Nhìn lại việc sắp xếp các đơn vị hành chính: Mấu chốt là 'lấy dân làm gốc'
Sắp xếp lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) là chủ trương lớn, cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức CT-XH, đặc biệt, mấu chốt là phải 'lấy dân làm gốc'. Đây là bài học thành công của tỉnh khi tiên phong thực hiện việc sắp xếp lại các ĐVHC trên địa bàn.
Không còn là một xóm nhỏ với trên dưới 60 hộ dân như trước, sau khi hợp nhất với 2 xóm Đồng Chanh và Bình Lý, xóm Tràng, xã Tu Lý - nay là xã Tú Lý (Đà Bắc) hiện có 205 hộ, khoảng 820 nhân khẩu. Sau khi kiện toàn xóm mới, các hoạt động phát triển KT-XH của xóm đã dần đi vào ổn định, từng bước nâng cao hiệu quả.
"Do dân cư đông, các hội, đoàn thể mạnh nên phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi hơn trước nhiều trong khi tình hình ANTT vẫn được giữ vững. Điều đáng quý có thể nhận thấy là tinh thần đoàn kết đã được hình thành nhanh chóng trong cộng đồng dân cư mới” - anh Trần Tuấn Vượng phấn khởi cho biết. Trước khi sáp nhập, anh Vượng đã có 11 năm làm công an viên xóm Tràng (cũ). Sau khi hình thành xóm mới, anh Vượng không còn là công an viên nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng khu dân cư mới, anh vẫn tích cực tham gia các hoạt động chung, góp phần đảm bảo tốt ANTT trên địa bàn.
Được biết, sau khi sáp nhập, cán bộ, nhân dân xóm Tràng tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chú trọng triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Năm 2019, xóm Tràng tiếp tục đạt danh hiệu "Khu dân cư văn hóa”, xứng đáng được chọn làm điểm về khu dân cư kiểu mẫu trong xây dựng NTM của xã Tu Lý giai đoạn 2018 – 2020.
Trên phạm vi cấp xã, Tu Lý là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của huyện Đà Bắc. Tại đây, việc hợp nhất các thôn, xóm, tiểu khu đã sớm hoàn thành, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần đắc lực để địa phương tiếp tục lộ trình duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM. Từ ngày 1/1/2020, xã Tu Lý được hợp nhất với xã Hào Lý để hình thành xã mới tên là Tú Lý. Đây đều là hai xã đã đạt chuẩn NTM, có nhiều điểm tương đồng trong phong tục, tập quán cũng như các điều kiện phát triển kinh tế. chính trị, VH-XH nên về cơ bản, việc sáp nhập có nhiều thuận lợi, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển của xã Tú Lý sau này.
Cùng với việc hợp nhất xã Tu Lý và Hào Lý, trên địa bàn huyện Đà Bắc còn có 2 cuộc sáp nhập khác của xã Suối Nánh với xã Đồng Nghê, xã Mường Chiềng với xã Mường Tuổng. Như vậy, sau khi hoàn thành việc sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã, đến ngày 1/1/2020, huyện Đà Bắc có 16 xã, 1 thị trấn với 122 thôn, xóm, tiểu khu (giảm 3 xã, 41 thôn, xóm, tiểu khu).
Đồng chí Đinh Công Báo, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc trao đổi: Bám sát chủ trương chỉ đạo chung, huyện Đà Bắc xác định cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức CT-XH trong thực hiện sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã cũng như công tác sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Trong quá trình thực hiện, vấn đề mấu chốt là làm tốt công tác dân vận chính quyền, bám sát phương châm "lấy dân làm gốc”, trên cơ sở "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” nên nhìn chung, huyện đã thực hiện hiệu quả "cuộc cách mạng” mang tính lịch sử này.
Đó cũng chính là kinh nghiệm chung của các địa phương trong toàn tỉnh khi thực hiện sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã, trước đó là công tác sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố. Quán triệt tinh thần chung, các huyện, thành phố tích cực triển khai sắp xếp lại các ĐVHC. Quá trình triển khai được các cấp ủy, chính quyền tiến hành đúng thẩm quyền, nguyên tắc, trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định. Các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy nêu cao tinh thần trách nhiệm, trên cơ sở nhiệm vụ được phân công phụ trách các Đảng bộ trực thuộc bố trí thời gian đi cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cùng với cấp ủy cơ sở kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các huyện, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện đến cấp xã, thôn, xóm, tổ dân phố. Đặc biệt, xác định vấn đề mấu chốt là phải "lấy dân làm gốc”, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực, vận động gia đình, họ hàng, người thân và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện. Điều này thể hiện rõ qua kết quả lấy ý kiến của cử tri trên toàn tỉnh: phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện có tỷ lệ cử tri đồng ý bình quân đạt trên 95%; phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã có tỷ lệ cử tri đồng ý bình quân đạt trên 90%.
Với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức CT-XH, đặc biệt là sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, công tác sắp xếp lại các ĐVHC của tỉnh đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Sau sắp xếp, đã giảm 1 đơn vị cấp huyện, toàn tỉnh còn 9 huyện và 1 thành phố; cấp xã giảm 59 đơn vị, toàn tỉnh còn còn 151 xã, phường, thị trấn. Trước đó, để tạo nền tảng thuận lợi cho công tác này, toàn tỉnh đã thống nhất thực hiện việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố. Kết quả, đã giảm được 576 thôn, xóm, tổ dân phố trong toàn tỉnh.