Nhìn lại trận mưa lụt lịch sử ở Phú Quốc
Trận ngập lụt kinh hoàng xảy ra ở huyện Phú Quốc (Kiên Giang) làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, tổng thiệt hại do lũ lụt gây ra lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đây là điều chưa từng xảy ra trong suốt hàng chục năm qua.
Cuộc sống bị đảo lộn
Vợ chồng anh Lê Quang Lam (tài xế taxi Phú Quốc) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại việc phải bỏ nhà ẵm con hai lần chạy lũ. “Vợ chồng tôi từ miền Trung vào đây làm ăn, nhờ bạn bè giới thiệu tôi thuê căn nhà tại khu phố 4, thị trấn Dương Đông. Tuy nhiên mới dọn vào ở được 3 ngày thì trời mưa liên tục, nước lên làm ngập căn nhà ngập sâu tới ngực, vợ chồng và đứa con mới 4 tháng tuổi vào khách sạn lánh nạn, đồ đạc không mang theo được thứ gì” - anh Lam nói, đồng thời cho biết sau mấy ngày nước rút, vợ chồng khăn gói trở về nhà để dọn dẹp, vừa mới dọn xong chưa kịp mừng thì trời tiếp tục mưa và nước lên còn kinh
khủng hơn.
PV Tiền Phong trở lại một số nơi bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt ngập vừa qua, con đường vào dãy trọ ở khu phố 10 thị trấn Dương Đông, mặt đường vẫn chưa ráo nước, rác thải, túi nhựa vương vãi khắp mặt đường. Chị Nguyễn Cẩm Đông cho biết cũng may mắn là căn nhà trọ có gác nên nhờ đó gia đình lên lánh nạn, những ngày qua, nước ngập cao, đi lại rất khó khăn, chị phải nghỉ làm, tháng này coi như không có tiền đóng tiền nhà, tiền sữa cho con. Cách đó không xa, nhà của bà Hoàng Thị Sự nước vẫn chưa rút hết, trước đó nước ngập cao, không kịp trở tay, gia đình phải chạy đi mượn giàn giáo kê đồ đạc đồng thời cũng làm chỗ ngủ cho cả nhà. Cuộc sống gia đình gần như bị đảo lộn mọi thứ, do nhà nằm sâu trong hẻm, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn…
Ông Nguyễn Ngọc Chương - ngụ khu phố 10, thị trấn Dương Đông bức xúc nói: “Cách đây 10 năm, nhà cửa còn hoang vắng, xe cộ thưa thớt, nhưng 2 năm trở lại đây do sự phát triển ồ ạt, nhiều nhà cao tầng, khu nghỉ dưỡng, resort mọc lên như nấm, tình trạng xây dựng lấn chiếm không kiểm soát. Trận ngập lụt vừa qua một phần do thiên tai nhưng cái chính là do con người xây dựng công trình lấn chiếm kênh, rạch, sông suối. Ngày xưa, rạch Ông Trì xuồng, ghe ra vào được, còn bây giờ con cá bơi vào còn khó thì làm sao không ngập cho được”.
Xây dựng bịt cả đường thoát nước
Theo khảo sát của phóng viên, một số tuyến kênh, rạch ở thị trấn Dương Đông, xã Dương Tơ và Cửa Dương..., tình trạng nhà dân xây dựng ngang nhiên lấn chiếm dòng, thậm chí có người cất nhà chắn luôn trên rạch làm bít đường thoát nước. Tại các bãi biển lớn và đẹp nhất của Phú Quốc như bãi Dài, bãi Trường, Gành Dầu… cách đây vài năm còn hoang sơ, vắng vẻ nay đều được phân thành các lô hàng chục, hàng trăm héc ta chia cho các nhà đầu tư. Dọc 15km thuộc Bãi Trường đang có cả trăm dự án bất động sản nằm san sát nhau tạo thành từng khối bê tông dày đặc đang rầm rộ xây dựng. Đa số là dự án bất động sản, khu nghỉ dưỡng với resort, biệt thự biển, shophouse...
Việc vi phạm trật tự xây dựng từng được huyện Phú Quốc kiểm tra xử lý. Từ tháng 8/2018 - 6/2019, tổ này đã phát hiện và xử lý 294 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, còn hơn 170 trường hợp vẫn đang xử lí, 112 trường hợp xây dựng nhưng vẫn có nhiều hộ cất nhà lấn chiếm sông suối.
Nói về đợt mưa lụt, ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết đây là lượng mưa kỷ lục, lớn hơn so với trung bình nhiều năm, lại diễn ra trong thời gian ngắn, đồng thời trùng với nước biển dâng cao, làm cản trở việc thoát nước từ sông, suối ra biển. Cùng lúc đó gió mùa Tây Nam thổi mạnh làm cho sóng biển lên cao gây cản trở đáng kể lưu lượng nước thoát của các cửa sông ra biển.
Cũng theo ông Hưng, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư xây dựng từ năm 2003. Khi đó, quy mô đầu tư phù hợp với mật độ dân cư sinh sống còn thưa thớt. Đến nay, tình hình Phú Quốc phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch và cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các khu vực này làm thay đổi hiện trạng ao hồ tự nhiên để điều hòa khi nước thoát không kịp.
Trong khi đó, một số điểm bị san lấp tôn nền xây dựng kè, làm hẹp dòng chảy, một số đoạn suối là những nguyên nhân cùng góp phần làm giảm lưu lượng thoát nước về các nhánh sông. Thêm vào đó là tại khu vực Bãi Trường, do các dự án chưa hoàn thiện nên việc đấu nối với hệ thống thoát nước chưa đồng bộ gây ra ngập cục bộ một số khu vực.
“UBND huyện Phú Quốc đề xuất cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang cho khảo sát, quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối, thoát nước cho toàn đảo. Ngoài ra, cần nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông cho phù hợp với tốc độ phát triển, ông Hưng cho hay.
Hiện tại nước lũ trên đảo Phú Quốc đã rút hết. Trận mưa lũ vừa qua làm 63 km đường bị ngập; 23 căn nhà bị tốc mái, sập, sụp nứt; 8.424 nhà bị ngập trong nước; hàng ngàn hộ dân bị cô lập hoàn toàn giữa vùng lũ. Tổng thiệt hại do ngập cục bộ gây ra trên địa bàn huyện Phú Quốc ước tính 107 tỷ đồng.