Nhìn lại năm 2023

Năm 2023, thế giới tiếp tục bị chi phối bởi các cuộc xung đột xảy ra ở tất cả các châu lục. Tuy nhiên, bên cạnh những 'gam màu tối' gây nhiều lo ngại đó, chúng ta cũng được chứng kiến những bước tiến nhiều ý nghĩa.

Thế giới phải đối mặt với những căng thẳng địa - chính trị tiếp tục gia tăng sau những diễn biến đáng lo ngại quanh cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cũng như thế trận giằng co giữa Nga và Ukraina; nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với những thách thức của lạm phát dai dẳng, triển vọng tăng trưởng thấp và nợ công cao kỷ lục, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi. Trái đất tiếp tục phải hứng chịu những đợt nắng nóng chưa từng có và các hiện tượng thời tiết cực đoan có sức tàn phá nghiêm trọng; hơn 1 tỷ người vẫn phải sống trong tình trạng nghèo đa chiều trầm trọng; hơn một nửa dân số thế giới không được đáp ứng đủ các dịch vụ y tế thiết yếu... Đó là những “lát cắt” cơ bản về những gì nhân loại đã trải qua trong năm 2023. Tuy nhiên, bên cạnh những “gam màu tối” gây nhiều lo ngại đó, chúng ta cũng được chứng kiến những bước tiến nhiều ý nghĩa trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng quốc tế trong việc cùng nhau hướng tới một thế giới hòa bình, phát triển bền vững và công bằng hơn.

I. THẾ GIỚI TIẾP TỤC BỊ CHI PHỐI BỞI CÁC CUỘC XUNG ĐỘT

Năm 2023, thế giới tiếp tục bị chi phối bởi các cuộc xung đột xảy ra ở tất cả các châu lục. Bên cạnh những nguyên nhân cốt lõi mang tính lịch sử, những tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu hay sự xuất hiện của nhiều chủ thể, động cơ phức tạp và chồng chéo,... càng khiến tình trạng xung đột, bạo lực trở nên khó giải quyết.

Tại châu Âu

Trong năm qua, xung đột tại châu Âu tiếp tục gắn liền với những bất đồng về biên giới giữa các quốc gia, cũng như mục tiêu chiến lược của Nga trong việc khôi phục lại vai trò của mình trong không gian “hậu Xô Viết” trước đà “Đông tiến” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Năm 2023, cuộc chiến của Nga tại Ukraina đã bước sang năm thứ hai với những diễn biến khó dự đoán. Những bế tắc về ngoại giao và bế tắc quân sự của cả hai phía cho thấy, cuộc xung đột này chưa thể sớm kết thúc. Trong khi đó, sự bất ổn cũng bắt đầu lan rộng vào chính nước Nga, với sự gia tăng các hành vi phá hoại do phía Ukraina và những người Nga bất đồng chính kiến. Ngoài ra còn có những rạn nứt trong nước Nga, được minh chứng bằng cuộc binh biến của Tập đoàn lính đánh thuê Wagner vào tháng 6-2023.

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, kể từ khi phát động cuộc tấn công Ukraina vào ngày 24-2-2022 đến tháng 12-2023, phía Nga đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại, trong đó khoảng 300.000 binh sĩ thương vong (trước đó, Nga chỉ chính thức thừa nhận khoảng 6.000 binh sĩ thiệt mạng).

Tháng 10-2023, Nga tuyên bố rằng Ukraina đã mất 90.000 binh lính chỉ trong tháng 6, khi bắt đầu cuộc phản công mới nhất. Bộ Quốc phòng nước này cũng đưa ra một thống kê cho biết Ukraina đã mất tổng cộng gần 12.000 xe chiến đấu bọc thép (gồm cả xe tăng) trong toàn bộ cuộc chiến.

Trong khi đó, theo Phái đoàn Giám sát nhân quyền Liên hợp quốc tại Ukraina, tính đến cuối tháng 11, cuộc chiến đã làm ít nhất 10.000 thường dân Ukraina thiệt mạng và hơn 18.500 người bị thương.

Mặc dù trong bối cảnh hiện tại Ukraina đã bắt đầu lên kế hoạch tái thiết sau chiến tranh với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ cùng nhiều nước khác, nhưng con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Trên thực tế, tính khả thi và bền vững của việc tái thiết sẽ gắn bó chặt chẽ với việc Kiev có được những bảo đảm an ninh, nhất là bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ trong tương lai.

