Nhìn lại hoạt động sân khấu năm Kỷ Hợi

Thu Sa và Phương Liên (mặc áo dài) được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ảnh: XUÂN HIẾU

Năm Kỷ Hợi 2019 sắp sửa trôi qua để nhường chỗ cho năm Canh Tý 2020. Đón chào năm mới, cũng là dịp để anh chị em nghệ sĩ cả nước nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng nhìn lại những hoạt động văn học nghệ thuật trong suốt 12 tháng qua, trong đó có hoạt động sân khấu tỉnh nhà.

Cũng như nhiều năm trước đó, CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5 huyện Phú Hòa mở đầu hoạt động mừng Đảng, mừng xuân, cũng là mở đầu hoạt động của sân khấu địa phương năm 2019 bằng chuỗi những đêm biểu diễn lần lượt ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện - nơi có Di tích lịch sử quốc gia Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh - vị Thành Hoàng, người mở cõi đất Phú Yên. Trong khi đó, tại TP Tuy Hòa và nhiều địa phương khác cũng diễn ra các chương trình văn nghệ chào đón năm mới, mừng Đảng, mừng xuân với sự góp mặt của những hội viên của Chi hội Sân khấu (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), là những hạt nhân nòng cốt.

Thêm hội viên trung ương, nghệ nhân ưu tú

Cũng vào dịp đầu năm, Chi hội Sân khấu đón nhận tin vui khi có thêm hai hội viên của chi hội được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK) Việt Nam. Đó là nghệ sĩ Trình Thị Liên (nghệ danh Phương Liên) của CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5 huyện Phú Hòa và nghệ sĩ Thiều Thu Sa (nghệ danh Thu Sa), CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa. Đây cũng là hai nữ nghệ sĩ đầu tiên của Chi hội NSSK Việt Nam tỉnh Phú Yên.

Thêm thành viên là thêm sức mạnh. Từ khi được kết nạp vào Hội NSSK Việt Nam đến nay, hai nữ nghệ sĩ sân khấu này đã phát huy được vai trò hội viên trung ương của mình. Trong đó, nghệ sĩ Phương Liên vừa tham gia CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5 vừa gầy dựng phong trào văn nghệ, hoạt động sân khấu tại địa phương, cơ sở và liên tiếp gặt hái thành công ở nhiều vai trò khác nhau như sáng tác, dàn dựng, biểu diễn.

Nghệ sĩ Thu Sa vừa hoàn thành tốt vai trò giáo viên dạy nhạc ở một trường tiểu học thuộc xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), góp phần “đưa sân khấu vào học đường” vừa tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương. Tham gia Cuộc thi Sáng tác bài chòi năm 2019 kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên, nghệ sĩ Thu Sa đạt giải ba. Ngoài ra, nữ nghệ sĩ trẻ còn “lấn sân” sang lĩnh vực âm nhạc, đã cho ra đời hơn 20 ca khúc và liên tục xuôi ngược Bắc - Nam với những hợp đồng biểu diễn, sáng tác…

Những nghệ sĩ thâm niên, lớn tuổi hơn của Chi hội NSSK Việt Nam như Nguyễn Phụng Kỳ, Nguyễn Đình Thoảng… vẫn giữ được phong độ của mình. Hiện nay trên cả nước, lực lượng sáng tác kịch bản sân khấu tuồng, bài chòi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù đã sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ vẫn liên tục sáng tác kịch bản cho hai loại hình nghệ thuật này.

Trong năm 2019, ông hai lần tham dự trại sáng tác do Hội NSSK Việt Nam tổ chức tại Nha Trang và Tam Đảo, cho ra đời 1 kịch bản tuồng và 1 kịch bản bài chòi. Đây là điều rất đáng trân trọng và tự hào bởi không phải nghệ sĩ nào cũng làm được. Trong đó, kịch bản tuồng Kiều Quốc Sỹ vừa hoàn thành tháng 8/2019 tại Trại sáng tác Tam Đảo được Nhà hát Tuồng trung ương “để ý” đến.

Ngoài ra, nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ còn sáng tác nhiều tiểu phẩm kịch dân ca Khu 5, bài bản vọng cổ, đờn ca tài tử phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ của người dân địa phương và tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng của tỉnh đạt nhiều giải thưởng.

