Nhìn lại sự nghiệp chính trị của ông Biden
Quyết định dừng tranh cử của ông Biden về cơ bản đặt dấu chấm hết cho một sự nghiệp chính trị kéo dài nửa thế kỷ trong giới đỉnh cao quyền lực ở Washington DC...
Hồi giữa tháng 5, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra một “lời thách đấu” táo bạo với cựu Tổng thống Donald Trump, rằng ông sẵn sàng tranh biện trực tiếp hai lần trước cuộc bầu cử diễn ra vào đầu tháng 11. “Hãy cho tôi một ngày vui vẻ nhé, ông bạn! Ông hãy chọn ngày đi”, ông Biden nhắn ông Trump.
Và cuộc tranh biện đầu tiên đã diễn ra vào ngày 27/6 tại Atlanta, Georgia. Nhưng đối với ông Biden, cuộc đối đầu đó hóa ra lại là một trong những tính toán sai lầm nghiêm trọng nhất trong lịch sử các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ thời hiện đại. Ứng cử viên 81 tuổi của Đảng Dân chủ đã có một màn thể hiện kém cỏi trước đối thủ đến từ Đảng Cộng hòa trong cuộc tranh biện, đến mức triển vọng tái đắc cử của ông suy giảm chóng mặt.
Ngày Chủ nhật (21/7), ông Biden tuyên bố dừng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Quyết định này là kết quả của gần 1 tháng tranh luận gay gắt và khó khăn trong nội bộ Đảng Dân chủ về việc liệu năng lực tinh thần và thể chất của ông Biden có đủ để đánh bại ông Trump và sau đó cầm quyền thêm 4 năm nữa hay không.
“Tôi tin rằng việc tôi dừng tranh cử là vì lợi ích tốt nhất của đảng tôi và đất nước”, ông Biden phát biểu.
Theo tờ Financial Times, quyết định dừng tranh cử của ông Biden về cơ bản đặt dấu chấm hết cho một sự nghiệp chính trị kéo dài nửa thế kỷ trong giới đỉnh cao quyền lực ở Washington DC. Dù vậy, ông Biden vẫn còn 6 tháng để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đảng Dân chủ có lẽ sẽ biết ơn ông Biden vì sự rút lui này, vì việc Phó tổng thống Kamala Harris thế chỗ ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng có thể sẽ mang lại cho đảng cơ hội tốt hơn để thắng ông Trump. Vốn được đánh giá là một chính trị gia cứng cỏi, nhưng ông Biden buộc phải rời cuộc đua vì sức khỏe thể chất và tinh thần giảm sút do tuổi tác, thay vì bởi bất kỳ một thất bại chính trị nào.
TRỞ NGẠI TUỔI TÁC VÀ SỨC KHỎE
Sau khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng ở tuổi 78 - kết quả đỉnh cao của hàng thập kỷ phấn đấu cho chiếc ghế trong Phòng Bầu dục - ông Biden có ý nói rằng ông sẽ là một tổng thống Mỹ “chuyển tiếp”, người sẽ đến lúc trao lại ngọn đuốc cho một thế hệ lãnh đạo mới.
Vào năm 2022, khi tỷ lệ dành cho ông Biden giảm mạnh sau khi quân đội Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan, dư luận đã rộ lên đồn đoán rằng ông có thể sẽ không tranh cử nữa. Nhưng kết quả vượt trội của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm đó đã làm dịu đi những tin đồn như vậy và ông Biden lại đặt mục tiêu có được nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.
Với sự hậu thuẫn của cố vấn thân cận từ chiến dịch tranh cử năm 2020 - bao gồm Giám đốc chiến dịch Jen O’Malley Dillon và các trợ lý cấp cao Anita Dunn và Mike Donilon - ông Biden quyết định tái tranh cử. Ông đã bị thuyết phục - một cách chính xác - bởi khả năng ông Trump sẽ là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử 2024. Từng thắng ông Trump một lần vào năm 2020, ông Biden tự tin có thể thắng thêm lần nữa.
Dù tỷ lệ ủng hộ của ông Biden tiếp tục suy giảm trong suốt năm 2023, các trợ lý của ông tin rằng con số này sẽ được cải thiện dần khi cử tri so sánh thành tích của ông - bao gồm cả đạo luật chống biến đổi khí hậu sâu rộng và chính sách công nghiệp được thiết kế nhằm phục hồi ngành sản xuất của Mỹ - với những rủi ro biến động có thể xảy ra nếu ông Trump tái đắc cử.
Sau màn thể hiện vững chắc trong bài phát biểu thông điệp Liên bang trước Quốc hội Mỹ vào tháng 3 năm nay, ông Biden bắt đầu giành được thế dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận. Nhưng sự dẫn trước mong manh đó chưa đủ để giúp Đảng Dân chủ cảm thấy yên tâm.