Cũng tại châu Âu, căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan về Nagorno - Karabakh gia tăng, đỉnh điểm là cuộc chiến toàn diện lần thứ ba vào ngày 19-9-2023. Cuộc chiến kết thúc sau vài ngày với chiến thắng quyết định của Azerbaijan; chính phủ sắc tộc Armenia ở Nagorno - Karabakh đồng ý giải tán quân đội và các tổ chức của mình ngay lập tức vào cuối năm nay. Tuy nhiên, cuộc chiến đã gây ra một cuộc di cư ồ ạt của hơn 100.000 người trong tổng số 120.000 người dân tộc Armenia sang Armenia vào cuối tháng 9.

Tại Trung Đông

“Điểm nóng” Gaza

Sau cuộc tấn công bất ngờ của phong trào Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7-10 làm khoảng 1.400 người Israel thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương và khoảng 240 người bị bắt làm con tin, Israel lập tức tiến hành các hành động trả đũa bằng không quân cùng bộ binh vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát.

Theo tuyên bố của Hamas, kể từ khi các cuộc tấn công của Israel được tiến hành đến nay, khoảng 18.000 người Palestine thiệt mạng và gần 50.000 người khác bị thương. Tuy nhiên, các quan chức Israel nhiều lần bác bỏ các con số này; đồng thời cáo buộc Hamas đã thổi phồng các thiệt hại.

Mặc dù vậy, cuộc chiến đã khiến hàng triệu người dân Palestine ở Gaza phải đối mặt với thảm họa nhân đạo vô cùng nghiêm trọng khi hàng loạt kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng y tế, bị phá hủy; nguồn cung thực phẩm và nguyên liệu bị cắt đứt...

Xảy ra trong bối cảnh khu vực Trung Đông vẫn đang đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng dai dẳng chưa được giải quyết, cuộc chiến ở Dải Gaza khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại trước nguy cơ khu vực này ngày càng lún sâu vào vòng xoáy bạo lực. Trên thực tế, lực lượng Hezbollah tại Lebanon và nhóm phiến quân Houthi tại Yemen được Iran hậu thuẫn đã thực hiện nhiều cuộc tấn công chống lại Israel và bày tỏ sự ủng hộ Hamas; các nước Hồi giáo và Arab cũng được kêu gọi hợp tác đối đầu Israel, ngăn chính quyền Do Thái “diệt chủng người Palestine”.

Mặc dù các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa hai bên do Qatar làm trung gian đang được xúc tiến, nhưng Israel vẫn tiếp tục triển khai nhiều đợt tấn công mới ở Dải Gaza và các cuộc giao tranh giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bước tiến mới và những bế tắc

Ngoại trừ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, năm 2023 thế giới còn chứng kiến sự bế tắc trong giải quyết nhiều cuộc xung đột trong khu vực hay sự chấp nhận miễn cưỡng hiện trạng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ở Syria và Yemen - 2 trong số những khu vực đã phải hứng chịu các cuộc chiến bạo lực nhất.

Với Syria, sau gần 12 năm bị đình chỉ, tháng 5-2023, Syria đã được khôi phục tư cách thành viên của Liên đoàn Arab (AL). AL cũng đã thành lập một ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng bao gồm đại diện của Jordan, Saudi Arabia, Iraq, Lebanon, Ai Cập và Tổng Thư ký AL, để tìm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở nước này. Đây được xem là thành công của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, sau khi đánh bại các đối thủ chính trị ở trong nước. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là Mỹ vẫn phản đối ông Assad và tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt, khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.

Trong khi đó, tại Yemen, Arab Saudi đã tham gia đàm phán trực tiếp với phong trào Houthi, đưa quốc gia này vào lộ trình công nhận quyền cai trị của lực lượng này đối với khu vực Sanaa và miền Bắc Yemen. Mặc dù vậy, viễn cảnh đất nước bị phân chia là điều người dân Yemen hoàn toàn không mong muốn.

Ngoài ra, trong năm qua, việc giải quyết xung đột ở Libya vẫn trong tình trạng bế tắc, đất nước tiếp tục bị chia rẽ giữa các phe phái. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc xung đột giữa Chính phủ và Đảng Công nhân người Kurd vẫn tiếp diễn.

Tại châu Phi cận Sahara

Châu Phi cận Sahara tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột nghiêm trọng nhất toàn cầu, với các cuộc chiến chủ yếu tập trung ở 4 khu vực lân cận gồm Sahel, lưu vực hồ Chad, vùng Ngũ đại hồ, Đông Phi cũng như Cộng hòa Trung Phi và Mozambique.

