Nhìn lại lịch sử hàng không thiếu an toàn của Nepal đến mức EU phải cấm bay
Ngành hàng không Nepal bị đánh giá kém an toàn đến mức Liên minh châu Âu (EU) đã cấm tất cả các hãng hàng không của Nepal vào không phận.
Những vụ tai nạn hàng không kinh hoàng tại Nepal từ năm 2010
Từ vụ tai nạn thảm khốc vừa xảy ra tại thành phố Pokhara, nhìn lại lịch sử ngành hàng không Nepal có thể thấy, nhiều năm trở lại đây, ngành này đã bùng nổ với những hoạt động như chuyên chở người và hàng hóa tới các khu vực khó tiếp cận cũng như phục vụ những người nước ngoài yêu thích leo núi và trekking (đi bộ dài ngày, dã ngoại ngoài trời ở những nơi hoang dã).
Tuy nhiên, song song với đó, đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, trong đó có rất nhiều khách nước ngoài đi du lịch, hành hương.
Tất cả được thể hiện rõ qua thống kê các vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng xảy ra tại Nepal kể từ năm 2010 đến nay, chưa kể
Gần nhất là vụ tai nạn xảy ra vào tháng 5/2022 liên quan tới máy bay do hãng hàng không Nepal Tara Air khai thác khiến tất cả 22 người bao gồm 16 người Nepal, 4 người Ấn Độ và 2 người Đức thiệt mạng.
Tháng 4/2019, cũng xảy ra một vụ tai nạn liên quan tới máy bay nhỏ. Khi máy bay đang chuẩn bị cất cánh gần Núi Everest thì bị chệch khỏi đường băng đâm vào 2 trực thăng khiến 3 người thiệt mạng, 3 người khác bị thương.
Tháng 3/2018, một chuyến bay từ thủ đô Dhaka của Bangladesh đã gặp nạn khi hạ cánh tại sân bay Kathmandu ở thủ đô Nepal, lao vào sân bóng và bốc cháy. Sự việc khiến 51 người thiệt mạng, đánh dấu vụ tai nạn hàng không chết người nhiều nhất trong hàng chục năm tại Nepal.
Tháng 2/2016, một máy bay Twin Otter do hãng hàng không Tara Air vận hành đã rơi xuống sườn núi tại huyện Myagdi khiến toàn bộ 23 người trên máy bay thiệt mạng.
Tháng 2/2014, 18 người đã thiệt mạng khi một chuyến bay của hãng hàng không Nepal bị rơi tại huyện Arghakhanchi. Công tác cứu hộ trong vụ tai nạn này đã trở thành ác mộng với nhiều người vì họ đã chứng kiến rất nhiều bộ phận thi thể nạn nhân, đồ đạc rải rác khăpcs vùng núi này.
Riêng năm 2012, đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng. Trong đó có một vụ xảy ra vào tháng 9/2012 khi một máy bay chở 19 người về phía núi Everest thì gặp nạn, lao xuống và bốc cháy ở vùng ngoại ô thủ đô Nepal khiến toàn bộ người trên máy bay thiệt mạng trong đó có 7 người Anh và 5 người Trung Quốc.
Cách đó 4 tháng, máy bay của hãng hàng không Agni Air chở những người hành hương Ấn Độ đã gặp nạn gần sân bay Jomsom ở miền Bắc Nepal khiến 15 người thiệt mạng và 6 người thoát chết một cách thần kỳ.
Tháng 9/2011, một chiếc máy bay nhỏ chở khách du lịch đi ngắm cảnh vòng quanh núi Everest đã bị rơi xuống dườn núi gần thủ đô Kathmandu khiến toàn bộ 19 người trên máy bay gặp nạn.
Năm 2010 cũng có 2 vụ tai nạn máy bay ở Nepal. Một vụ xảy ra vào tháng 12 khiến toàn bộ 22 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng khi máy bay rơi xuống khu vực miền Đông Nepal. Hầu hết các nạn nhân đều là người hành hương từ Bhutan.
Tháng 8/2010, một máy bay cỡ nhỏ của hãng hàng không Agni Air đã gặp nạn gần thủ đô Kathmandu vì thời tiết xấu khiến toàn bộ 14 người trên máy bay bao gồm 4 người Mỹ, 1 người Nhật và 1 người Anh thiệt mạng.
Liên minh châu Âu cấm tất cả các hãng hàng không của Nepal
Ngành hàng không Nepal bị đánh giá kém an toàn do thiếu đào tạo và bảo trì.
Đến mức, Liên minh châu Âu đã cấm tất cả các hãng hàng không của Nepal bay vào không phận khu vực này từ năm 2013 vì lo ngại về an toàn.
Bên cạnh đó, Nepal là quốc gia nằm trên dãy Himalaya, có một số đường băng xa xôi và phức tạp nhất thế giới, hai bên đường băng thường là những đỉnh núi phủ tuyết.
Địa hình núi non hiểm trở chính là yếu tố giúp Nepal thu hút những du khách yêu thích bộ môn đi bộ đường dài nhưng cũng đặt ra thách thức rất lớn ngay cả với những phi công lão luyện.
Từ trên không, rất khó có thể xác định địa hình của Nepal, nhất là trong những ngày thời tiết xấu. Điều này càng nguy hiểm khi các hãng hàng không nước này thường sử dụng máy bay cỡ nhỏ để tiếp cận các khu vực nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh và có địa hình núi non hiểm trở.
Từ danh sách các vụ tai nạn thảm khốc ở Nepal từ năm 2010 kể trên, có thể thấy, Kathmandu - thủ đô của Nepal - là nơi xảy ra không ít vụ tai nạn vì đây trung tâm trung chuyển chính của quốc gia này, đồng thời là nơi cất cánh thường xuyên của các máy bay cỡ nhỏ.
Ngoài ra, sân bay ở thị trấn Lukla, phía đông bắc Nepal, thường xuyên bị liệt vào danh sách sân bay nguy hiểm nhất trên thế giới. Vì đây là nơi được mệnh danh là cửa ngõ tới núi Everest, bao quanh sân bay Lukla là địa hình đồi núi dốc đứng. Đường băng ngắn và nằm trên một vách núi, hướng thẳng xuống thung lũng phía dưới.
Chưa kể, thời tiết vùng núi cũng có thể thay đổi nhanh chóng, đặt ra các điều kiện bay nguy hiểm.
Theo các nhà khai thác máy bay, Nepal thiếu cơ sở hạ tầng để dự báo thời tiết chính xác, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu vùng xa, địa hình đồi núi hiểm trở.