NHÌN LẠI DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023: MỌI QUYẾT SÁCH ĐỀU PHẢI SÁT HỢP VỚI THỰC TIỄN VÀ PHẢI DỰA TRÊN CƠ SỞ VỮNG CHẮC

Vừa qua Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan hoạch định, thực thi chính sách, các doanh nghiệp, các đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong không khí cởi mở, khách quan, đa chiều và toàn diện, Diễn đàn đã khẳng định thông điệp: Mọi quyết sách đều phải sát hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế, phải dựa trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học vững chắc cũng như đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó. Thành công của Diễn đàn có ý nghĩa thiết thực phục vụ kịp thời Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Theo Hiến pháp, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để thực hiện tốt các chức năng trên, đòi hỏi mọi quyết sách của Quốc hội phải sát với thực tiễn trong nước và tình hình thế giới, trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học, thực tiễn vững chắc. Quốc hội khóa XV đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 nhằm huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước góp phần đóng góp kịp thời vào các quyết sách của Quốc hội.

Thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” và Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn cao, cung cấp các thông tin hay, định hướng hữu ích, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đặc biệt với nhiều đề xuất, gợi mở hữu ích tại các Diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh, quyết liệt, ứng phó kịp thời, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trên cơ sở phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 thu hút sự tham gia đông đảo các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp...

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 thu hút sự tham gia đông đảo các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được thời gian qua, có thể nhận thấy, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Từ thực tế vươn lên trong đại dịch COVID-19 khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài. Việt Nam cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Việt Nam cần tập trung giải quyết các thách thức bên trong cả trước mắt, lẫn trong trung và dài hạn. Xuất phát từ tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” làm chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023.

Ngày 19/9/2023, thực hiện chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023: Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” dưới sự chủ trì trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Diễn đàn diễn ra trong 01 ngày, buổi sáng tiến hành Phiên khai mạc và 02 Phiên chuyên đề với chủ đề: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”; và “Nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”. Buổi chiều tiến hành Phiên toàn thể và Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế, của Trung ương và địa phương. Diễn đàn còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đại diện các hiệp hội trong và ngoài nước; Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp của Nhà nước, của tư nhân và nước ngoài. Tham dự Diễn đàn có các vị đại sứ, đại diện sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế. Diễn đàn được kết nối với 6 học viện, trường đại học.

Với 07 báo cáo tham luận của các diễn giả tại Phiên toàn thể và 2 Phiên chuyên đề, 42 bài viết của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và nhiều ý kiến tham gia trao đổi, thảo luận và tương tác, trọng tâm không chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn mà còn tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam. Sự chia sẻ các góc nhìn đa dạng từ các chuyên gia trong nước và nước ngoài, các học giả, các nhà nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan thực thi chính sách, các doanh nghiệp cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách khác đã tạo ra không khí trao đổi rất mở, khách quan, đa chiều và toàn diện.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã khẳng định thông điệp: Mọi quyết sách đều phải sát hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế, phải dựa trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học vững chắc. Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng; đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Các đại biểu khẳng định đây là vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn, đòi hỏi cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc và thách thức trong bối cảnh mới. Đây cũng là nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của Diễn đàn hôm nay.

Đồng thời, một thông điệp rất nhất quán được đề cập ở Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 được nhiều đại biểu nhắc tới, đó là “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó”, muốn đi xa trong điều kiện khó khăn, thách thức lớn mà để về đích, hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu 5 năm giai đoạn 2021-2025 càng phải sát cánh, đoàn kết bên nhau, không chỉ đoàn kết trong nước, mà còn phải tăng cường hợp tác đoàn kết quốc tế, khu vực.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải quyết các tồn tại, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cần tích cực, khẩn trương nghiên cứu, căn cứ ý kiến rất tâm huyết, giá trị của Diễn đàn nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, căn cơ và phù hợp. Tăng cường hơn nữa năng lực về hoàn thiện thể chế; công tác giám sát tổ chức thực thi các chính sách để bảo đảm công khai, minh bạch, trực tiếp đi vào đời sống của người dân. Mục tiêu trước mắt nhằm phục vụ kịp thời Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80665