Những diễn biến đáng chú ý trong năm 2023 bao gồm sự bùng phát xung đột ở Sudan giữa lực lượng vũ trang Sudan và lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự vào tháng 4, nhấn chìm Khartoum, các trung tâm đô thị và khu vực ngoại vi khác; việc kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 2 năm ở Ethiopia; bùng phát căng thẳng giữa CHDC Congo và Rwanda...

Mặc dù mức độ bạo lực trong khu vực nhìn chung không thay đổi so với năm trước, nhưng bạo lực thánh chiến vẫn gia tăng rõ rệt, đặc biệt là ở Somalia và Sahel. Các nhóm thánh chiến trong khu vực đang phát triển, trở nên cục bộ hơn và đan xen với các xung đột cộng đồng và sắc tộc.

Năm 2023, bạo lực đã giảm đáng kể ở 2 trong số 3 cuộc xung đột gây hậu quả nghiêm trọng nhất ở châu Á. Trong đó, tình hình Kashmir khá ổn định do Ấn Độ và Pakistan tiếp tục thực hiện lệnh ngừng bắn được ký kết từ tháng 2-2021. Việc củng cố quyền lực và quyền kiểm soát lãnh thổ của Taliban ở Afghanistan cũng từng bước giảm dần tình trạng xung đột tại quốc gia châu Á này.

Tại châu Mỹ, xung đột vũ trang chủ yếu vẫn xuất phát từ việc các nhóm tội phạm tranh chấp quyền kiểm soát các nền kinh tế bất hợp pháp, đặc biệt là buôn bán ma túy. Theo đó, tình trạng bạo lực có dấu hiệu leo thang ở các quốc gia cho đến gần đây vẫn được coi là tương đối yên bình như Argentina, Ecuador và Paraguay. Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, an ninh và nhân đạo của Haiti đã vượt khỏi tầm kiểm soát, với các sự kiện bạo lực và số ca tử vong lần lượt tăng 22% và 100% so với cùng kỳ năm ngoái...

II. KINH TẾ: ĐỐI MẶT NHIỀU THÁCH THỨC

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2023, kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với những thách thức của lạm phát dai dẳng và triển vọng tăng trưởng thấp.

Lạm phát vẫn đáng lo ngại

Tại Báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 11-2023, OECD cho biết, lạm phát chung đã giảm ở hầu hết các quốc gia trong năm qua, chủ yếu là do sự đảo chiều sau đợt tăng giá năng lượng rất lớn trong 2 năm trước. Tuy nhiên, kể từ tháng 6, việc cắt giảm sản lượng của các nền kinh tế chủ chốt trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã góp phần khiến giá tăng cao. Một loạt sự gián đoạn nguồn cung, cùng với căng thẳng địa - chính trị gia tăng, cũng góp phần gây ra biến động giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vào nửa cuối năm 2023.

Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng thấp hơn nhiều so với dự báo; ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) là 2,9%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với tháng 9... Một số nhà hoạch định chính sách châu Âu cho rằng, giá tiêu dùng tăng thấp trong tháng 10 phản ánh những thắng lợi trong cuộc chiến chống lạm phát, trong khoảng thời gian ngắn hơn so với những năm 70 của thế kỷ XX, khi khu vực này rơi vào tình trạng lạm phát tương tự.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý, theo OECD là lạm phát cơ bản (không bao gồm lương thực và năng lượng) trong năm 2023 có mức giảm nhỏ hơn; lạm phát giá dịch vụ vẫn nghiêm trọng hơn lạm phát giá hàng hóa vì tiền lương - chi phí chính trong các ngành dịch vụ - tăng. Điều này được phản ánh qua sự phân bổ các thay đổi về giá trong rổ lạm phát, với hơn 50% số mặt hàng vẫn có tỷ lệ lạm phát hằng năm trên 4% tại Mỹ, khu vực eurozone và Anh.

Thương mại toàn cầu suy giảm

Trong báo cáo cập nhật thương mại toàn cầu tháng 12-2023, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, thương mại toàn cầu năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 30.700 tỷ USD, giảm gần 2.000 tỷ USD so với năm ngoái.

