Nhìn lại Hội nghị cấp cao ASEAN 42: Một ASEAN tầm vóc, hết mình vì lợi ích người dân
Sau 3 ngày làm việc khẩn trương từ 9-11/5 với 8 phiên họp Thượng đỉnh và nhiều cuộc gặp song phương, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 với chủ đề 'Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng' đã thông qua nhiều văn kiện đáng chú ý.
Thông điệp của các nhà lãnh đạo ASEAN
Có lẽ từ được nhắc nhiều trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN khi tham dự Hội nghị lần này là từ đoàn kết. Ngay trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã khẳng định, “đoàn kết là chìa khóa để ASEAN trở thành tâm điểm của tăng trưởng kinh tế và hòa bình trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh cường quốc gia tăng”. “Đoàn kết không phải là khẩu hiệu” là thông điệp đã được chứng minh qua những kết quả cụ thể tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này. 9 văn kiện được thông qua tại hội nghị bao gồm Tuyên bố chung hướng đến Tầm nhìn sau 2025; Tăng cường Năng lực và Hiệu quả Thể chế ASEAN; Nạn Buôn bán người dưới tác động của lạm dụng công nghệ.
Ngoài ra còn các tuyên bố về thiết lập mạng lưới làng xã ASEAN, thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và sử dụng đồng nội tệ, bảo vệ lao động di cư, y tế,… đều hướng đến mục tiêu chung là biến ASEAN thành một khu vực hòa bình và thịnh vượng, trở thành tâm điểm của tăng trưởng. Những kết quả này đã truyền đi các thông điệp cơ bản sau:
Thứ nhất, tinh thần đoàn kết, độc lập, tự cường và tự chủ chiến lược là sức mạnh, là động lực và cũng là phương châm để ASEAN giữ vững vị trí, vai trò và hình ảnh trong khu vực và trên thế giới. ASEAN sẽ là lực lượng trung tâm trong tiến trình củng cố hòa bình, duy trì ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á và rộng lớn hơn là châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thứ hai, ASEAN có đủ điều kiện trở thành tâm điểm của tăng trưởng. Kinh tế toàn cầu bấp bênh, địa chính trị biến động, thách thức, nhưng ASEAN vẫn tăng trưởng ở mức cao, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Tuy vậy, các nước vẫn cho rằng chưa thể chủ quan, cần đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực mới, chiến lược như tăng cường thương mại, đầu tư nội khối, chuyển đổi số, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo…
Thứ ba, lợi ích của người dân được coi là mục tiêu cao nhất, là tâm điểm của Cộng đồng ASEAN. Các nội dung được bàn thảo, các văn kiện của hội nghị lần này đều xoay quanh lợi ích của người dân, hướng tới phát triển đồng đều, bền vững và bao trùm.
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 và các văn kiện kèm theo, như được hình dung trong Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, đồng thời tăng cường các nỗ lực chung của ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển nội khối và tăng cường chương trình nghị sự phát triển bền vững của ASEAN, qua đó hiện thực hóa một Cộng đồng hợp tác, bao trùm và không còn khoảng cách phát triển giữa các nước.
Trước đó nước Chủ tịch Indonesia cũng cho biết có 6 yếu tố cốt lõi đã được thống nhất làm nền tảng xây dựng Tầm nhìn ASEAN bao gồm định hướng hành động; bền vững; mạnh dạn, táo bạo và đổi mới; thích ứng và chủ động, nhanh nhẹn và kiên cường; bao trùm, tham gia và phối hợp. Một số yếu tố mới cũng sẽ được đưa vào nhằm dự báo và hỗ trợ hội nhập kinh tế trong tương lai, bao gồm y tế, các xu hướng lớn toàn cầu, kinh tế sáng tạo, phát triển bền vững, số hóa, và hợp tác với các đối tác ASEAN.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 này, các nhà lãnh đạo ASEAN một lần nữa khẳng định các tiêu chí thống nhất định nghĩa Cộng đồng ASEAN là một cộng đồng hòa bình, ổn định, an toàn, thịnh vượng và tự cường; đồng thời bổ sung những yếu tố mới tập trung vào con người, định hướng phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm và là đối tượng thụ hưởng từ quá trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng khuyến khích xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 có tầm nhìn, truyền cảm hứng, mạnh mẽ, toàn diện, bao trùm và hướng tới tương lai, nhằm giải quyết các thách thức và xu hướng hiện tại và tương lai trong và ngoài khu vực trong khung thời gian 20 năm, trên tinh thần thống nhất trong đa dạng và gắn kết.
Dấu ấn của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam đến Labuan Bajo lần này mang theo nhiều thông điệp quan trọng. Đó chính là tinh thần đoàn kết ASEAN, quyết tâm đóng góp thực chất, hiệu quả cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN và cũng là khẳng định đường lối nhất quán, chủ trương thống nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, coi ASEAN là bộ phận quan trọng, không thể tách rời trong chính sách đối ngoại.
Trên tinh thần đó, những phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều hướng tới khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhiều đề xuất tại các phiên họp, cùng Lãnh đạo các nước trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế. Những đề xuất và đóng góp của Thủ tướng tại hội nghị lần này nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao của các nước. Cùng với các hoạt động đa phương, nhân dịp này Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có các cuộc gặp song phương lãnh đạo 8 nước, trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ, mở ra cơ hội mới đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh - quốc phòng, văn hóa - giáo dục, giao lưu nhân dân… giữa Việt Nam và các nước ngày càng sâu sắc, hiệu quả và thực chất.
Báo chí khu vực cũng có những nhận định đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy đoàn kết hòa bình và ổn định trong ASEAN. Học giả người Indonesia Veeramalla Anjaiah cho rằng, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 khẳng định Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào việc củng cố đoàn kết ASEAN và ứng phó hiệu quả với các thách thức.
Trong bài viết trên tờ Eurasia Review, nghiên cứu viên cấp cao của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) này nhấn mạnh, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, thể hiện qua những đóng góp thiết thực cho sự thống nhất, trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN. Vai trò của Việt Nam trong ASEAN cũng có ý nghĩa quan trọng về xã hội, chính trị, kinh tế và an ninh. Là một đất nước yêu chuộng hòa bình nên Việt Nam cũng luôn thúc đẩy các giải pháp nhằm tăng cường an ninh ổn định trong khu vực. Cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng được báo giới Indonesia như Jakarta Globe hay trang web ASEAN của Indonesia đưa tin đậm nét, với những khẳng định tích cực về hợp tác song phương giữa hai quốc gia đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế thương mại./.