Nhìn lại vụ giẫm đạp kinh hoàng ở Hàn Quốc
Nhiều ngày đã trôi qua nhưng người dân Hàn Quốc vẫn bàng hoàng sau vụ giẫm đạp kinh hoàng đêm 29/10 ở thủ đô Seoul khiến 156 người thiệt mạng. Giới chức nước này vẫn đang khắc phục hậu quả và đã chỉ thị thực hiện các biện pháp ngăn ngừa các thảm kịch tương tự.
Thảm kịch ở Itaewon
Thảm kịch giẫm đạp xảy ra đêm 29/10 khi khoảng 100.000 người đổ xô đến các đường phố ở khu Itaewon để tham gia lễ hội Halloween. Theo CNN, các nhân chứng cho biết những người tham gia lễ hội đã chen chúc chật cứng trong các con phố hẹp và dốc ở khu giải trí về đêm nổi tiếng của thủ đô Seoul. Khi tình trạng chen lấn, giẫm đạp xảy ra, nhiều người đã ngã sấp và đổ như quân cờ domino. Tình trạng hỗn loạn diễn ra hơn 1,5 giờ thì lực lượng chức năng mới có thể mở đường giải cứu họ.
Tính đến ngày 2/11, số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 156 người, ngoài ra có 133 người bị thương.
Đây là sự kiện Halloween đầu tiên được tổ chức ở Seoul trong 3 năm qua sau khi Hàn Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống COVID-19. Vụ việc đánh dấu thảm kịch tồi tệ nhất ở Hàn Quốc kể từ vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng.
Các quan chức thành phố Seoul cho biết số người thiệt mạng có thể tăng vì hiện còn 37 người bị thương nặng. Trong số nạn nhân thiệt mạng, đa số là nữ (97 người), đa số ở độ tuổi 20 và 30 (125 người). Số người nước ngoài thiệt mạng là 26 người đến từ 14 quốc gia, trong đó Việt Nam có 1 công dân thiệt mạng và một số người bị thương.
Nhiều hoạt động tưởng niệm các nạn nhân đang diễn ra trên khắp Hàn Quốc, đặc biệt khu vực xảy ra thảm kịch ở Itaewon. Tổng thống Yoon Suk-yeol và phu nhân Kim Keon-hee là những người đầu tiên tưởng niệm các nạn nhân.
Trong khi đó, nhiều cửa hàng kinh doanh tại Itaewon quyết định đóng cửa cho đến hết ngày quốc tang 5/11.
Video đám đông chen chúc tại Itaewon (nguồn: Dailymail):
Ngày 1/11, Bộ trưởng Nội vụ và An ninh Hàn Quốc Lee Sang-min đã lên tiếng xin lỗi về thảm kịch giẫm đạp này. Ông Lee Sang-min là quan chức cấp cao đầu tiên trong nội các của Tổng thống Yoon Suk-yeol đưa ra lời xin lỗi sau khi xảy ra vụ việc trên.
Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Yoon Hee Keun thừa nhận rằng cảnh sát chưa thực hiện đủ các biện pháp kiểm soát đám đông tại lễ hội Halloween ở Itaewon, mặc dù có một số cuộc gọi khẩn cấp trước khi xảy ra thảm kịch giẫm đạp.
Trước khi xảy ra thảm kịch, cảnh sát đã nhận được các cuộc điện thoại thông báo tình hình nghiêm trọng tại Itaewon khi số người tụ tập quá đông. Ông thừa nhận phản ứng của cảnh sát khi đó "chưa đủ" và cảnh sát sẽ tiến hành cuộc điều tra sâu rộng, đặc biệt liên quan đến các biện pháp được triển khai tại hiện trường sau khi tiếp nhận các cuộc gọi khẩn cấp.
Cảnh sát Seoul đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì chỉ triển khai 137 cảnh sát để đảm bảo an ninh trật tự tại tại Itaewon tối 29/10 trong khi có khoảng 100.000 người đổ về khu phố này tham gia lễ hội Halloween.
Hàn Quốc yêu cầu triển khai biện pháp an toàn
Sau thảm kịch trên, trong cuộc họp ngày 31/10, Tổng thống Yoon Suk-yeol yêu cầu triển khai các biện pháp an toàn đối với những sự kiện tập trung đông người tự phát.
Ngày 1/11, Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Hàn Quốc đã quyết định lập đối sách phòng ngừa sự cố đối với các sự kiện tập trung đông người, tránh tái diễn thảm kịch tương tự.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 3/11, Chính phủ Hàn Quốc sẽ rà soát chung liên ngành đối với các lễ hội ở địa phương, đồng thời lập phương án quản lý an toàn đối với các sự kiện tự phát, không có đơn vị tổ chức tương tự như các lễ hội Halloween ở khu phố Itaewon vừa qua.
