Nhìn lại những cuộc khủng hoảng chính trị rúng động thế giới năm 2022
Trong năm 2022, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng kiến hàng loạt biến động, xáo trộn chính trị nghiêm trọng.
Anh: Một năm – ba đời Thủ tướng
Chỉ trong 1 năm 2022, người dân Anh đã có tới 3 thủ tướng. Thủ tướng Boris Johnson mất chức vì bê bối tổ chức tiệc Giáng sinh với bạn bè tại dinh thự số 10 phố Downing trong khi ra sức kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp hạn chế, kiểm soát phòng dịch Covid-19.
Sau đó, bà Liz Truss vừa kế nhiệm được 50 ngày thì phải từ chức chóng vánh khi kế hoạch vực dậy nền kinh tế đất nước gây thất vọng với người dân.
Sau khi bà Truss rời vị trí lãnh đạo Chính phủ, ông Boris Johson dường như đã ngay lập tức trở lại chính trường, có ý định chạy đua để quay lại dinh thự số 10 phố Downing.
Tuy nhiên, ông đã rút khỏi đường đua vào phút chót, mở rộng đường cho ông Rishi Sunak trở thành lãnh đạo Anh. Thủ tướng hiện tại của Anh - nơi đa số người dân theo Cơ đốc giáo là một người theo đạo Hindu.
Sự thay đổi tới 3 đời Thủ tướng chỉ trong 2 tháng là minh chứng rõ nhất cho sự bất ổn của nền chính trị nước này trong năm 2022. Bên cạnh tình trạng hỗn loạn đó nền kinh tế Anh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ như lãi suất nợ công tăng mạnh, lạm phát cao và suy thoái đang nhen nhóm, gây ra tâm lý thất vọng bao trùm, đặt gánh nặng lên Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Sri Lanka lún sâu vào khủng hoảng kép
Năm 2022, xuất phát từ khủng hoảng kinh tế, người dân phải sống trong tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men suốt nhiều tháng, nền chính trị Sri Lanka đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi cuộc nội chiến tại nước này kết thúc năm 2009.
Ngày 9/7 đã xảy ra cuộc biểu tình bạo loạn, đòi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức. Thời điểm đó, trên khắp các mạng xã hội là hình ảnh người dân lao vào dinh tổng thống cướp phá đồ đạc, ăn nghỉ hưởng thụ trong Dinh Tổng thống xa hoa.
Tổng thống Rajapaksa đã phải tháo chạy khỏi đất nước và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã được Quốc hội nước này bỏ phiếu bầu lên cầm quyền Tổng thống trong cuộc bỏ phiếu kín.
Lúc này, trước mắt Tổng thống Ranil Wickremesinghe là hai thách thức lớn bao gồm cả khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị. Bởi, việc ông Wickremesinghe từng là thủ tướng dưới quyền ông Rajapaksa, khiến nhiều người biểu tình phản đối. Thực tế, ngay khi mới giữ quyền tổng thống, sau khi người tiền nhiệm rời khỏi đất nước, ông Wickremesinghe đã bị người biểu tình yêu cầu từ chức.
Sau khi nhậm chức, ông Wickremesinghe đã đe dọa trấn áp những cuộc biểu tình mà ông cho là "bất hợp pháp", cùng khả năng điều động quân đội can thiệp.
Peru – Tổng thống bị phế truất, đất nước rơi vào tình trạng khẩn cấp
Những ngày cuối năm, thêm một quốc gia nữa rơi vào khủng hoảng chính trị - xã hội nghiêm trọng là Peru. Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng này là khi cựu Tổng thống nước này Pedro Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới.
Hành động của ông Castillo bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và các nghị sĩ quốc hội phản đối mạnh mẽ, coi đây là động thái “đảo chính”. Quốc hội Peru ngay lập tức bỏ phiếu phế truất nhà lãnh đạo này.
Sau nỗ lực giải tán Quốc hội không thành công, ông Castillo bị bắt giữ trên đường tới Đại sứ quán Mexico để tị nạn. Sau đó, Phó Tổng thống Peru Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời, dẫn đến làn sóng phản đối trên cả nước.
Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của tân Tổng thống Dina Boluarte leo thang khi đám đông đụng độ cảnh sát, kêu gọi triệu tập hội đồng lập hiến, đóng cửa Quốc hội, yêu cầu Tổng thống Dina Boluarte từ chức, trả tự do cho cựu Tổng thống Castillo, tiến hành bầu cử sớm và ban hành Hiến pháp mới. Trong khi đó, các hiệp hội nông dân và các tổ chức đại diện cho người dân kêu gọi "đình công vô thời hạn" bắt đầu từ ngày 13/12 để ủng hộ ông Castillo, người sinh ra trong một gia đình nông dân.
