Nhìn lại những tác phẩm điện ảnh có sức lay động trái tim về tình mẫu tử nhân Ngày của Mẹ
Mẹ luôn là nguồn cảm hứng vô tận đối với nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Những bộ phim về tình mẫu tử từ lâu luôn có một vị trí vững chắc trong lòng những người yêu môn nghệ thuật thứ bảy. Không quá khi nói rằng, tất cả các bà mẹ trên thế giới đều vĩ đại bởi họ luôn đóng một vai trò quan trọng trong hành trình vào đời của những đứa con. Nhân Ngày của Mẹ năm nay, hãy cùng chúng tôi nhìn lại những bộ phim điện ảnh tuyệt vời về mẹ.
LADY BIRD (2017)
Lấy bối cảnh vào năm 2002 tại một vùng quê ở miền Tây nước Mỹ, bộ phim tập trung khắc họa quá trình trưởng thành của Christine McPherson (Saoirse Ronan), một học sinh trung học luôn muốn mọi người gọi mình là "Lady Bird", như một cách để bản thân trở nên khác biệt và luôn khao khát có một dấu ấn trong đời trước khi bước qua tuổi 18.
Trên hành trình của sự trưởng thành ấy, tình mẹ con là nền tảng và là câu chuyện xúc động nhất trong Lady Bird. Xuyên suốt bộ phim là sự ngang ngược của con gái và sự thiếu tinh tế của người mẹ. Đó là thứ tình cảm được khắc họa đầy mâu thuẫn khi mong muốn tự do của Christine liên tục va chạm với sự can thiệp quá mức của mẹ (Laurie Metcalf). Một bên là cô con gái chưa định hình được mình muốn trở thành người như thế nào, bên còn lại là người mẹ với không chỉ gánh nặng nuôi sống gia đình mà còn cả trách nhiệm lớn lao với tương lai của con. Tuy nhiên, sâu thẳm bên trong hai con người thực chất rất giống nhau ấy là tình yêu thương chân thành nhưng không biết thể hiện ra đúng cách với đối phương.
Không hoa mỹ hay quá bi đát, bộ phim đã khắc họa một tình mẫu tử chân thành đến tự nhiên, khiến bất cứ ai cũng đều có thể bắt gặp mình trong đó.
ROOM (2015)
Được công chiếu vào năm 2015, Room (Tạm dịch: Căn phòng) là bộ phim của đạo diễn Lenny Abrahamson, được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Emma Donoghue.
Bộ phim xoay quanh hai mẹ con Joy (Brie Larson) và Jack (Jacob Tremblay), bị giam giữ biệt lập trong một căn phòng chưa đầy 10 mét vuông suốt 7 năm. Câu chuyện được kể thông qua điểm nhìn trong sáng và lạc quan của Jack - một cậu bé chỉ biết thế giới là một căn phòng với hai mẹ con cậu là những con người duy nhất. Người mẹ ấy vì muốn con có một cuộc sống tốt đẹp hơn, đã quyết định phủ nhận hoàn toàn thế giới ngoài kia. Tuy nhiên, Jack ngày một lớn khôn và cậu càng tò mò nhiều hơn, vì thế mà người mẹ đã tìm cách để hai mẹ con trốn thoát, bởi cô hiểu rõ rằng, con trai cô phải được nhìn thấy thế giới thật sự bằng chính đôi mắt của mình.
Room đã khắc họa một cuộc đấu tranh nội tâm mạnh mẽ của người mẹ, khi làm thế nào để đối diện với sự thật ích kỷ rằng chính cô là người cầm tù con trai mình, đặt lợi ích bản thân cao hơn cuộc sống của con, bởi sâu thẳm, cô cần một mục tiêu sống để bám víu, để thoát khỏi nỗi cô đơn đáng sợ. Phải đến khi Jack đứng dậy mở cánh cửa phòng của chính mình, truyền cho cô động lực sống thì người mẹ ấy mới hiểu: Chỉ cần ở bên nhau, thì không nơi nào là tồi tệ cả.
Brie Larson đã truyền tải sự tuyệt vọng của nhân vật Joy trong những phân cảnh kịch tính, biến bộ phim về mẹ này trở thành tác phẩm đột phá, giúp cô nhận được một tượng vàng danh giá và bộ phim nhận được 4 đề cử tại Oscar lần thứ 88.
AFTER SHOCK (2010)
Công chiếu vào năm 2010, After shock (tạm dịch: Đường Sơn đại địa chấn) - bộ phim điện ảnh về tình mẫu tử của đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Bộ phim đã xuất sắc đại diện cho Trung Quốc tham dự Oscar lần thứ 83 tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.
Mượn sự kiện có thật về trận động đất lớn nhất thế kỷ XX tại thị trấn Đường Sơn (Trung Quốc) vào năm 1976, bộ phim không chỉ là câu chuyện của 23 giây động đất ngắn ngủi khiến người mẹ Lí Nguyên Ni (Từ Phàm) phải rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc đời. Cô chỉ có thể được chọn cứu một trong hai đứa con đang mắc kẹt dưới một tấm bê tông, lật bên này thì sẽ khiến đứa bên kia dập nát, mà còn là 32 năm dằn vặt trong đau khổ của người mẹ ấy về quyết định của mình. Sự lựa chọn của người mẹ đã giết chết tâm hồn cô con gái may mắn còn sống. Cô ôm nỗi hận suốt hơn 30 năm và chỉ tới khi biết rằng mẹ mình đã sống một cuộc đời không hề thanh thản, ngày nào cũng đau khổ nghĩ về hai bố con cô, thì cô mới ân hận thấu hiểu: "Con xin lỗi vì đã hành hạ mẹ suốt 32 năm".