Theo UNCTAD, thương mại toàn cầu suy giảm trong suốt năm 2023 chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động xuất khẩu của một số nền kinh tế chững lại do nhu cầu toàn cầu suy yếu, tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế Đông Á và giá hàng hóa giảm. Ngoài ra là một số yếu tố có liên quan như sự chênh lệch đáng kể về triển vọng kinh tế năm 2024 giữa các quốc gia và khu vực; lãi suất duy trì ở mức cao ở một số nền kinh tế gây cản trở hoạt động kinh tế; xung đột và căng thẳng địa - chính trị dai dẳng có thể làm tăng thêm sự bất ổn cho thị trường hàng hóa và việc sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại đã tăng lên vào năm 2023.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng, các thành viên WTO phải nắm bắt cơ hội để củng cố khuôn khổ thương mại toàn cầu bằng cách tránh chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu linh hoạt và toàn diện hơn. Nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước nghèo, sẽ gặp khó khăn trong việc phục hồi nếu không có một hệ thống thương mại đa phương ổn định, cởi mở, có thể dự đoán được dựa trên luật lệ và công bằng.

Thống kê của WTO cho thấy, khối lượng giao dịch thương mại của các quốc gia có liên kết về địa - chính trị đang nhiều hơn so với những quốc gia khác. Và để thích ứng với những tác động đa chiều, tổng hợp từ xung đột địa - chính trị, lạm phát, các hệ lụy từ biến đổi khí hậu..., nhiều quốc gia đang đẩy mạnh tái định hình chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nhà cung cấp và phát triển bền vững. Đây đều là những thay đổi sâu rộng và có thể lâu dài trong cách các công ty quản lý dòng hàng hóa từ nguồn nguyên liệu đến sản xuất và phân phối.

Nợ công cao kỷ lục

Báo cáo ngày 16-11 của Viện Tài chính quốc tế (IIF) ước tính, nợ toàn cầu đến cuối năm 2023 sẽ lên tới khoảng 310.000 tỷ USD, tăng 25% trong vòng 5 năm. IIF cho biết, nợ chính phủ trong quý III có mức tăng lớn nhất, trong khi nhiều quốc gia có mức thâm hụt ngân sách ở mức cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Khoảng 65% số nợ tăng trong quý III tập trung ở các nền kinh tế phát triển, dẫn đầu là Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh. Các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico cũng ghi nhận mức tăng mạnh.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), điều đáng lo ngại là bong bóng nợ tăng mạnh trong lúc tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, đồng nghĩa với việc các nước sẽ khó ổn định nợ.

Báo cáo lưu ý thêm, nợ xấu chính phủ đã đạt mức cao kỷ lục, trên 554 tỷ USD cho đến cuối năm 2022, trong đó khoảng một nửa là nợ trái phiếu. IIF cảnh báo, gánh nặng nợ nần vẫn đang gia tăng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở các nền kinh tế lớn, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ, gây tác động tiêu cực đến nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến bầu cử và chuyển đổi năng lượng sạch. Dù vậy, nhu cầu đi vay của các doanh nghiệp đang xuống thấp nhất nhiều năm, do môi trường tài chính bị thắt chặt và rủi ro địa - kinh tế tăng.

Tăng trưởng toàn cầu chậm lại

Trong bối cảnh những cú sốc tiêu cực, nhất là từ cuộc chiến của Nga tại Ukraina và việc thắt chặt chính sách tiền tệ khi các ngân hàng Trung ương ứng phó với lạm phát, tăng trưởng toàn cầu đã có sự phục hồi một cách bất ngờ. Trong nửa đầu năm 2023, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,1%, cao hơn mức 2,8% trong nửa cuối năm 2022, tương tự như xu hướng trước đại dịch. Tuy nhiên, dữ liệu quý III-2023 cho thấy, tăng trưởng đã chậm lại ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là ở châu Âu. Cụ thể, tính đến hết tháng 9, nền kinh tế khu vực eurozone chỉ tăng trưởng 0,1% và một số quốc gia chứng kiến sản lượng sụt giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu. Tăng trưởng ở Trung Quốc không ổn định kể từ khi mở cửa trở lại nền kinh tế vào đầu năm 2023, trong bối cảnh áp lực liên tục trong lĩnh vực bất động sản, nhưng đã ổn định trong quý III nhờ việc thực hiện một loạt biện pháp chính sách để hỗ trợ hoạt động.

Theo ghi nhận của OECD, một loạt diễn biến gần đây cho thấy, tăng trưởng đã bắt đầu mất đà ở nhiều nền kinh tế, bao gồm: chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) yếu ở nhiều nền kinh tế lớn; tăng trưởng tín dụng chậm lại ở nhiều nền kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng luôn ở mức thấp.

