Nhìn lại vụ án Trịnh Văn Quyết trước giờ tuyên án

Theo kế hoạch, ngày 5-8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo liên quan, do có các sai phạm về chứng khoán. Phiên tòa được mở từ ngày 22-7, nghị án kéo dài và dự kiến bản án sẽ được công bố vào ngày mai.

Về vụ án này, Viện KSND Tối cao truy tố 50 bị cáo về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Thao túng thị trường chứng khoán”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bị cáo buộc có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, rồi chỉ đạo bán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị dẫn giải tới tòa.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị dẫn giải tới tòa.

Ngoài ra, từ năm 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ruột) cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Các hành vi thao túng thị trường chứng khoán nêu trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu nêu trên, thu lợi bất chính gần 700 tỷ đồng.

Ân hận vì “kéo” người thân vào lao lý

Tại phiên tòa, cơ bản các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Duy chỉ bị cáo Lê Văn Tuấn (cựu Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - CPA Hà Nội) trong giai đoạn điều tra nhận tội, đến giai đoạn truy tố thì phủ nhận.

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung - cựu Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC.

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung - cựu Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC.

Tại tòa bị cáo này ban đầu không nhận tội, khẳng định bản thân không thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Công ty Faros, không ký báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, đến giai đoạn tranh luận, bị cáo Tuấn lại thừa nhận phạm tội và xin khoan hồng.

Về phần mình, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) khai báo ngắn gọn, thừa nhận mô tả trong cáo trạng và nhiều lần nhắc đi nhắc lại câu “tôi tôn trọng cáo trạng”.

Bị cáo Quyết nói rằng chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư mà chỉ mong muốn có một công ty để làm xây dựng cho Tập đoàn FLC và nếu phát triển hơn nữa thì làm xây dựng cho các công ty ngoài hệ thống FLC. Đến thời điểm trước khi bị bắt, bị cáo đã làm được việc đó.

Khi được nói lời sau cùng, Trịnh Văn Quyết nhìn nhận đã làm một số việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay. Cựu doanh nhân nổi tiếng phân trần là “rất hối hận vì trong suốt quãng đời doanh nhân hơn hai mươi năm của mình, cho dù luôn nỗ lực, cố gắng thì cũng không thể thay đổi một sự thật là nhiều người thân, người bạn và đồng nghiệp, những người vì tin tưởng Quyết mà rơi vào vòng lao lý”.

Với nỗi hối hận này, ở hàng ghế bị cáo, bị cáo Quyết cúi mặt, liên tục lau nước mắt khi nghe các em gái nói lời sau cùng. Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, em gái của Quyết nói rằng gia đình hai bên có tới 7 người bị xét xử trong vụ án này gồm 3 anh em ruột của bà, riêng gia đình chồng có đến 4 người con trai, gái, dâu, rể (gồm vợ chồng bà Nga, Nguyễn Văn Mạnh, vợ chồng người em là Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Thị Hồng Dung).

Ngoài hai người em gái Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, nhiều người thân khác của bị cáo Quyết như em rể, họ hàng thông gia, người cùng họ, cháu họ, bạn thân, người cùng quê… đã phải đứng trước bục khai báo trong vụ án.

Phiên tòa xét xử Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan.

Phiên tòa xét xử Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan.

Bị cáo Lê Văn Sắc (75 tuổi) là bị cáo cao tuổi nhất trong vụ án, trình bày rằng bị cáo là người cùng quê với Trịnh Văn Quyết, vợ ông Sắc là chị em họ xa với Quyết. Bản thân bị cáo này không vay tiền, không góp vốn, không là cổ đông Công ty Faros nhưng đã đứng tên cổ phần khi được nhờ.

Bị cáo trần tình thêm rằng: “Tôi rất tin tưởng anh Quyết, ai cũng nghĩ anh Quyết có tiền thật vì Tập đoàn FLC lúc đó rất phát triển. Tôi nhận thấy mình sai, xin xem xét mức độ hành vi cho tôi, tôi cũng là nạn nhân của anh Quyết như nhiều người ở đây”.

Lượng bị hại rất lớn nhưng chỉ số ít ra tòa

Liên quan, nhóm bị cáo ở Sàn giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) gồm: Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT); Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ (cùng là cựu Phó Tổng Giám đốc); Lê Thị Tuyết Hằng (cựu Giám đốc Phòng Giám sát giao dịch, cựu Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết) cùng bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Vụ án có sự tham gia bào chữa của gần 100 luật sư.

Vụ án có sự tham gia bào chữa của gần 100 luật sư.

Nhóm bị cáo ở tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” gồm: Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước); Dương Văn Thanh (cựu Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam); Phạm Trung Minh (cựu Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) thừa nhận các nội dung truy tố nhưng trình bày không được hưởng lợi và xin khoan hồng giảm nhẹ.

Quá trình xét xử, cơ quan tố tụng xác định, số bị hại trong vụ án là hơn 30.000 người đã mua cổ phiếu ROS ban đầu. Trong quá trình tranh luận tại phiên tòa, Viện kiểm sát đã rà soát các trường trùng lặp và xác định lại số bị hại là hơn 25.000 người.

Tuy nhiên, có thực tế là nhiều người mua cổ phiếu ROS trong phiên chào sàn đã bán và có lãi. Số nhà đầu tư còn nắm giữ cổ phiếu mua ban đầu này chỉ là 133 người. Chính vì vậy, khi tranh luận, luật sư bào chữa cho Trịnh Văn Quyết đề nghị HĐXX xác định bị hại của vụ án là 133 người, tương ứng số tiền thiệt hại là hơn 2 tỷ đồng.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội dựng thêm nhà bạt nhưng chỉ có số ít bị hại đến dự tòa.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội dựng thêm nhà bạt nhưng chỉ có số ít bị hại đến dự tòa.

Tòa án triệu tập hơn 30.000 bị hại là những người mua cổ phiếu ROS ban đầu và hơn 60.000 người liên quan là những người còn đang nắm giữ cổ phiếu ROS khi vụ án xảy ra. Tuy nhiên, chỉ có vài chục người có mặt. Tại phiên tòa, một số bị hại trình bày mong muốn được giải quyết quyền lợi, một người xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Quyết.

Với hậu quả vụ án là hơn 4.300 tỷ đồng, tại thời điểm HĐXX nghỉ nghị án, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã nộp khắc phục khoảng 240 tỷ đồng. Cựu Chủ tịch FLC đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo bán tài sản để khắc phục hậu quả vụ án.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng khối tài sản này ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng, đủ để khắc phục vụ án. Cũng theo trình bày của Quyết, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo này đã đề nghị bán cổ phần tại Tập đoàn FLC nhưng đến nay chưa được phép.

Quá trình giải quyết vụ án, CQĐT cũng đã có công văn yêu cầu tạm dừng biến động đối với tài sản đứng tên Trịnh Văn Quyết. Trong đó có nhiều loại cổ phần, vốn góp như 215.436.257 cổ phiếu FLC; 218.340.338 cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES; 7.614.000 cổ phiếu GAB tại Công ty CP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC; 1.045.325.000 cổ phần tại Công ty CP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding…

Lâm Vinh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhin-lai-vu-an-trinh-van-quyet-truoc-gio-tuyen-an-post585011.antd