After Shock không chỉ là tác phẩm tri ân tới những con người đã hy sinh trong thảm họa động đất năm 1976 mà còn là bộ phim cảm động về tình mẫu tử vị tha, rộng lượng với thông điệp: Gia đình, mãi mãi vẫn là gia đình, dù là lòng bàn tay hay mu bàn tay thì cũng là máu thịt.
MOTHER (2009)
Ra đời vào năm 2009, Mother (Tạm dịch: Lòng mẹ) gây tiếng vang lớn tại các rạp chiếu Hàn Quốc và quốc tế, trở thành đại diện của Hàn Quốc tham dự Oscar lần thứ 82. Đây là bộ phim bi kịch nhất trong số 7 phim điện ảnh mà Bong Joon Ho làm đạo diễn tới nay.
Lấy bối cảnh của một vùng nông thôn Hàn Quốc vào năm 2006, bộ phim xoay quanh Do Joon (Won Bin), một chàng trai bị thiểu năng trí tuệ và mẹ anh (Kim Hye-ya). Bằng tình yêu vô bờ của một người mẹ, bà đã dành cả đời mình để chăm sóc và che chở cho Do Joon. Biến cố xảy ra khi Do Joon bị bắt vì tội giết một nữ sinh trung học. Mọi chứng cứ đều chống lại anh, chỉ có người mẹ luôn tin rằng chắc chắn không phải do con trai bà làm. Với tấm lòng và tình yêu dành cho con, người mẹ ấy quyết tâm đi tìm bằng chứng để chứng minh con mình vô tội.
Trên hành trình đi tìm sự thật, người mẹ già "thấp cổ bé họng" với bản năng mạnh mẽ, đã khám phá ra những mặt xấu ẩn chìm của xã hội Hàn Quốc và cả những chứng cứ lẽ ra bà không nên tìm thấy. Người mẹ với lý tưởng của mình, đã bất chấp mọi thứ kể cả phải hy sinh bản thân, để tay mình vướng máu, chỉ cần bảo vệ được con trai, bà sẵn sàng trả giá.
Không theo bất kỳ một motip nào trước đây về tình mẫu tử, đạo diễn Bong Joon Ho đã xây dựng một chuỗi bi kịch liên tiếp mà chẳng có một tia hy vọng nào dù là nhỏ nhất xuyên suốt cả bộ phim. Mother là khúc ca bi ai về tình mẹ con, dù cay đắng nhất, cực đoan nhất, nhưng cũng cảm động nhất, tha thiết nhất.
CHANGELING (2008) - Mỹ
Cũng là một bộ phim về hành trình tìm kiếm của người mẹ với niềm tin mãnh liệt, nhưng khác với bi kịch Mother của Bong Joon Ho, Changeling (Tạm dịch: Sự hoài nghi) do đạo diễn kỳ cựu Clint Eastwood thực hiện lại là hành trình tìm kiếm con trai đầy hy vọng của của người mẹ đáng thương Collins (Angelina Jolie).
Trên hành trình tìm kiếm con trai, người mẹ Collins nhận ra, những người mà ta tưởng là đại diện của công lý lại là những kẻ đê tiện nhất, khi họ ép cô nhận một đứa trẻ thay thế chỉ để kết thúc vụ án. Bởi thế, sự thật là một điều xa xỉ và đôi khi, những lời dối trá được nói nhiều quá rất có thể lại trở thành chân lý, để rồi không ai tin cô và quay lưng thẳng thừng với cô. Nhưng cũng giống như người mẹ trong Mother, Collins dù có phải vào trại tâm thần cũng vẫn nỗ lực tìm con, bởi đó là bản năng quyết liệt nhất mà tạo hóa ban cho một người mẹ.
Changeling không có nhiều cảnh tình cảm của hai mẹ con Collins, người con Walter chỉ xuất hiện vỏn vẹn trong gần 10 phút đầu, nhưng trong suốt 2 giờ đồng hồ của bộ phim, ta vẫn dễ dàng cảm nhận được tình cảm mãnh liệt của người mẹ dành cho con trai bé bỏng của mình. Niềm tin con mình còn sống là sức mạnh lớn nhất của người mẹ ấy, để cô có thể sống tiếp, và chờ con trở về.
Với vai diễn người mẹ Collins dù đáng thương nhưng vô cùng mạnh mẽ, Angelina Jolie đã xuất sắc nhận được một trong ba đề cử của bộ phim tại Oscar lần thứ 81.
Ngoài những bộ phim tiêu biểu nêu trên, còn có hàng trăm tác phẩm điện ảnh xuất sắc và độc đáo khác trên thế giới về mẹ, về sự bao la và thiêng liêng của tình mẫu tử, có thể kể đến như Bento harassment (2019), All about my mother (1999), Stepmom (1998), Terms of endearment (1983),… Thay lời muốn nói, hãy chọn ra một bộ phim thích nhất để cùng thưởng thức với mẹ trong dịp Mother’s Day năm nay, và để mẹ biết rằng, họ là người tuyệt vời nhất đối với ta./.