III. NHIỀU MỐI LO!

Năm 2023, nhân loại phải đối mặt với các loại hình thiên tai ngày càng gia tăng cả về số lượng, cũng như mức độ nghiêm trọng. Đây là một trong những yếu tố cộng hưởng làm trầm trọng thêm những nguy cơ con người phải đối mặt.

Năm nóng nhất trong lịch sử và nhiều thảm họa tự nhiên

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của liên minh châu Âu (EU) cho biết, tháng 10 năm nay đã phá vỡ kỷ lục của tháng 10 nóng nhất thế giới được ghi nhận hồi năm 2019, với mức chênh lệch rất lớn là 0,40C.

Nguyên nhân nắng nóng được xác định chủ yếu là do lượng khí nhà kính từ hoạt động của con người, kết hợp với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, khiến vùng nước bề mặt phía Đông Thái Bình Dương nóng lên. Trên phạm vi toàn cầu, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình tháng 10 ấm hơn 1,70C so với cùng tháng trong giai đoạn tiền công nghiệp (1850 - 1900). Với diễn biến này, các nhà khoa học EU đánh giá 2023 là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua.

Biến đổi khí hậu đang gây ra các hình thái thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt trong năm nay. Hàng nghìn người đã thiệt mạng vì lũ lụt ở Libya, Bangladesh, Kyrgyzstan. Trong khi đó, khu vực Nam Mỹ phải đương đầu với tình trạng nắng nóng dữ dội khi nền nhiệt tăng thêm 4,30C lên tới 400C ở phần lớn các nước Brazil, Paraguay, Bolivia và Argentina ở thời điểm đang là cuối mùa đông và đầu mùa xuân ở Nam bán cầu. Tại Sri Lanka, đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng vào tháng 8 đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của gần 50.000 nông dân. Nắng nóng cũng được xem là nguyên nhân gây ra vụ cháy rừng lớn nhất 20 năm qua tại Hy Lạp, các vụ cháy rừng tồi tệ chưa từng thấy tại Canada hay các vụ cháy rừng tại quần đảo Canary (Tây Ban Nha), Hawaii (Mỹ)... Khu vực Mỹ Latin, Hy Lạp,... phải hứng chịu những cơn bão và lốc xoáy nghiêm trọng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trận động đất ngày 6-2 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 50.000 người và đẩy hàng triệu người vào cảnh “màn trời, chiếu đất” trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tương tự, tại Morocco, gần 3.000 người đã thiệt mạng và hơn 5.500 người khác bị thương do trận động đất mạnh 7 độ richter xảy ra vào ngày 8-9...

Theo Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ), thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra năm 2023 có thể lên tới 260 tỷ USD. Trong đó, trận động đất dữ dội làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi tháng 2 được coi là tổn thất nặng nề nhất trong năm. Các công ty bảo hiểm dự kiến yêu cầu bồi thường tổng cộng 6 tỷ USD chỉ riêng cho thảm họa này.

Bên cạnh đó, những cơn bão dữ dội tấn công một số quốc gia vào năm 2023 là nguyên nhân chính gây ra chi phí nặng nề cho các yêu cầu bồi thường thảm họa thiên nhiên. Swiss Re dự đoán tổn thất được bảo hiểm lên tới 60 tỷ USD. Mỹ và Italia là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Những thảm họa đáng chú ý khác trong năm bao gồm Bão Otis ở Mexico, lốc xoáy và lũ lụt ở New Zealand, cũng như cháy rừng ở Hawaii...

Xóa đói, giảm nghèo: Thành công nhưng vẫn đáng lo ngại

Chiến tranh, xung đột và những sự kiện thời tiết cực đoan - hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu - được xem là những nguyên nhân chính khiến 1,1 tỷ người trên thế giới đang phải sống trong cảnh nghèo đói.

Bản cập nhật mới nhất về Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến Đói nghèo và Phát triển con người Oxford (OPHI) công bố tháng 7-2023 cho thấy, trong 15 năm qua, 25 trong tổng số 81 quốc gia có dữ liệu đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng với việc giảm được một nửa tỷ lệ người nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong đó, Ấn Độ đã chứng kiến tỷ lệ nghèo giảm đáng kể, với 415 triệu người thoát nghèo chỉ trong vòng 15 năm.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 1,1 tỷ người đang phải sống trong tình trạng nghèo đa chiều trầm trọng ở 110 quốc gia. Trong đó, khu vực châu Phi cận Sahara có 534 triệu người và Nam Á có 389 triệu người.