Một buổi sinh hoạt của CLB Đàn hát dân ca - Nẫu ca, ngâm thơ của Chi hội Sân khấu. Ảnh: XUÂN HIẾU

Một buổi sinh hoạt của CLB Đàn hát dân ca - Nẫu ca, ngâm thơ của Chi hội Sân khấu. Ảnh: XUÂN HIẾU

Còn nghệ sĩ Bình Thảng, trong năm, cùng với tích cực “đưa sân khấu vào học đường”, anh đã sáng tác, dàn dựng chương trình và tham gia nhiều hội thi, hội diễn khu vực, các bộ, ngành như: Hội thi Nhà nông đua tài; Liên hoan Tiếng hát công nhân lao động; Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Quân chủng Hải quân; Liên hoan Tuyên truyền viên giỏi trong phụ nữ Bộ đội Biên phòng toàn quốc; Hội thi Tuyên truyền viên BHXH, BHYT khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ… đều đạt giải cao. Tham gia Cuộc thi sáng tác bài chòi năm 2019 kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên, anh đạt 2 giải nhì…

Các nghệ sĩ khác của Chi hội Sân khấu như Mai Hoàng, Trọng Tích (TP Tuy Hòa), Hồng Cúc (huyện Đông Hòa), Thanh Kính (huyện Tây Hòa), Phùng Long Ẩn, Phương Cầm (huyện Tuy An), Phụng Kết (TX Sông Cầu)… tiếp tục là những hạt nhân nòng cốt trong hoạt động sân khấu và phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương; tham gia Hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn, các hội thi, hội diễn của địa phương và bộ, ngành trung ương.

Cũng trong năm 2019, Chi hội Sân khấu lại đón nhận thêm tin vui khi hai hội viên Thanh Kính và Trọng Tích được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đây cũng là hai trong sáu hội viên của Chi hội Sân khấu có tác phẩm được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hỗ trợ sáng tạo trong năm 2019.

Nhiều “điểm hẹn” sân khấu

Điểm đáng mừng của sân khấu tỉnh nhà trong năm qua nữa là, nếu như CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa (khu phố Phú Thọ, thị trấn Hòa Hiệp Trung) do nghệ sĩ Bình Thảng làm phó chủ nhiệm thường trực là điểm hẹn của các nam thanh nữ tú và các em học sinh say mê làn điệu bài chòi, thì CLB Đàn hát dân ca - Nẫu ca và ngâm thơ (đường Lê Trung Kiên, phường 2, TP Tuy Hòa) do nghệ sĩ Mai Hoàng (Chi hội phó Chi hội Sân khấu) làm chủ nhiệm là điểm hẹn hàng ngày của những người yêu cải lương, đờn ca tài tử ở cả trong và ngoài thành phố.

Ngoài ra, nhiều CLB đàn hát dân ca, đờn ca tài tử ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng ngày càng thu hút nhiều người yêu thích nghệ thuật truyền thống ở các lứa tuổi tham gia. Và mới đây, tại Đền thờ Lương Văn Chánh, VTV4 đã ghi hình ngoại cảnh một trích đoạn trong vở tuồng cổ Tam Hạ Nam Đường của cố soạn giả Tống Phước Phổ do CLB Nghệ thuật tuồng 10/5 huyện Phú Hòa thể hiện, dự kiến sẽ lên sóng quốc gia và giới thiệu với kiều bào ở các nước vào dịp đón Tết Canh Tý 2020 này.

Một hoạt động không thể không nhắc đến đó là kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ X và Giỗ Tổ sân khấu năm 2019 được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Chi hội NSSK Việt Nam tỉnh Phú Yên và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Hòa tổ chức tại Khu di tích lịch sử quốc gia Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh. Ngoài phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống, phần hội đã diễn ra với đa sắc màu các loại hình sân khấu như: Tuồng, bài chòi, cải lương và các làn điệu lý. Hoạt động xã hội hóa này đã thu hút đông đảo người xem. Đây là dịp để tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân các vị tổ nghề, các thế hệ nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền sân khấu Việt Nam.

Đồng thời là ngày hội lớn của các diễn viên, tác giả, đạo diễn, nhân viên hậu đài, âm thanh, ánh sáng… đã và đang hoạt động, đóng góp tích cực cho nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà có dịp gặp gỡ, thăm hỏi, chia sẻ những buồn vui của nghề. Qua đó gắn kết đội ngũ văn nghệ sĩ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của sân khấu Việt Nam, có thêm động lực để họ tiếp tục phấn đấu, góp sức cho nghề, sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Trong lễ hội này, các nghệ sĩ đã cùng thành tâm nguyện cầu tổ nghiệp, với mong muốn hoạt động sân khấu tỉnh nhà vượt qua những trở ngại, khó khăn, để ánh đèn sân khấu mãi mãi lung linh, tỏa sáng.

LÊ VĂN HIẾU

Chi hội trưởng Chi hội NSSK Việt Nam tỉnh Phú Yên

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/233883/nhin-lai-hoat-dong-san-khau-nam-ky-hoi.html