Khoảng trung tuần tháng 12, chính phủ Peru đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 30 ngày, theo đó đình chỉ các quyền hội họp, quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và quyền tự do đi lại, trong một nỗ lực trấn an cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có.
Pakistan – Khủng hoảng triền miên, cựu Thủ tướng bị ám sát
Năm 2022 cũng là một năm bất ổn, xáo trộn tại Pakistan và một phần bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế. Bất ổn chính trị khơi nguồn từ tình trạng dự trữ ngoại hối cạn kiệt, lạm phát 2 con số khiến giá cả hàng hóa leo thang nghiêm trọng... kéo theo vị thế của ông Imran Khan khi đó ở cương vị Thủ tướng Pakistan suy yếu mạnh mẽ.
Bất ổn lên tới đỉnh điểm khi Phó Chủ tịch Quốc hội Pakistan ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của quốc hội nước này nhằm phế truất ông Khan. Ngay lập tức, Thủ tướng Khan đã kêu gọi Tổng thống Pakistan Arif Alvi giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử. Tổng thống Pakistan cũng ngay lập tức chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Khan để quốc hội nước này bị giải tán và chuẩn bị bầu cử quốc hội trong vòng 90 ngày.
Nhưng cuối cùng, chính ông Khan trở thành thủ tướng Pakistan đầu tiên thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và ông Shehbaz Sharif đã được Quốc hội bầu chọn để kế vị ông vào ngày 11/4.
Không chấp nhận, ông Khan lập phong trào kêu gọi bầu cử sớm nhưng khi đang tham gia hoạt động chính trị, ông đã bị bắn và may mắn sống sót.
Theo các nhà quan sát, chưa từng có thủ tướng nào của Pakistan hoàn thành 1 nhiệm kỳ trọn vẹn 5 năm, trong khi đất nước đã chứng kiến 3 cuộc đảo chính quân sự kể từ năm 1958. Lần này, nền dân chủ mong manh của Pakistan thêm một lần mất ổn định. Trong bối cảnh hiện nay, theo hiến pháp nước này, một chính phủ lâm thời bao gồm phe đối lập sẽ lãnh đạo đất nước tiến tới các cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức trong vòng 90 ngày.
Quốc hội Liban lần thứ 10 không bầu được Tổng thống mới
Ngày 8/12, Quốc hội chia rẽ của Liban đã lần thứ 10 không bầu được tổng thống mới. Đây chính là ví dụ điển hình cho thấy tình trạng bế tắc chính trị tại đất nước này suốt thời gian qua, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế vốn đã khủng hoảng nghiêm trọng.
Tình trạng chia rẽ trong Quốc hội Liban xảy ra giữa một bên là nhóm những người ủng hộ phong trào Hezbollah với một bên là nhóm những người phản đối phong trào này. Cả 2 nhóm đều không có thế đa số rõ ràng để tự quyết định kết quả bỏ phiếu.
Tính đến nay là gần 2 tháng kể từ khi chức vụ này bị bỏ trống vào ngày 31/10/2022 khi đó cựu Tổng thống Michel Aoun đã rời nhiệm sở dù chưa tìm được người kế nhiệm và hiện Liban vẫn chưa có người đứng đầu nhà nước.
Như vậy, cứ mỗi tuần Quốc hội Liban lại phải họp để bỏ phiếu bầu Tổng thống.
Bản thân ông Aoun khi đắc cử năm 2016 cũng phải qua hơn 45 cuộc bỏ phiếu trong thời gian hơn 2 năm vị trí lãnh đạo bị bỏ trống. Hiện tại, đồng nội tệ của Liban đã mất hơn 95% giá trị và số người nghèo đang tăng đến mức chiếm gần như toàn bộ dân số.
Các vụ cướp ngân hàng thường xuyên xảy ra. Quân đội nước này phải nhận một phần hỗ trợ tiền lương từ Hoa Kỳ thông qua Liên hợp quốc.
Còn Pháp đã huy động vaccine để hỗ trợ Liban chống lại đợt bùng phát dịch tả, trong bối cảnh Liban “suy giảm nghiêm trọng trong việc cung cấp nước và dịch vụ y tế công cộng”.