Nhìn lại cuộc đời của Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis, tiếng nói đại diện cho người nghèo trên khắp thế giới và là người đã vượt qua nhiều phản đối quyết liệt để tái định hình Giáo hội Công giáo, đã qua đời hôm 21/2, hưởng thọ 88 tuổi. Hãy cùng Báo Thế giới và Việt Nam tôn vinh những cống hiến của Ngài trên cương vị nhà lãnh đạo tối cao Tòa thánh Vatican.
Ông Jorge Mario Bergoglio, người Argentina, được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 13/3/2013, sau khi Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị. Ông là giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh và cũng là người đầu tiên đến từ châu Mỹ. Trước khi trở thành người lãnh đạo Giáo hội Công giáo, ông là Hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng giám mục Buenos Aires.
Ngài chọn tên thánh Francis để vinh danh vị Thánh được giới Công giáo tôn kính Francis Assisi vì những cống hiến cho người nghèo. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Giáo hoàng Francis luôn bảo vệ người nghèo, người di cư và môi trường.
Đức Giáo hoàng cũng được biết đến như một nhà cải cách hiện đại, với cách tiếp cận cởi mở, thường xuyên lên tiếng về các cuộc khủng hoảng nhân đạo như di cư, chiến tranh và biến đổi khí hậu. Ngài cũng nỗ lực cải cách Giáo hội thông qua việc chống lại tâm lý đặc quyền trong giới giáo sĩ, kêu gọi sự cảm thông với những người Công giáo ly hôn và đồng tính, đồng thời nhấn mạnh rằng Giáo hội phải chào đón tất cả mọi người.

Đức Giáo hoàng Francis được biết đến như một nhà cải cách hiện đại, với cách tiếp cận cởi mở. (Nguồn: AFP)

Giáo hoàng Francis (trái) lúc nhỏ cùng em trai Oscar. Ngài là con cả của ông Mario và bà Regina Bergoglio, những người nhập cư gốc Italy tại Argentina. (Nguồn: CNN)

Giáo hoàng Francis lúc thành niên. Khi còn học trung học, ông theo ngành kỹ thuật hóa học. (Nguồn: CNN)

Giáo hoàng cùng bố mẹ vào năm 1958. (Nguồn: CNN)

"Chàng trai" Francis được phong chức linh mục vào năm 1969. (Nguồn: CNN)

Năm 2001, ông được Giáo hoàng John Paul II phong tước vị Hồng y. (Nguồn: AFP)

Hồng y Francis chào hỏi giáo dân tại Buenos Aires (Argentina). (Nguồn: AFP)

Vị Giáo hoàng tương lai rửa chân cho một người phụ nữ tại một bệnh viện sản ở Buenos Aires năm 2005. (Nguồn: AFP)

Gặp gỡ Giáo hoàng Benedict XVI, người mà sau này ông kế nhiệm, trong chuyến thăm Vatican năm 2007. (Nguồn: AFP)

Khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, ông thường đi làm bằng xe buýt và tự nấu ăn. (Nguồn: Getty)

Các tín đồ theo dõi tân Giáo hoàng tại Vatican. Bên cạnh việc là giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh và châu Mỹ, Ngài còn là vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Ngài cũng là vị Giáo hoàng không đến từ châu Âu đầu tiên trong hơn 1.000 năm qua. (Nguồn: AFP)

Một ngày sau khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất tại Vatican, Đức Giáo hoàng tự mình thanh toán hóa đơn lưu trú tại nhà khách Paulus VI, nơi Ngài đã ở trong thời gian diễn ra Mật nghị. (Nguồn: Reuters)

Tháng 11/2013, Giáo hoàng đeo một chiếc mũi đỏ, đứng cùng các thành viên của Hiệp hội Cầu vồng Marco Iagulli Onlus - tổ chức từ thiện này sử dụng "liệu pháp cười" tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão và trại mồ côi. (Nguồn: Alamy Live News)

Năm 2013, Giáo hoàng Francis được tạp chí Time vinh danh là Nhân vật của năm. Biên tập viên điều hành lúc bấy giờ Nancy Gibbs viết: "Vì đã đưa hình ảnh giáo hoàng ra khỏi Thánh đường và vào các con phố, vì cam kết đưa giáo hội lớn nhất thế giới đối mặt với những nhu cầu sâu sắc nhất của nó, và vì biết cân bằng giữa phán xét và lòng thương xót, Giáo hoàng Francis là Nhân vật của năm 2013 của TIME". (Nguồn: TIME Magazine)

Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip đã có cuộc gặp gỡ với Giáo hoàng trong chuyến thăm Rome hồi tháng 4/2014. (Nguồn: Getty)

Giáo hoàng cầu nguyện bên bức tường phía Tây ở khu phố cổ Jerusalem vào tháng 5/2014. Ngài đã thực hiện chuyến thăm ba ngày đến Thánh địa, đi cùng với các lãnh đạo Do Thái và Hồi giáo từ quê hương Argentina của mình. (Nguồn: AFP)

Giáo hoàng ký vào sổ lưu niệm trong cuộc gặp các giám mục tại Seoul, Hàn Quốc, tháng 8/2014. (Nguồn: AFP)

Giáo hoàng hôn một bệnh nhân trong buổi tiếp kiến đặc biệt tại Vatican, tháng 11/2014. (Nguồn: Reuters)

Giáo hoàng Francis tại quảng trường Thánh Peter ở Vatican vào tháng 11/2014. (Nguồn: Reuters)

Giáo hoàng Francis thổi nến trong sinh nhật lần thứ 78 vào tháng 12/2014. (Nguồn: Reuters)

Giáo hoàng Francis cầu nguyện trên sàn của nhà thờ Thánh Peter trong Lễ thứ sáu tuần Thánh vào tháng 4/2015. (Nguồn: AFP)

Giáo hoàng phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ vào tháng 9/2015. Ngài kêu gọi nước Mỹ chào đón hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ, tham gia chiến dịch toàn cầu chống biến đổi khí hậu và đói nghèo. (Nguồn: AFP)

Giáo hoàng Francis đi bộ cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama trước cuộc gặp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào tháng 9/2015. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ngài tới Mỹ. Trong chuyến thăm này, Giáo hoàng cũng đã thăm Nhà thờ Thánh Matthew và tổ chức một Thánh lễ tại khuôn viên đền Thánh quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm. (Nguồn: Getty)

Giáo hoàng vẫy tay chào đám đông từ tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Nguồn: The New York Times)

Giáo hoàng Francis phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2015. Trong bài phát biểu của mình, Ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới áp dụng những giải pháp cụ thể nhằm chống lại nạn nghèo đói lan rộng và sự tàn phá môi trường. (Nguồn: PBS)

Giáo hoàng mở cửa Thánh để đánh dấu lễ khai mạc Năm Thánh Công giáo, hay còn gọi là Năm Đại Xá, tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican, tháng 12/2015. (Nguồn: Reuters)

Giáo hoàng gặp gỡ những người di cư tại trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos, Hy Lạp vào tháng 4/2016. Ngài nhận được sự chào đón nồng nhiệt và đầy cảm xúc trong suốt chuyến thăm, thể hiện sự đoàn kết với những người di cư đang chạy trốn chiến tranh và nghèo đói. (Nguồn: Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp)

Giáo hoàng Francis đi qua cổng chính của Auschwitz-Birkenau, trại tập trung nổi tiếng ở Ba Lan, tháng 7/2016. Ngài đến đây để tưởng niệm những người đã hy sinh trong Holocaust. (Nguồn: AFP)

Giáo hoàng Francis cử hành Thánh lễ khi bảy vị mới được phong thánh vào tháng 10/2018. (Nguồn: Getty)

Giáo hoàng cử hành Thánh lễ tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, tháng 2/2019. Đây là lần đầu tiên một vị giáo hoàng thăm một quốc gia thuộc vùng Vịnh Arab và là lần đầu tiên một vị giáo hoàng cử hành Thánh lễ trên bán đảo Arab, nơi khai sinh Hồi giáo. (Nguồn: Getty)

Giáo hoàng Francis tiếp đón Tổng thống Vladimir Putin và phái đoàn Nga vào tháng 7/2019. (Nguồn: Getty)

Giáo hoàng Francis bước ra khỏi nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (Assumption Cathedral) ở Bangkok (Thái Lan), trong vòng tay những người trẻ. (Nguồn: Getty)

Trong khung cảnh tàn tích của các nhà thờ bị phá hủy, Giáo hoàng Francis di chuyển bằng xe ở Mosul (Iraq) vào tháng 3/2021. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một giáo hoàng tới Iraq và cũng là chuyến đi đầu tiên của Giáo hoàng Francis ra khỏi Italy kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. (Nguồn: Reuters)

Giáo hoàng bắt tay với một người đàn ông hóa trang thành Spider-Man, tháng 6/2021. Người đàn ông đeo mặt nạ, làm việc với các bệnh nhi tại bệnh viện, cũng đã tặng cho Ngài một chiếc mặt nạ Spider-Man. (Nguồn: Getty)