Theo thống kê, mặc dù các quốc gia có thu nhập thấp chỉ chiếm 10% dân số nhưng đây lại là nơi cư trú của 35% tổng số người nghèo. Nghèo đói chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực nông thôn, với 84% tổng số người nghèo sống ở khu vực nông thôn.

Trong báo cáo có tựa đề “An ninh Lương thực và Dinh dưỡng năm 2023”, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) cho biết, khoảng 6,5% trong tổng số 650 triệu dân tại khu vực Mỹ Latin và Caribe (khoảng 43,2 triệu người) đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu, tăng khoảng 6 triệu người so với cách đây 5 năm.

Khu vực Mesoamerica, gồm Mexico và các nước Trung Mỹ, có khoảng 9,1 triệu người không có đủ lương thực, thực phẩm, chiếm 5,1% dân số; các đảo quốc Caribe có 7,2 triệu người thuộc diện này, tăng 700.000 người so với năm ngoái. Haiti là nước có nhiều người thiếu ăn nhất.

Mối lo ngại về sức khỏe vẫn hiện hữu

Mặc dù các dịch vụ y tế trên toàn cầu đã có nhiều bước phát triển từ đầu thế kỷ, nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), đà cải thiện này đã chậm lại từ năm 2015 và ngừng trệ trong giai đoạn 2019 - 2021, nhất là dịch vụ về bệnh truyền nhiễm, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.

Theo các tổ chức quốc tế này, hiện vẫn còn khoảng 4,5 tỷ người, tương đương hơn 50% dân số thế giới, vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu; khoảng 2 tỷ người gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả các dịch vụ này.

Trong một báo cáo chung hồi tháng 6, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và WHO ước tính khoảng 8 triệu người tử vong tại 137 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới do dịch vụ y tế kém chất lượng. Thiệt hại kinh tế mỗi năm do sức khỏe của con người suy giảm và tử vong sớm lên tới 6.000 tỷ USD.

Trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn, biến đổi khí hậu gia tăng, bất ổn địa - chính trị và xung đột ngày càng nhiều, việc đầu tư cho các dịch vụ y tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Những bước tiến tích cực

Dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng năm 2023 - năm đánh dấu nửa chặng đường thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - các quốc gia và cộng đồng quốc tế đã không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu đặt ra. Khoản tài trợ hàng tỷ USD đạt được đã mang lại kết quả phát triển ở hơn 170 quốc gia và cải thiện cuộc sống của hàng triệu người. Sức khỏe, nước sạch và các dịch vụ thiết yếu được cải thiện mang lại nền tảng phát triển và tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng chục triệu người. Nền móng cho việc sử dụng các công nghệ mới để cung cấp năng lượng sạch cho hàng trăm triệu người tại hàng chục quốc gia đang phát triển cũng đã từng bước được hình thành, mang lại lợi ích cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục, doanh nghiệp và nền kinh tế,... ở nhiều quốc gia.

Trong thực hiện SDGs, theo UNDP, tính đến nay đã có 71 triệu người ở 36 quốc gia được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu; 1 triệu việc làm được bảo vệ bởi các biện pháp thị trường lao động; 1,6 tỷ USD được huy động để giúp các quốc gia ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19; 2,4 triệu hộ gia đình nông thôn ở 33 quốc gia được hưởng lợi từ năng lượng sạch, giá cả phải chăng và bền vững; 3 triệu người tại 29 quốc gia được hưởng lợi từ việc làm và cải thiện sinh kế trong khủng hoảng hoặc hậu khủng hoảng...

Một “điểm nhấn” đáng chú ý nữa trong năm qua là tại Phiên họp thứ 28 của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-28), được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) từ ngày 30-11 đến ngày 13-12, các nhà đàm phán đến từ gần 200 quốc gia đã thông qua thỏa thuận cuối cùng của Hội nghị, thống nhất cắt giảm sâu phát thải khí nhà kính và nâng cao cam kết tài chính cho các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Cụ thể, thỏa thuận COP-28 được coi là báo hiệu cho “sự khởi đầu của kết thúc” kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch nhằm giải quyết thách thức khí hậu toàn cầu thông qua định hướng tăng gấp 3 năng lượng tái tạo; tăng gấp đôi hiệu quả năng lượng, đẩy nhanh nỗ lực hướng tới giảm dần nhà máy nhiệt điện than không áp dụng các biện pháp giảm phát thải...