Tiếp đó, ông Biden gặp phải một số vấn đề cá nhân ngoài dự kiến. Sau khi các tài liệu mật có từ thời ông Biden còn làm phó tổng thống được tìm thấy tại nhà riêng của ông ở Delaware, một cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt đã kết luận ông không làm gì sai. Tuy nhiên, báo cáo kết luận của cuộc điều tra bao đã mô tả ông Biden là một “người đàn ông lớn tuổi có trí nhớ kém”, thậm chí không thể nhớ được con trai cả của mình là Beau Biden qua đời khi nào.
Báo cáo này đã khiến Đảng Dân chủ lo ngại về việc liệu ông Biden còn có đủ minh mẫn để làm tổng thống thêm một khóa. Trong khi đó, con trai ông Biden là ông Hunter Biden bị tòa án liên bang truy tố - và sau đó bị kết án - về tội danh liên quan đến súng.
Hồi tháng 5, khi ông Biden hơi tụt lại sơ với ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc và ở một số bang chiến trường quan trọng, các trợ lý của ông Biden đã đánh cược vào “canh bạc” là cuộc tranh biện sớm với ông Trump. Ông Biden đến Atlanta vào cuối tháng 6 sau năm ngày chuẩn bị tại Trại David và sau hai chuyến công du châu Âu trước đó trong tháng. Ông bị đau họng và cảm thấy không được khỏe.
Màn thể hiện của ông Biden tại cuộc tranh biện đó đã gây thất vọng. Đảng Dân chủ lo lắng khi chứng kiến phản ứng yếu ớt của ông Biden trước những đòn tấn công mạnh mẽ của ông Trump trên sóng truyền hình vào khung giờ vàng. Những nỗ lực nhằm buộc ông Biden từ bỏ cuộc đua bắt đầu gần như ngay lập tức.
Tiếp đó, vụ ám sát hụt ông Trump càng khiến khả năng tái đắc cửa của vị cựu Tổng thống tăng lên và hy vọng dành cho ông Biden gần như không còn. Một số thành viên Đảng Dân chủ nói rằng áp lực buộc ông Biden rời cuộc đua đã lên tới mức không thể chống lại, và ông quyết định dừng.
BI KỊCH GIA ĐÌNH
Nhà sử học William Howell của Đại học Chicago nhận định việc rút lui là một quyết định rất khó khăn đối với ông Biden. “Các tổng thống rất quan trọng vấn đề di sản” và luôn nghĩ về việc họ sẽ đứng ở vị trí nào trong lịch sử - ông Howell nói. Theo ông Howell, một mặt ông Biden muốn có nhiệm kỳ thứ hai để tiếp tục các sáng kiến chính sách mà ông đã khởi động trong nhiệm kỳ đầu tiên. “Mặt khác, những tổng thống cầm quyền nhiều hơn 1 nhiệm kỳ đều có di sản lớn hơn và tuyệt vời hơn so với những ai chỉ phục vụ 1 nhiệm kỳ”, nhà sử học nhận định.
Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Biden đã thăng tiến ổn định lên vị trí dẫn đầu chính trường Mỹ. Trong quá trình đó, ông đã vượt qua không ít trở ngại trong công việc và bi kịch đời tư.
Sau khi được bầu vào Thượng viện năm 1972 và đảm nhiệm vai trò chủ tịch hai ủy ban, gồm Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Đối ngoại, ông đã hai lần nỗ lực tranh cử tổng thống và thất bại.
Lối rẽ đưa ông Biden đến Nhà Trắng là nhiệm kỳ phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama - người mà ông Biden đôi khi có xung đột về chính sách, bao gồm kế hoạch tăng quân Mỹ ở Afghanistan. Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Obama đã ủng hộ Hillary Clinton thay vì ông Biden, và bà Clinton đã nhận được sự đề cử của Đảng Dân chủ. Điều này góp phần làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa ông Biden và ông Obama.
Hai bi kịch cá nhân lớn cũng là một phần trong tính cách chính trị của ông Biden. Bi kịch đầu tiên xảy ra vào năm 1972, ngay sau khi ông được bầu làm nghị sỹ quốc hội: người vợ đầu tiên của ông là Neilia và cô con gái một tuổi Naomi của họ qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi khi đang đi mua cây thông Giáng sinh. Hai con trai của họ là Beau và Hunter may mắn sống sót trong vụ tai nạn này.
Bi kịch thứ hai xảy ra vào năm 2015, khi ông Biden còn là phó tổng thống. Ông Beau Biden, người từng giữ chức bộ trưởng tư pháp của bang Delaware, qua đời vì bệnh ung thư não. Ông Biden thường kể lại những bi kịch gia đình này trước công chúng và nhận được sự đồng cảm. Cái chết của ông Beau cũng ảnh hưởng tiêu cực đến người em trai Hunter, khiến tình trạng nghiện rượu và chất kích thích của ông này trở nên trầm trọng hơn.
Năm 1977, ông Biden kết hôn với bà Jill Biden, người vợ hiện tại của ông và gia đình họ rất gắn bó. Ông Biden, một người Công giáo sùng đạo, hầu như trở về nhà ở Delaware mỗi cuối tuần, thường là cùng với các thành viên trong gia đình. Xét trên nhiều phương diện, gia đình vẫn là những cố vấn thân cận nhất của ông.