Giáo hoàng chủ trì một buổi cầu nguyện từ cửa sổ ở Vatican, tháng 6/2022. (Nguồn: Reuters)

Giáo hoàng trò chuyện với Vua Hamad bin Isa al-Khalifa của Bahrain trong cuộc gặp gỡ tại Awali, Bahrain, tháng 11/2022. (Nguồn: AFP)

Giáo hoàng rời sân bay quốc tế N'Djili để tham dự một cuộc họp tại Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo, tháng 1/2023. Chuyến thăm của Giáo hoàng tới Congo là một phần trong chuyến đi kéo dài 6 ngày, bao gồm cả Nam Sudan. Tại hai quốc gia này, người Công giáo chiếm khoảng một nửa dân số và Giáo hội là một phần quan trọng trong hệ thống y tế, giáo dục, cũng như trong nỗ lực xây dựng nền dân chủ. (Nguồn: Vatican Pool)

Giáo hoàng Francis gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Vatican vào tháng 5/2023. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Zelensky và Giáo hoàng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Giáo hoàng đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc chấm dứt xung đột. (Nguồn: Vatican Pool)

Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đón tiếp Giáo hoàng Francis sau khi Ngài hạ cánh tại Lisbon để tham dự sự kiện Ngày giới trẻ thế giới vào tháng 8/2023. (Nguồn: AFP)

Giáo hoàng Francis trò chuyện với một em bé trong buổi lễ đón tiếp tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, tháng 9/2023. (Nguồn: Reuters)

Giáo hoàng Francis trong buổi tiếp đón chung hàng tuần tại Vatican vào tháng 9/2023. (Nguồn: Vatican Media)

Giáo hoàng Francis tham dự buổi tiếp đón chung hàng tuần vào tháng 2/2024. Sau đó, Ngài đã được đưa đến bệnh viện vì các triệu chứng của bệnh cúm. (Nguồn: Reuters)

Giáo hoàng Francis tham dự một phiên làm việc về trí tuệ nhân tạo (AI) trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6/2024. Đây là lần đầu tiên một vị giáo hoàng tham dự hội nghị này và Giáo hoàng Francis, với vai trò của mình - quyết sử dụng sức mạnh mềm của Giáo hoàng để đảm bảo rằng, sự phát triển của AI là để phục vụ nhân loại, chứ không phải trở thành một "quái vật Frankenstein" của thế kỷ XXI. (Nguồn: AFP)

Giáo hoàng Francis và Tổng thống Indonesia Joko Widodo duyệt đội danh dự trong lễ đón chính thức tại Cung điện Tổng thống ở Jakarta, tháng 9/2024.(Nguồn: AFP)

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào người dân Timor-Leste, tháng 9/2024. Đức Giáo hoàng nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt từ quốc gia Đông Nam Á - gần một nửa dân số đã tham dự Thánh lễ ngoài trời. Đây là điểm dừng cuối cùng trong chuyến công du dài qua châu Á và Nam Thái Bình Dương của Ngài. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Slovakia Robert Fico gặp Giáo hoàng tại Vatican vào tháng 2/2025. Vào cuối ngày hôm đó, Giáo hoàng đã phải vào bệnh viện ở Rome. Sau đó, Vatican thông báo Ngài đang chiến đấu với bệnh viêm phổi ở cả hai phổi. (Nguồn: Reuters)

Tháng 3/2025, Vatican đã công bố bức ảnh Giáo hoàng Francis trong nhà nguyện của Bệnh viện Gemelli ở Rome. Đây là bức ảnh đầu tiên được công bố kể từ khi Ngài nhập viện. Giáo hoàng Francis mặc một chiếc stole, loại áo lễ sử dụng khi đồng tế Thánh lễ. (Nguồn: Vatican Press Office)

Cũng vào tháng 3/2025, Giáo hoàng Francis xuất hiện vào ngày được xuất viện. Mặc dù sức khỏe còn yếu và gặp khó khăn khi phát biểu, Đức Giáo hoàng vẫn lên tiếng cảm ơn đám đông bên ngoài bệnh viện và làm dấu ban phước lành. (Nguồn: Reuters)

Giáo hoàng gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Vatican vào Chủ nhật Phục sinh, tháng 4/2025. (Nguồn: Vatican Media)

Giáo hoàng Francis tham dự Thánh lễ Phục sinh và ban phép lành truyền thống "Urbi et Orbi" từ quảng trường Thánh Peter, chỉ 2 ngày trước khi Ngài trút hơi thở cuối cùng. (Nguồn: Getty)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhin-lai-cuoc-doi-cua-giao-hoang-francis-312560.html