Nhìn lại vụ tắc đường khủng khiếp nhất thế giới, 12 ngày giao thông tê liệt hơn 100 km

Tháng 8 năm 2010, hàng trăm nghìn phương tiện đã bị kẹt cứng suốt 12 ngày trên Quốc lộ 110, đoạn nối từ Nội Mông đến Bắc Kinh (Trung Quốc), tạo nên một trong những vụ tắc đường khủng khiếp nhất thế giới.

Vụ việc không chỉ khiến giao thông tê liệt trên hơn 100 km, mà còn phơi bày những lỗ hổng lớn trong quy hoạch hạ tầng và quản lý vận tải tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Theo odditycentral, khởi đầu từ ngày 14/8/2010, vụ kẹt xe xảy ra khi một lượng lớn xe tải chở than và vật liệu xây dựng từ Nội Mông đổ về Bắc Kinh qua tuyến Quốc lộ 110 vốn đang bị thu hẹp một phần để thi công. Tình trạng ùn tắc càng thêm trầm trọng khi dòng phương tiện nhỏ và xe cá nhân tăng vọt vào thời điểm đó. Chỉ trong thời gian ngắn, đoạn đường dài hơn 100 km đã hoàn toàn tê liệt với hàng trăm nghìn phương tiện không thể nhúc nhích.

Vụ tắc đường kinh hoàng nhất kéo dài tới hơn 100km trong suốt hơn 12 ngày mới dần thông lại (Ảnh: odditycentral)

Vụ tắc đường kinh hoàng nhất kéo dài tới hơn 100km trong suốt hơn 12 ngày mới dần thông lại (Ảnh: odditycentral)

Người đi đường, phần lớn là tài xế xe tải đường dài, bị mắc kẹt giữa đường cao tốc giữa nơi hoang vắng, không có hàng quán, trạm dừng chân, nước uống hay nhà vệ sinh. Trong nhiều ngày liên tiếp, xe cộ chỉ nhích được chưa đầy 1 km mỗi ngày, khiến nhiều người phải sống, ăn, ngủ, đi vệ sinh và cả sửa xe ngay trên đường.

Nguyên nhân của vụ tắc đường lịch sử này bắt nguồn từ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Trước thời điểm xảy ra sự cố, lưu lượng xe trên Quốc lộ 110 đã tăng đều đặn 40% mỗi năm trong vài năm liền, trong khi khả năng chịu tải của tuyến đường không hề được nâng cấp. Đến năm 2010, tuyến đường này đã phải “cõng” lưu lượng xe vượt quá 60% so với thiết kế ban đầu.

Đáng chú ý, thời điểm đó, sản lượng khai thác than ở Nội Mông – khu vực giàu tài nguyên đang tăng vọt để phục vụ nhu cầu năng lượng ngày càng cao của Trung Quốc. Tuy nhiên, hệ thống đường sắt không đủ năng lực vận chuyển, buộc phần lớn than phải được chở bằng đường bộ khiến hàng chục nghìn xe tải đổ dồn về Quốc lộ 110.

Trong khi đó, tuyến đường này đang bị thu hẹp để sửa chữa làm giảm tiếp 50% khả năng thông xe. Hệ quả là chỉ trong vài ngày, toàn bộ tuyến cao tốc từ Nội Mông về thủ đô bị “đóng băng”.

Điều đáng nói là vụ tắc đường kéo dài không chỉ gây thiệt hại kinh tế nặng nề từ nhiên liệu, hàng hóa bị chậm trễ đến chi phí vận hành tăng vọt mà còn tạo ra một hệ sinh thái tạm bợ giữa lòng cao tốc.

Người dân sống dọc hai bên tuyến đường nhanh chóng “nắm bắt cơ hội” kinh doanh. Những cửa hàng di động mọc lên ngay bên lề cao tốc, bán từ nước uống, mì tôm, bánh mỳ cho đến thuốc lá. Giá cả thì đội lên gấp nhiều lần bình thường, một chai nước lọc từ giá gốc 1 tệ bị đẩy lên 15 tệ. Một gói mì ăn liền có thể bị hét giá gấp 10 lần nhưng người đi đường chẳng còn lựa chọn nào khác.

Về sau, nhiều người dân thừa nhận họ đã kiếm được số tiền bằng cả năm buôn bán nhờ “dịch vụ giữa kẹt xe”.

Chính quyền Trung Quốc sau đó đã tìm cách giảm tải giao thông bằng cách cho phép nhiều xe tải đi vào Bắc Kinh vào ban đêm, vốn trước đó bị hạn chế để tránh ô nhiễm. Tuy vậy, việc giải tỏa vẫn diễn ra rất chậm do quy mô ùn tắc quá lớn. Phải đến ngày thứ 12, tuyến đường mới được thông suốt.

Vụ việc khiến dư luận Trung Quốc và quốc tế bàng hoàng, đặt ra câu hỏi lớn về khả năng quản lý giao thông, điều phối vận tải và quy hoạch cơ sở hạ tầng của đất nước đông dân nhất thế giới. Dù không được Guinness công nhận chính thức là vụ tắc đường dài nhất thế giới nhưng vụ kẹt xe trên Quốc lộ 110 vẫn được nhiều chuyên gia coi là “đỉnh cao” của khủng hoảng giao thông toàn cầu vừa về độ dài, thời gian, quy mô ảnh hưởng, vừa về mức độ phi lý và hệ lụy xã hội.

Kể từ sau vụ việc, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ mở rộng các tuyến đường cao tốc, tăng đầu tư vào mạng lưới đường sắt để giảm phụ thuộc vào vận tải đường bộ. Tuy nhiên, bài học từ Quốc lộ 110 vẫn còn nguyên giá trị với mọi quốc gia đang phát triển tăng trưởng kinh tế cần song hành với quy hoạch hạ tầng, nếu không, chỉ cần một “nút thắt cổ chai”, cả một hệ thống có thể bị tê liệt.

T. Linh (Theo ODC)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nhin-lai-vu-tac-duong-khung-khiep-nhat-the-gioi-12-ngay-giao-thong-te-liet-hon-100-km-d207013.html