Trong khi đó, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã nghe trình bày về phương án khắc phục thảm họa giẫm đạp tại khu phố Itaewon, thống nhất sẽ hỗ trợ tư vấn tâm lý và điều trị thông qua trung tâm sức khỏe tinh thần ở thành phố Seoul và Trung tâm sang chấn tâm lý quốc gia cho gia quyến người đã khuất, người bị thương trong thảm họa và cả dân thường.
Thủ tướng Han Duck-soo cam kết sẽ lập phương án tăng cường giáo dục an toàn, trong đó có nội dung về quy tắc an toàn tại những nơi tập trung đông người và tiến hành công tác giáo dục an toàn một cách thực chất. Chính phủ cũng sẽ tìm kiếm các phương án khoa học, thiết lập hệ thống quản lý an toàn, đề phòng xảy ra các tai nạn do tập trung đông người, để có thể áp dụng vào các sự kiện tập thể tự phát mà không có đơn vị tổ chức, tham khảo thêm các trường hợp tương tự ở nước ngoài.
Dấu hiệu cảnh báo đám đông nguy hiểm
Theo G. Keith Still, Giáo sư về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk (Mỹ), ban tổ chức có thể giúp ngăn chặn tình trạng xô lấn, chen đẩy nhau trong đám đông như ở Itaewon bằng cách cập nhật và kiểm soát mật độ người theo từng thời điểm cũng như điều tiết dòng người tới khu vực.
Mật độ đám đông có thể được tính toán theo số lượng người trên một mét vuông. Ví dụ, 3 người/m2 là mật độ thường thấy trong các quán bar, câu lạc bộ đêm. Những người nhỏ bé hoặc trẻ tuổi thì có thể chiếm không gian không nhiều như người trưởng thành hoặc to lớn, song theo quy định đặt ra, 5 người/m2 sẽ tạo ra cảm giác không thoải mái. Nếu số người từ 6 trở lên, đám đông có khả năng gây nguy hiểm.
"Khi cơ thể chạm vào nhau, năng lượng và mật độ cao đó có thể làm phát sinh những đợt sóng và gây ra hiệu ứng domino nếu như có người ngã", Giáo sư Still chỉ ra.
Một dấu hiệu cho thấy đám đông trở nên quá dày đặc là “hiệu ứng cánh đồng lúa”, nơi mọi người bị đẩy không thể kiểm soát hoặc bị cuốn theo biển người.
Chìa khóa để ngăn chặn thảm kịch là các nhà tổ chức phải kiểm soát mật độ đám đông. Nếu như mật độ bắt đầu trở nên dày đặc, hãy làm chậm hoặc chặn hẳn dòng người tiến vào khu vực. Nếu như để đám đông trở nên quá chật chội, việc giảm số người sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Trong trường hợp đám đông bị dồn nén, ban tổ chức, người biểu diễn cần dừng lại và yêu cầu tất cả mọi người lùi lại.
Chuyên gia Still khuyến cáo nếu bạn đang ở trong một đám đông, một cách để giữ mình an toàn là khi thấy không có đủ không gian cá nhân, hãy tìm cách thoát khỏi đám đông đó.
Các vụ giẫm đạp gây thương vong lớn trên thế giới thời gian gần đây:
- Ngày 1/10/2022 tại Indonesia: Trên 130 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp và bạo loạn xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia.
- Ngày 7/1/2020 tại Iran: Vụ giẫm đạp khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và 213 người bị thương trong đám tang Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
- Tháng 9/2015 tại Saudi Arabia: Đây được coi là vụ giẫm đạp gây thương vong lớn nhất trong lịch sử các cuộc hành hương thường niên của người Hồi giáo khi có ít nhất 770 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ thảm họa trên là do một số lượng lớn người hành hương xô đẩy, chen lấn nhau.
- Ngày 22/11/2010 tại Campuchia: Một vụ xô đẩy, giẫm đạp trong đám đông xảy ra tại Đảo Kim Cương, Phnom Penh (Campuchia), cướp đi sinh mạng của ít nhất 345 người và khiến trên 750 người bị thương.
- Ngày 30/9/2008 tại Ấn Độ: Một vụ giẫm đạp xảy ra ở ngôi đền Chanmunda Devi tại thành phố Jodhpur thuộc bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ khiến ít nhất 168 người thiệt mạng và 100 người bị thương.