Bên cạnh đó, Quỹ Khí hậu xanh (GCF) cũng đã nhận được tổng mức cam kết tài trợ mới kỷ lục tại COP-28, lên tới 12,8 tỷ USD từ 31 quốc gia, và vẫn còn những đóng góp dự kiến...

IV. NHỮNG BƯỚC ĐỘT PHÁ LỚN TRONG KỶ NGUYÊN CÔNG NGHỆ

ChatGPT và AI sáng tạo

Sự phát triển

Sự phát triển của ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tạo được các chuyên gia đánh giá là 1 trong 2 bước đột phá lớn khiến năm 2023 trở thành năm sáng tạo nhất của công nghệ trong hơn 1 thập niên.

Mặc dù được ra mắt về mặt kỹ thuật vào tháng 11-2022, nhưng ChatGPT đã tạo ra một làn sóng cải tiến mới và sự quan tâm sâu sắc đến AIlan truyền suốt năm 2023 và trở thành câu chuyện lớn nhất trong năm.

Bước đột phá lớn nhất của ChatGPT là làm cho công nghệ trở nên giống con người hơn, thậm chí giống đến mức đôi khi nó đánh lừa mọi người rằng nó có nhiều khả năng hơn thực tế. Không giống như các hình thức tìm kiếm khác đòi hỏi người dùng phải biết các cụm từ và cú pháp cụ thể để nói chuyện với máy tính và nhận được kết quả tốt nhất, với ChatGPT, bạn có thể đặt câu hỏi bằng cùng loại ngôn ngữ tự nhiên và kết quả nhận được thường tốt và hữu ích đến mức đáng kinh ngạc.

Điều kỳ diệu đằng sau công nghệ này đến từ Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Đó là công nghệ giúp AI sáng tạo trở thành hiện thực. Ngoài GPT-4 của OpenAI, trong năm qua, nhiều hãng công nghệ lớn đã cho ra đời các LLM khác như Gemini của Google, Llama 2của Meta hay Olympus của Amazon...

Ứng dụng rộng khắp

- Trong chăm sóc sức khỏe: năm 2023 chứng kiến sự tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với việc AI thúc đẩy những cải tiến trong chẩn đoán và nghiên cứu thuốc. Các công cụ chẩn đoán được hỗ trợ bởi AI, chẳng hạn như hệ thống PathAI, đã nâng cao đáng kể tỷ lệ phát hiện ung thư. Ngoài ra, các nền tảng do AI điều khiển như Atomwise đã đẩy nhanh quá trình xác định các phương pháp điều trị tiềm năng.

- Trong tài chính: các công ty giao dịch tần số cao như Virtu Financial đã áp dụng thuật toán AI để đưa ra những quyết định giao dịch chính xác hơn. Trong khi đó, các giải pháp phát hiện gian lận được hỗ trợ bởi AI đã hỗ trợ các tổ chức tài chính sử dụng để chống lại các giao dịch gian lận.

- Trong phát triển xe tự lái: các công ty như Tesla và Waymo chiếm vị trí trung tâm với những tiến bộ về xe tự hành. Trong đó, hệ thống tự lái hoàn toàn (FSD) của Tesla đã có được những bản cập nhật quan trọng, đưa nó đến gần hơn với khả năng lái xe tự động.

- Trong giáo dục: các nền tảng như Coursera và edX khai thác AI để đề xuất các khóa học và điều chỉnh nội dung cho phù hợp người học cá nhân, nâng cao trải nghiệm học tập trực tuyến. Ngoài ra, các công cụ đánh giá do AI điều khiển, như Proctorio, cũng được sử dụng nhằm duy trì tính liêm chính trong học tập và các kỳ thi trực tuyến.

- Trong ứng phó biến đổi khí hậu: năm 2023, các nền tảng lập mô hình khí hậu, chẳng hạn như ClimateAI đã cải thiện chất lượng các dự đoán khí hậu, hỗ trợ các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu. Những hệ thống quản lý năng lượng do AI điều khiển như Verdigris đã tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà, góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

- Trong an ninh mạng: các giải pháp an ninh mạng do AI điều khiển như Darktrace, Qualys trở nên nổi bật khi các tổ chức tìm cách chống lại những mối đe dọa ngày càng gia tăng.

