Nhìn lại hoạt động ngân hàng năm 2021

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, năm 2021 thị trường tiền tệ trên địa bàn tỉnh ổn định; các chi nhánh ngân hàng, ngân hàng thương mại tăng cường thực hiện việc huy động vốn, cho vay với lãi suất theo quy định; đảm bảo tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng...

Hoạt động giao dịch tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn.

Hoạt động giao dịch tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, đến 31/12/2021, tổng huy động vốn của các ngân hàng đạt 10.250 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm 2020; dư nợ tín dụng ước đạt 10.430 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2020; dư nợ xấu ước 55 tỷ đồng, chiếm 0,5% trong tổng dư nợ. Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả, bền vững đi đôi với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện chính sách giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch bệnh khác trên địa bàn.

Các chi nhánh ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 52 khách hàng với tổng giá trị 173,7 tỷ đồng; có 701 khách hàng được cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch đạt 2.450 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi suất đối với các khoản nợ hiện hữu cho 03 khách hàng doanh nghiệp với tổng giá trị nợ là 33,9 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho 1.670 khách hàng với dư nợ 48,8 tỷ đồng, cho vay mới lũy kế đối với 28.288 khách hàng với số tiền 1.302 tỷ đồng...

Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huy động vốn và cho vay với các mức lãi suất theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Lãi suất huy động vốn cao nhất là 5,5%/năm, thấp nhất là 0,1%/năm, phổ biến mức 0,1%/năm; lãi suất cho vay cao nhất 9,0%/năm, thấp nhất 1,2%/năm, phổ biến ở mức 6,6%/năm. Các NHTM trên địa bàn áp dụng lãi suất huy động tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng là 0,2%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 6 tháng là 4,0%/năm theo Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của NHNN Việt Nam. Hiện nay, lãi suất huy động bằng VNĐ của các chi nhánh NHTM Nhà nước cao nhất là 5,6%/năm, thấp nhất 0,1%/năm, phổ biến ở mức 3,1 - 4,4%/năm; lãi suất huy động bằng VNĐ của chi nhánh NHTMCP cao nhất là 6,99%/năm, thấp nhất 0,1%/năm, phổ biến ở mức 3,1 - 5,6%/năm.

Bên cạnh đó các ngân hàng tiếp tục chấp hành quy chế cho vay, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, nâng cao chất lượng thẩm định; chấn chỉnh các sai sót sau thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động tín dụng; rà soát, đánh giá lại nợ xấu, đánh giá tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của khách hàng; xây dựng phương án xử lý nợ xấu phù hợp; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro. Nợ xấu đến 31/12/2021 là 55 tỷ đồng, chiếm 0,5% trong tổng dư nợ.

Mặc dù dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, song hoạt động cấp tín dụng của các chi nhánh TCTD vẫn tăng 7% so với cuối năm 2020, bao gồm khoản cho vay hợp vốn ngoài địa bàn tỉnh và nhu cầu mở rộng vốn của doanh nghiệp, người dân để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Với quyết tâm khắc phục khó khăn, năm 2022, ngành ngân hàng tỉnh đề ra mục tiêu huy động vốn tăng từ 8 - 10% so với cuối năm 2021. Dư nợ tăng từ 6 - 8% so với cuối năm 2021. Nợ xấu chiếm tỷ lệ dưới 3% trong tổng dư nợ.

Đồng chí Đoàn Thị Hạnh- Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Trong năm tới, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng. Việc mở rộng tín dụng phải đảm bảo khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn và tuân thủ pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng, hạn chế tối đa gia tăng nợ xấu. Áp dụng việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Triển khai các giải pháp về tín dụng để các TCTD có điều kiện hỗ trợ việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu và tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu. Thực hiện nghiêm kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị, cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền; hạn chế tối đa các khoản nợ xấu phát sinh; tiếp tục lành mạnh hóa tài chính của TCTD./.

Bích Ngọc

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202201/nhin-lai-hoat-dong-ngan-hang-nam-2021-a111b1c/