Nhưng vào năm 2017, ông Biden quyết định khởi động nỗ lực tranh cử tổng thống thêm lần nữa. Ông hứng thất bại trong các cuộc bầu cử sơ bộ nhưng cuối cùng đã chiếm ưu thế sau khi nhận được sự ủng hộ từ một số phe cánh quan trọng trong Đảng Dân chủ, bao gồm cánh người Mỹ gốc Phi do ông Jim Clyburn, một nhân vật đến từ bang South Carolina, giữ vai trò lãnh đạo.
DI SẢN CỦA ÔNG BIDEN
Năm 2020, trong cuộc bầu cử diễn ra giữa đại dịch Covid-19, ông Biden đã đắc cử tổng thống Mỹ - bác bỏ tất cả những mối nghi ngờ trước đó về kỹ năng chính trị của ông. Trong suốt nhiệm kỳ cầm quyền, ông Biden đã nhận được sự kính nể của các thành viên Đảng Dân chủ. Dù tuổi cao và có một lịch sử dài những lần bắt tay với phe Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ, cũng như bất chấp căng thẳng trong cuộc chiến tranh ở dải Gaza, ông Biden nhận được sự ủng hộ từ những thành viên trẻ cấp tiến trong Đảng Dân chủ, bao gồm những ngôi sao đang lên như hạ nghị sỹ Alexandria Ocasio-Cortez đến từ bang New York - người đã ủng hộ nỗ lực tái tranh cử năm 2024 của ông đến cùng.
Nhưng chỉ trong vòng 3 tuần sau màn tranh biện bị đánh giá là thảm họa, những thành viên lâu năm hơn của Đảng Dân chủ, gồm ông Obama, bà Nancy Pelosi - cựu Chủ tịch Hạ viện, và ông Chuck Schumer - cựu thủ lĩnh phe đa số tại Thương viện, không còn ủng hộ ông chạy đua tổng thống.
Ông Biden có thể coi những gì ông đã làm trong quãng thời gian ở Nhà Trắng là thành công.
Về kinh tế, thị trường việc làm và tiền lương ở Mỹ đã tăng trưởng mạnh trong nhiệm kỳ của ông Biden. Dù vậy, lạm phát đã tăng cao trong thời gian ông cầm quyền - lập đỉnh hơn 4 thập kỷ vào năm 2022 và hiện đã giảm về ngưỡng dưới 3% hiện nay - khiến nhiều người Mỹ bất bình vì chi phí sinh hoạt tăng cao.
Về chính sách đối ngoại, ông đã lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phản ứng với cuộc chiến tranh Nga - Ukraine và duy trì việc gây sức ép với Trung Quốc. Khu vực Trung Đông là nguồn rắc rối lớn nhất đối với chính sách đối ngoại của ông Biden, từ kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan không được trôi chảy, đến việc ông ủng hộ cuộc chiến của Israel ở Gaza một vấn đề gây chia rẽ trong nội bộ đảng.
Một trong những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden là việc bổ nhiệm bà Ketanji Brown Jackson làm nữ thẩm phán da màu đầu tiên tại Tòa án Tối cao Mỹ. Phó tổng thống Kamala Harris cũng là người phụ nữ Mỹ gốc Á và da màu đầu tiên đảm nhận chức vụ này.
Tuy nhiên, việc ông Biden không chặn được dòng người di cư trái phép vượt biên vào Mỹ qua biên giới Mỹ-Mexico là một vấn đề mà phe Cộng hòa xoáy vào, đồng thời cũng bị chỉ trích bởi chính những người Dân chủ.
Theo cách đánh giá truyền thống, các thành tựu chính sách - và số lượng người mà những chính sách đó có ảnh hưởng - luôn là trọng tâm trong di sản của các tổng thống. Nhưng đó không phải là thành phần duy nhất trong di sản của các nhà lãnh đạo.
Nhà sử học Howell cho rằng việc ông Biden từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng cũng có thể củng cố di sản của ông. Một ứng cử viên khác - có thể là bà Harris - có thể đối đầu với ông Trump tốt hơn. Tương tự, cuộc chạy đua tìm ứng cử viên có thể mang lại sức sống mới cho Đảng Dân chủ và cơ hội của đảng này trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trong khi đó, nhà sử học Allan Lichtman tại Đại học American lại cho rằng lẽ ra ông Biden nên tiếp tục tranh cử và đảng của ông đã hành động sai lầm khi đẩy ông khỏi cuộc đua. “Bài học lịch sử rất rõ ràng: nếu bạn tạo ra một ghế trống và một cuộc đấu đá nội bộ đảng, bạn sẽ thua”, ông Lichtman nói, đề cập đến quyết định tương tự của Tổng thống Harry Truman vào năm 1952 và Tổng thống Lyndon Johnson vào năm 1968.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhin-lai-su-nghiep-chinh-tri-cua-ong-biden.htm