Nhìn lại dòng phim độc lập

Tại Liên hoan phim Cannes vừa qua, hai cái tên đạo diễn gốc Việt đã làm nên lịch sử - đạo diễn Trần Anh Hùng thắng giải đạo diễn xuất sắc, đạo diễn Phạm Thiên Ân thắng giải Camera vàng. Nhân đây thử nhìn lại dòng phim độc lập của các đạo diễn Việt Nam…

Cảnh trong phim "Bên trong vỏ kén vàng".

Cảnh trong phim "Bên trong vỏ kén vàng".

1.Khi đọc tin tức về giải thưởng danh giá trên, bà xã tôi khen nức nở tài năng của người Việt và thắc mắc sao gọi là “phim độc lập”, rồi có ý mong được xem phim. Tôi cũng có chút kiến thức về điện ảnh, nên giải thích nôm na: Đó là phim do một người hoặc nhóm người tự tìm kinh phí làm, như chú Bùi Thạc Chuyên, trước đây ở khu nhà mình làm phim “Tro tàn rực rỡ” được giải quốc tế. Thế giới đã có giải “Tinh thần độc lập” để vinh danh các nhà làm phim độc lập.

“Phim độc lập”, theo cuốn "Thuật ngữ điện ảnh - truyền hình" của Hội Điện ảnh Việt Nam, còn gọi là “Phim vị nghệ thuật”, do một người hoặc một nhóm người tự sản xuất không vì lợi nhuận, kinh phí tự bỏ túi hoặc dựa vào các nhà bảo trợ, không có công ty chủ quản. Nội hàm thuật ngữ này còn chứa đựng tính độc lập về nội dung, tư tưởng, độc lập về tiêu chí nghệ thuật, độc lập với những thứ “ngoài mình” để đặt cái tôi sinh động hấp dẫn vào trung tâm của sự sáng tạo. Đúng như Phạm Thiên Ân khi trả lời các hãng truyền thông đã nói, không quan trọng mình là người thứ nhất hay thứ hai nhận được giải thưởng trên, “quan trọng là tôi đã thành công trong việc thể hiện ngôn ngữ điện ảnh của bản thân qua phim độc lập”. Những người làm phim độc lập chủ yếu để thỏa mãn đam mê cá nhân, vì vậy kinh phí làm phim không cần quá nhiều, diễn viên không cần nổi tiếng, chỉ cần đam mê. Máy quay có khi là chiếc kỹ thuật số handycam - loại cầm tay mà chẳng cần tới máy Red với giá hàng trăm ngàn USD, còn bối cảnh là nhà mình hay nhà người thân quen. Điều hấp dẫn khán giả chủ yếu là đề tài khai thác, góc nhìn mới lạ…

Cảnh trong phim của Trần Anh Hùng.

Cảnh trong phim của Trần Anh Hùng.

2.Phim ảnh và nghệ thuật nói chung luôn vận động và phát triển, mỗi thời đại đều phản ánh hơi thở đời sống xã hội của thời điểm đó. Nhu cầu của khán giả cũng mỗi thời mỗi khác, luôn đa dạng và không ngừng được nâng cao. Bên cạnh những dòng phim truyền thống, dòng phim độc lập của Việt Nam hình thành khoảng hai chục năm nay, trong khi ở Mỹ, châu Âu có lịch sử cả trăm năm. Nhiều đạo diễn trẻ Việt Nam ngày nay đã lựa chọn cách làm phim này như một lối đi riêng, nhằm xác lập tên tuổi của mình. Vài thập niên trở lại đây dòng phim này khởi sắc, được khán giả trong nước chú ý từ khi phim “Bi ơi! Đừng sợ” của Phan Đăng Di đoạt giải “Dự án châu Á nổi bật” tại Liên hoan phim (LHP) Busan - Hàn Quốc 2007. Có thể nói Phan Đăng Di là người khơi dòng cho niềm đam mê điện ảnh của giới trẻ; Rồi tới phim “Đập cánh giữa không trung” của Nguyễn Hoàng Điệp giành giải thưởng tại LHP Venice năm 2014; Tiếp đó phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải thưởng xuất sắc nhất ở hạng mục “Asian Project Market” tại LHP quốc tế Busan năm 2017; Năm 2018, phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” của đạo diễn trẻ Cao Thúy Nhi đã vượt qua rất nhiều tác phẩm để nhận giải "Spotlight Award" - giải thưởng cho phim tiêu điểm Viet Film Fest 2018, được tổ chức lần thứ 10 ở Mỹ... Đó là thành công của dòng phim độc lập của những tài năng điện ảnh ở trong nước. Thành công đó là minh chứng cho bước đi hội nhập về điện ảnh nước ta với thế giới, để lại ấn tượng tốt đẹp với khán giả nước ngoài khi được thưởng thức những cảnh quay, câu chuyện khá hấp dẫn và sinh động về đất nước, con người Việt Nam. Vậy là với môi trường, điều kiện làm việc ở trong nước họ đã thành công trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, những giải thưởng kể trên so với giải của Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân vừa đạt được có sự khác nhau về đẳng cấp. Cannes là một trong số ít LHP có uy tín nhất thế giới. LHP Cannes có nhiều giải như, Giải cho đạo diễn xuất sắc nhất, Giải thưởng lớn (Grand Prix), giải thưởng uy tín nhất được trao ở Cannes là Cành Cọ Vàng (Palme d'Or) cho phim xuất sắc nhất. Thắng được giải bất cứ ở hạng mục nào của Cannes cũng là một vinh dự lớn.

