Nhìn lại một năm vui của gia đình chính sách và người có công

Không sai khi nói rằng, 2024 là năm mang lại rất nhiều niềm vui cho các gia đình chính sách và người có công. Bởi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã tăng 35,7% - là mức tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ vừa qua. Nhiều gia đình liệt sĩ lại ấp ủ niềm hy vọng mới khi Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ được kích hoạt - là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin…

“Ngân hàng đặc biệt” đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định gen (ADN) cho khoảng 20.000 mẫu, ngày 23/7/2024 tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành đã ấn nút kích hoạt, ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ (Ngân hàng gen). Ngân hàng gen do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bộ Công an đề xuất xây dựng trong bối cảnh cả nước còn 300.000 liệt sĩ an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang chưa xác định được thông tin; gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập.

Có thể nói, việc ra mắt Ngân hàng gen là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và là sự minh chứng cho thấy sự quan tâm cao độ của Đảng và Nhà nước đến công tác này. “Chúng tôi cho rằng đây là việc làm ý nghĩa, rất linh thiêng. Chúng ta phải chạy đua với thời gian, càng làm sớm càng tốt, phải làm bằng trái tim của chính mình, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân, gia đình liệt sĩ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại Lễ ra mắt Ngân hàng gen ngày 23/7.

Tại Lễ ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ ngày 23/7/2024, 10 gia đình liệt sĩ được trao giấy chứng nhận về kết quả giám định gen ADN, trong đó, có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định hài cốt, đưa liệt sĩ về quê hương. (Ảnh trong bài: Bộ LĐ-TB&XH)

Tại Lễ ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ ngày 23/7/2024, 10 gia đình liệt sĩ được trao giấy chứng nhận về kết quả giám định gen ADN, trong đó, có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định hài cốt, đưa liệt sĩ về quê hương. (Ảnh trong bài: Bộ LĐ-TB&XH)

Tại Lễ ra mắt Ngân hàng gen, 10 gia đình liệt sĩ được trao giấy chứng nhận về kết quả giám định gen ADN, trong đó, có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định hài cốt, đưa liệt sĩ về quê hương. Bà Phạm Thị Vinh, em gái liệt sĩ Phạm Văn Thước quê ở tỉnh Thanh Hóa là một trong 4 gia đình đã tìm được hài cốt liệt sĩ nhờ giám định ADN. Bà Vinh xúc động nói: “Bố mẹ tôi mất hết rồi, bố mẹ bảo tôi phải đi kiếm anh, quá trình tôi đi kiếm anh năm nay là 49 năm, tôi rất xúc động, vui mừng nhận được kết quả đúng anh tôi rồi”.

Hiện nay, theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật thì việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện theo hai phương pháp là phương pháp thực chứng và phương pháp giám định ADN.

Theo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), triển khai Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng thời gian qua mang lại nhiều kết quả trong việc hỗ trợ thân nhân liệt sĩ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Cụ thể, với phương pháp thực chứng đã xác định danh tính đối với 4.613 danh tính hài cốt liệt sĩ. Với phương pháp giám định ADN, đã lấy mẫu hài cốt và mẫu thân nhân liệt sĩ được 52.723 mẫu (44.094 mẫu hài cốt và 8.629 mẫu thân nhân); đã phân tích ADN được 24.987 mẫu (20.025 mẫu hài cốt và 4.962 mẫu thân nhân). Qua phân tích, so sánh, đối chiếu ADN giữa mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu thân nhân liệt sĩ đã xác định danh tính đối với 1.466 hài cốt liệt sĩ, báo tin cho thân nhân và chỉnh sửa thông tin ghi trên bia mộ liệt sĩ...

Cục Người có công hiện đang quản lý Trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN (dlls.nguoicocong.gov.vn) gồm dữ liệu ADN của liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ đã được phân tích ADN tại các đơn vị giám định. Trong thời gian tới, Cục Người có công sẽ phối hợp với C06 Bộ Công an để tích hợp Trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN (dlls.nguoicocong.gov.vn) vào Ngân hàng gen (ADN liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin) do Bộ Công an quản lý.

Mức trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng cao nhất từ trước đến nay

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đến nay, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội. Từ năm 2013 đến nay, cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng. Đồng thời, tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời...

Ngay trong dịp tháng 7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,05 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%). “Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ”, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, từ ngày 1/1/2025, chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng có mức chi là 5.020.200 đồng/người/lần. Nội dung này được quy định trong Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ. Theo Nghị định 77, từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% (tăng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng). Nhưng từ ngày 1/1/2025, chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng mới tăng và có mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/người/lần. Như vậy, từ ngày 1/1/2025, mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà cho người có công bằng 0,9 lần mức chuẩn/người/lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng; tương ứng với 0,9 x 2.789.000 đồng = 2.510.100 đồng. Mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công = 1,8 x 2.789.000 đồng = 5.020.200 đồng. Theo Nghị định 77, nội dung chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung gồm có: tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; tham quan và các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 10% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung).

Từ ngày 9/1/2025 đến 31/12/2025, người có công được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới là nội dung Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ngày 22/11/2024. Theo đó, đối tượng người có công được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới nhà ở; 30 triệu đồng/hộ cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Dịp Tết Ất Tỵ 2025, theo Quyết định số 1301/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về việc tặng quà cho một số đối tượng có công với cách mạng, có khoảng 1,6 triệu người có công với cách mạng được nhận quà dịp Tết Nguyên đán năm 2025 với tổng kinh phí trên 506 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 1301, Bộ LĐ-TB&XH lưu ý, việc tặng quà cho người có công phải kết hợp thật chu đáo với thăm hỏi, động viên của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức trên địa bàn đến từng đối tượng. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan của địa phương tổ chức tuyên truyền và thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước tới đối tượng chính sách kịp thời, đầy đủ trước Tết Nguyên đán, không để xảy ra sai sót, tiêu cực…

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhin-lai-mot-nam-vui-cua-gia-dinh-chinh-sach-va-nguoi-co-cong-post536465.html