Nhìn lại cuộc đảo chính của Thái Lan vào đêm 19-9-2006
Đêm 19-9-2006, trong khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang ở Mỹ để tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc thì quân đội Thái Lan đã tiến hành đảo chính. Đây là cuộc đảo chính đầu tiên tại Thái Lan trong vòng 15 năm qua, đồng thời tạo nên một cú sốc lớn đối với đất nước Thái Lan nói riêng và thế giới nói chung lúc bấy giờ.
Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cùng Nội các mới tuyên thệ trước Nhà vua và Hoàng hậu Thái Lan, ngày 5-9-2023. Ảnh: Thai Enquirer
Cuộc đảo chính không bắt đầu bằng một tiếng súng hay một hồi đại bác, mà hiệu lệnh của nó là các giai điệu ca ngợi Tổ quốc và Hoàng gia được Đài truyền hình phát đi khắp cả nước thay vì các chương trình bình thường như mọi ngày. Bangkok đã trải qua cuộc đảo chính trong đêm 19/9 rất nhẹ nhàng, binh lính tiến hành đảo chính nhanh chóng lật đổ chính phủ Thaksin trong vài giờ mà không có bất kỳ sự cản trở nào, không mất một viên đạn nên cũng không có máu đổ.
Ngay sau đó, ông Thaksin đã nhận được hung tin từ trong nước và xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia để ban bố tình trạng khẩn cấp: “Chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Bangkok với sự đồng thuận của Nội các”. Ông Thaksin cho biết đã phế truất quyền điều hành của người đứng đầu quân đội, Tổng tư lệnh Sondhi Boonyaratkalin. Thủ tướng Thaksin cảnh cáo binh sĩ không nên “di chuyển một cách bất hợp pháp”. Phát ngôn viên chính phủ nói rằng lực lượng của Thủ tướng Thaksin vẫn nắm quyền kiểm soát và quân đội “không thể đảo chính được”.
Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của ông Thaksin, báo chí Thái Lan cho biết ít nhất 14 xe tăng cùng binh lính đã xuất hiện xung quanh các tòa nhà chính phủ tại Bangkok. Một cuộc binh biến thực sự đã diễn ra và quyền lực của ông Thaksin bị tước đoạt.
Cụ thể, quân đội đã chiếm cứ một số trụ sở truyền hình và tuyên bố thành lập chính quyền lâm thời trung thành với quốc vương. Tổng tư lệnh Sondhi Boonyaratkalin đảo chính để lật đổ Thủ tướng Thaksin và thành lập “Hội đồng cải cách chính quyền”. Các thủ lĩnh quân sự tuyên bố trong một chương trình truyền hình trực tiếp rằng quân đội đã kiểm soát được thủ đô Bangkok và một số tỉnh lân cận. Quân đội còn ban bố thiết quân luật trên khắp đất nước.
Hàng trăm binh sĩ đã có mặt khắp nơi tại Bangkok, họ chốt giữ các điểm trọng yếu tại thành phố này, trong khi nhiều binh sĩ với trang phục và vũ khí tương tự lực lượng đặc nhiệm bao vây các tòa nhà của chính phủ.
Theo giới quan sát, sự kiện đảo chính đêm 19/9/2006 là kết cục của một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài trong nhiều tháng qua. Phe đối lập đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình rầm rộ để đòi ông Thaksin từ chức, cáo buộc nhân vật đứng đầu chính phủ này lạm quyền, tham nhũng và lừa dối sau khi ông bán tập đoàn truyền thông Shin Corp của mình cho một công ty của Singapore với giá 1,9 tỷ USD mà không chịu thuế. Trước làn sóng phản đối dữ dội, ông Thaksin đã phải rời bỏ chiếc ghế Thủ tướng trong một thời gian trước khi trở lại nắm giữ quyền lực.
Trong khi đó, dù đã dự cảm trước, người dân Thailand vẫn cảm thấy bất ngờ, nhưng rồi họ nhanh chóng đón nhận sự thay đổi chính trị này.
Sau khi chính phủ Thaksin bị phế truất, nền kinh tế có chút biến động nhẹ, tình hình chính trị dần ổn định dưới sự điều hành của chính phủ lâm thời, trật tự xã hội không bị xáo trộn. Cục diện đất nước Thái Lan đương thời dường như chỉ thay đổi ở một bộ phận thuộc thượng tầng kiến trúc khi có sự góp mặt của giới quân sự và một ngài Thủ tướng không phải Thaksin trong chính phủ lâm thời mà tương lai được quyết định bằng một cuộc bầu cử mới vào cuối năm 2007. Nhìn từ các cuộc đảo chính trước đó, cuộc đảo chính này thể hiện bước phát triển tiếp theo của nền dân chủ Thailand trong phạm vi ảnh hưởng của quân đội.
Sau một thời gian chuẩn bị, mặc cho những tranh cãi, bất đồng trong công chúng, ngày 19/8/2007, một cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp mới của Thailand, thay thế cho Hiến pháp năm 1997, đã được tổ chức. Kết quả là hơn 57% cử tri tán thành Hiến pháp mới và nó đã trở thành luật. Bản hiến pháp mới này thay thế bản Luật tối cao của Vương quốc, bản Hiến pháp tạm thời năm 2006.
Ngày 5/9/2023, Thủ tướng Srettha Thavisin cùng toàn thể các thành viên trong Chính phủ mới của Thái Lan đã tiến hành lễ tuyên thệ nhậm chức trước Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu. Tại buổi lễ nhậm chức được tổ chức tại Cung điện Dusit ở thủ đô Bangkok, ông Srettha Thavisin, người của đảng Pheu Thai lãnh đạo liên minh cầm quyền 11 đảng, đã cùng 33 thành viên chính phủ tuyên bố trung thành với Hoàng gia Thái Lan. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp ngay sau lễ tuyên thệ, Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh rằng chính phủ của ông sẽ tập trung vào việc giải quyết các yêu cầu của người dân.
Đã 17 năm trôi qua kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính vào đêm 19-9-2006 đến nay, tình hình mọi mặt của Thailand vẫn không vượt ra ngoài quỹ đạo phát triển bình thường của nó. Hơn hết, tất cả cách thức mà giới lãnh đạo đất nước Thái Lan sử dụng dù hợp hiến hay không hợp hiến cũng đã và đang đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, đều được đa số dân chúng chấp nhận.