- Trong nghệ thuật và sáng tạo: nghệ thuật và âm nhạc do AI điều khiển đã thu hút được sự chú ý rộng rãi. NFT do AI tạo ra được cung cấp bởi các công ty như Aiva và Artbreeder đã làm xáo trộn thế giới nghệ thuật, gợi lên những suy ngẫm về định nghĩa về nghệ thuật và quyền tác giả.

AI được coi là động lực tăng trưởng, tạo ra các ngành công nghiệp mới và yêu cầu phân phối công bằng các lợi ích AI. Tuy nhiên, việc sử dụng AI cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng dịch chuyển công việc. Thực tế đó cũng khiến các tập đoàn và chính phủ khởi động những chương trình nâng cao và đào tạo lại để trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng liên quan đến AI. Nhiều quốc gia đã thiết lập các khuôn khổ quản trị AI; đồng thời đưa ra những định hướng chiến lược trong phát triển AI, coi đó là mục tiêu để nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các quốc gia trong tương lai...

Kỷ nguyên mới cho VR và AR

Tại Hội nghị nhà phát triển toàn cầu vào tháng 6, Apple công bố tai nghe Vision Pro - một dự án được thực hiện trong 7 năm. Sản phẩm này gây ấn tượng với cộng đồng nhà phát triển, nhà phân tích công nghệ và giới truyền thông bằng chất lượng và độ trung thực của trải nghiệm thực tế kết hợp chưa từng thấy ở một chiếc tai nghe dành cho người tiêu dùng độc lập không được kết nối với một máy tính mạnh mẽ. Trên thực tế, Apple không coi Vision Pro là một thiết bị di động mà là một loại máy tính mới - một máy tính không gian.

Theo nhiều chuyên gia, bước đột phá với Vision Pro sẽ định nghĩa lại công nghệ, năng suất và giải trí trong thập niên tới thông qua trải nghiệm đa chiều trong thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR). AR, VR không chỉ là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc mang lại trải nghiệm cá nhân hóa, mà còn thúc đẩy metaverse - cuộc sống thứ hai của con người, nơi diễn ra mọi thứ như trong đời thực, từ họp hành đến giải trí ảo - phát triển.

V. VIỆT NAM: THÊM MỘT NĂM THÀNH CÔNG

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2023 Việt Nam tiếp tục gặt hái được thành công trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Khó khăn còn nhiều

Năm 2023, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo. Trong đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn gay gắt; xung đột tại Ukraina, Dải Gaza tạo ra nhiều ảnh hưởng tới tình hình khu vực và thế giới; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; lạm phát dù đã bước đầu được khống chế nhưng vẫn ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; nợ công toàn cầu tăng mạnh; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Ở trong nước, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm, bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; khả năng cạnh tranh, sức chống chịu còn hạn chế; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương...

Chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sát thực tiễn

Trong bối cảnh đó, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp, bám sát thực tiễn để tập trung chỉ đạo, điều hành.

Theo đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thường xuyên chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, cuộc họp tham vấn ý kiến về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng...

Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, bền vững, đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phong trào khởi nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các quy hoạch; thành lập 5 tổ công tác, các đoàn công tác của Chính phủ đi khảo sát, nắm bắt thực tiễn, kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương. Tập trung chỉ đạo xử lý những ngân hàng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề phức tạp phát sinh như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng năng lượng, vật tư, thuốc chữa bệnh, in sách giáo khoa...

Cùng với đó, bám sát tình hình, quan tâm chỉ đạo kịp thời, thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, người có công, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thúc đẩy hợp tác phát triển.

Những kết quả tích cực

Với sự đồng lòng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dù gặp phải không ít khó khăn nhưng chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Về kinh tế, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Năm 2023, quy mô GDP của nước ta ước đạt khoảng 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra là khoảng 6,5%, nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực, thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,5% (chỉ tiêu Quốc hội giao là khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, cả năm ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD; nước ta nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Tính đến cuối tháng 11, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn thực hiện ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi... Với những kết quả đạt được, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.

Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3-2023 của Liên hợp quốc, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Sự phát triển của nền kinh tế cũng tạo điều kiện cho Việt Nam thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong đó, đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29.000 tỷ đồng/năm; đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách; đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, còn 2,93%. Chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện. Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước cả năm là 2,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%).

Điểm đáng chú ý trong năm qua là cùng với chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, Việt Nam đã tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhin-lai-nam-2023-704581-704581.html