Phim “La passion de Dodin Bouffant” của Trần Anh Hùng kể về câu chuyện tình yêu giữa nữ phụ bếp trẻ Eugenie, làm việc bên cạnh đầu bếp nổi tiếng Dodin. Suốt 20 năm làm việc cùng nhau, giữa họ đã nảy sinh tình cảm sâu sắc xuất phát từ tình yêu với nghệ thuật ẩm thực, họ đã sáng tạo ra nhiều món ăn đặc sắc khiến các thực khách phải trầm trồ... Phim ca ngợi vẻ đẹp của ẩm thực và tình yêu của người Pháp. Thức ăn là thứ chúng ta nhìn thấy bề mặt, nhưng sự hiểu biết và đồng hành hỗ trợ của đồng nghiệp mới là giá trị quý giá ẩn sâu bên trong.

Với đạo diễn Phạm Thiên Ân, phim “Bên trong vỏ kén vàng” kể về người đàn ông tên Thiện và cháu trai tên Đạo. Sau khi chị dâu qua đời vì tai nạn giao thông, Thiện đưa thi thể chị dâu về quê ngoại, đồng thời đi tìm người anh trai đã mất tích để trao lại bé Đạo. Hành trình của nhân vật cũng là hành trình tìm kiếm linh hồn của anh ấy. Vỏ kén vàng của phim là ẩn dụ cho vỏ bọc của xã hội, những thứ chi phối, kéo họ vào vòng lặp lại bất tận của cuộc sống để tìm kiếm danh vọng và tiền bạc. Bên trong vỏ kén là con nhộng, tượng trưng cho linh hồn của con người. Báo chí quốc tế ca ngợi bộ phim của Phạm Thiên Ân là “Một thiên sử thi sâu sắc với nhịp điệu có chủ ý và là câu chuyện đầy mê hoặc về khao khát không thể dò thấu đối với thế giới bên kia”. “Nhịp phim chậm rãi như một bản nhạc cuộc đời với những ngã rẽ đầy số phận”. Tài năng của các đạo diễn đã được thể hiện trên từng khuôn hình, chi tiết phim như thế.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân (trái) và đạo diễn Trần Anh Hùng tại Liên hoan phim Cannes 2023.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân (trái) và đạo diễn Trần Anh Hùng tại Liên hoan phim Cannes 2023.

3.Điều đáng nói hơn, thành công của 2 đạo diễn gốc Việt ở Cannes là nguồn động lực lớn, thôi thúc giới làm phim độc lập trong nước, hãy dấn thân vì nó, đam mê đến tận cùng, tài năng tới độ chín sẽ gặt hái được thành công lớn. Và đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại xem vì sao phim thương mại vẫn được khán giả ưa chuộng, còn phim độc lập mắc mớ gì mà vẫn loay hoay đi tìm chỗ đứng trong lòng khán giả “sân nhà”?

Bộ phim đoạt giải vừa rồi của Ân có 60% nguồn kinh phí ở nước ngoài còn 40% ở Việt Nam. Viện dẫn như vậy để thấy những khó khăn, vất vả của những người làm phim độc lập, ngay ở nước ngoài, có điều kiện hơn trong nước mà tìm kinh phí cũng không dễ. Việc tìm kiếm cơ hội làm phim và ra rạp đối với các nhà làm phim độc lập trong nước không đơn giản chút nào. Khó từ khâu tìm kinh phí thực hiện đến tìm đơn vị chấp nhận phát hành, rồi chi phí quảng bá. Không phải đơn vị phát hành phim nào cũng dám nhận chiếu rạp với một phim dán nhãn phim độc lập, vì đạo diễn còn ít tên tuổi, không có tiền để quảng bá.

Gần đây có một số phim đạt doanh thu trên dưới 100 tỷ đồng, còn phần lớn rất ít khán giả. Vì sao? Vì phim có nội dung nặng nề, nhà làm phim quá coi trọng yếu tố nghệ thuật, và cách thức truyền tải tư tương theo kiểu đánh đố khán giả, nên không tạo được sự hấp dẫn với số đông công chúng. Có những phim đề tài gần gũi với cuộc sống, nhưng chọn góc nhìn dị biệt để phản ánh, thành ra còn gây nên hiệu ứng ngược từ phía khán giả do làm xấu đi hình ảnh đất nước, văn hóa con người Việt Nam. Một số phim tác giả muốn tăng sự thu hút bằng “cảnh nóng”, nhưng khiên cưỡng, thô tục, không phù hợp thẩm mỹ và truyền thống văn hóa của người Việt. Cứ so với những đề tài và cách thể hiện của 2 đạo diễn gốc Việt vừa thắng giải để thấy đề tài nào có đâu cần sự “dị biệt”, “cảnh nóng” mà vẫn hấp dẫn, thắng giải lớn.

Như mọi loại hình nghệ thuật khác, điện ảnh cần phải hướng đến công chúng, đáp ứng nhu cầu lành mạnh của công chúng và phim độc lập cũng không thể là ngoại lệ. Điều chính yếu để một bộ phim độc lập tiếp cận được với công chúng cần có tài năng, tâm huyết, sự nỗ lực của người làm phim. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý đối với dòng phim này bằng cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí từ quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

ĐĂNG NGỌC

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhin-lai-dong-phim-doc-lap-5720269.html