng, giúp chỉ huy của chiến dịch theo dõi trực tiếp tiến trình của quân đội. Đại tá Oleksandr Syrsky, chỉ huy lực lượng mặt đất Ukraine cho biết: “Chúng tôi đã có bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến”.
Ông Samuel Bendett, một nhà phân tích quân sự tại nhóm nghiên cứu CAN (Mỹ), cho biết: “Hai diễn biến chính sẽ tác động đến các cuộc xung đột trong tương lai. UAV phổ biến và sẵn có cho các hoạt động tầm xa hơn, phức tạp hơn và sự cần thiết phải có UAV chiến thuật giá rẻ cho các hoạt động hỗ trợ gần”.
Để theo dõi động thái của đối phương, quân đội Ukraine vào mùa xuân năm ngoái đã thành lập một đơn vị gồm các đội UAV trinh sát có tên là Ochi (tiếng Ukraine có nghĩa là “đôi mắt”). Các đội bốn người này đang rải khắp mặt trận phía đông, điều khiển UAV hàng ngày trừ khi trời mưa.
Máy bay không người lái của Ukraine có giá khoảng 40.000 USD, khiến nó trở thành một trong những công cụ chiến tranh rẻ nhất.
Chính những máy bay không người lái thương mại này đã làm cho cuộc xung đột ở Ukraine trở nên đặc biệt, mang lại khả năng quan sát chưa từng có và nâng cao độ chính xác của hỏa lực pháo mà thông thường không chính xác.
Các UAV chiến đấu cấp quân sự như Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được Ukraine sử dụng hay Shahed-136 do Iran sản xuất được Nga triển khai, đang đóng một vai trò lớn hơn.
Nhưng loại UAV phổ biến nhất mà mỗi bên sử dụng là UAV có kích thước nhỏ, có thể nằm gọn trong bàn tay. Đó là chiếc UAV Mavic do DJI của Trung Quốc sản xuất, có giá 4.000 USD. Mavic phổ biến trong quân đội đến nỗi các binh sĩ Ukraine cho biết họ thường không biết UAV mà họ phát hiện là bạn hay thù.
DJI không chính thức cung cấp Mavic hoặc các UAV khác cho Ukraine hoặc Nga. Để tránh cuộc xung đột này, DJI đã ngừng bán ở Ukraine và Nga. Nhưng điều đó không ngăn được các tình nguyện viên và quỹ từ thiện mua số lượng lớn từ các nhà bán lẻ. Người Ukraine sử dụng UAV lái để trinh sát nhưng cũng đã sửa để chúng có thể thả đạn nhỏ.
Mavic chỉ là một trong một loạt loại UAV. Ngoài ra, còn có UAV EVO II do Autel Robotics sản xuất. Một tổ chức từ thiện đã mua UAV từ khắp nơi trên thế giới như UAV Vector của Đức hoặc UAV Poseidon của CH Síp để quân đội Ukraine sử dụng.
Ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, cho biết mục tiêu là có 10.000 UAV bay dọc theo tiền tuyến rộng lớn.
Ukraine là nước đầu tiên trong số hai bên đưa UAV nước ngoài vào sử dụng. Một trong số đó là Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Những chiếc TB2, có giá khoảng 5 triệu USD mỗi chiếc, là loại UAV mạnh nhất của Ukraine.
Hồi tháng 5, quân đội Ukraine cho biết họ đang sử dụng TB2 để tấn công các căn cứ và tàu của Nga trên Đảo Rắn ở Biển Đen.
Ukraine hiện có một số UAV chiến đấu do nước ngoài sản xuất, nhưng Bayraktar vẫn là một biểu tượng.
Về phía Nga, UAV Orlan-10 là phương tiện chủ lực của quân đội nước này trên bầu trời, nhưng không rõ có bao nhiêu chiếc còn lại. Nhiều chiếc đã bị bắn hạ và có rất ít dữ liệu về tỷ lệ sản xuất.
Do khó sản xuất UAV trong nước, Nga đã chọn UAV Shahed do Iran sản xuất. Ukraine và các đồng minh phương Tây nói rằng Nga đã mua hàng trăm UAV Shahed-136 và phía Iran đã cử người tới Ukraine để giúp Nga vận hành. Shaheds xuất hiện lần đầu tại Ukraine vào ngày 20/9 và ban đầu được sử dụng ở miền nam Ukraine.
Kể từ đó, UAV của Nga đã xuất hiện khắp nơi. Shahed có ít bộ phận bằng kim loại và bay thấp nên rất khó bị phát hiện. Các hệ thống tên lửa đất đối không đắt tiền, như S-300 hoặc Buk, có thể tiêu diệt chúng, nhưng làm như vậy sẽ lãng phí các nguồn lực mà Ukraine muốn sử dụng để chống lại các tên lửa có độ chính xác cao của Nga. Gần đây, Ukraine đã phải điều máy bay chiến đấu để bắn hạ Shahed.
Xét những diễn biến liên quan UAV ở Ukraine, tờ Washington Post đã gọi cuộc xung đột ở Ukraine là “chiến tranh UAV thứ nhất”.