'Nhìn, ngắm' thế giới năm 2020

Việt Nam sẵn sàng cho năm Chủ tịch ASEAN

Việt Nam sẵn sàng cho năm Chủ tịch ASEAN

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha trao búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ Bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 ở Bangkok ngày 4-11. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha trao búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ Bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 ở Bangkok ngày 4-11. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là: "Gắn kết và Chủ động thích ứng". Xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn và cũng mang lại nhiều cơ hội, Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh... Theo dự kiến, Việt Nam chủ trì 300 hội nghị của ASEAN trong năm 2020, trong đó có 2 hội nghị cấp cao vào tháng 4 và tháng 11. Đồng thời, Việt Nam cũng bắt đầu nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và tỷ phú Michael Bloomberg là đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Ảnh: AFP

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và tỷ phú Michael Bloomberg là đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Ảnh: AFP

Sân khấu chính trị thế giới năm 2020 sẽ chứng kiến "cuộc chiến" đầy kịch tính của bầu cử Tổng thống Mỹ, nhất là khi tỷ phú Michael Bloomberg, sở hữu khối tài sản đồ sộ 54,1 tỷ USD, đã quyết định ra tranh cử để "hất cẳng" đương kim Tổng thống Donald Trump. Trên trang mạng của mình, ông Bloomberg, 77 tuổi nêu rõ: "Tôi tranh cử tổng thống nhằm đánh bại Donald Trump và tái thiết nước Mỹ... Chúng ta không thể chịu thêm 4 năm nữa". Việc ông Bloomberg tranh cử tổng thống thật sự phải khiến Tổng thống Trump lo lắng và khiến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.

Anh sẽ chính thức rời EU

Trong năm 2019, bất chấp nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ của tân Thủ tướng Boris Johnson, Anh vẫn không thể rời Liên minh Châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - theo đúng thời hạn chót đề ra (31-10). Và một lần nữa, Brexit lại được gia hạn đến 31-1- 2020. Tính đến năm 2020, 4 năm kể từ khi người Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU. Nhưng trên thực tế, một lần nữa, có nhiều nghi ngại về khả năng London sẽ rời đi đúng thời hạn này. Giới quan sát cho rằng, có thể trong năm 2020, "mớ bòng bong Brexit" lại tiếp tục trở thành cơn ác mộng đối với nước Anh và cả EU.

Vòng xoáy xung đột ở Trung Đông

Cuộc chiến ở Syria được cho là sẽ càng khốc liệt trong năm 2020.

Cuộc chiến ở Syria được cho là sẽ càng khốc liệt trong năm 2020.

Cuộc chiến ở Syria, vốn bước sang năm thứ 9, sẽ tiếp tục trở thành điểm nóng xung đột lớn nhất Trung Đông. Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng người Kurd ở khu vực đông bắc Syria trong một chiến dịch mang tên "Mùa xuân hòa bình" càng khiến tình hình ở quốc gia Trung Đông này thêm phức tạp. Trong khi đó, Mỹ vẫn lập lờ trong chiến lược ở Syria. Cuộc chiến ở Afghanistan cũng chưa có lối thoát. Tại Yemen, tình hình lại càng tồi tệ hơn khi LHQ cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng sau khi Saudi Arabia dẫn đầu mở cuộc chiến ở đây vào năm 2015. Iran đang bị kìm kẹp trong các lệnh trừng phạt trong khi Israel đang tiến xa hơn trong những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi với Palestine. Giới phân tích cho rằng, sâu trong tận gốc rễ, trục chính của các cuộc xung đột ở Trung Đông không phải là về tôn giáo hay giáo phái, mà là về địa chính trị: cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ khu vực giữa Saudi Arabia và Iran. Vì vậy, khả năng những cuộc chiến này có thể tìm được lối ra trong năm 2020 là điều không tưởng.

Mỹ-Nga có khả năng đàm phán lại INF, START mới

Tổ hợp tên lửa 9M729 của Nga. Ảnh: Reuters

Tổ hợp tên lửa 9M729 của Nga. Ảnh: Reuters

Trong năm 2019, Mỹ mở màn "cuộc chiến hạt nhân" với Nga khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với cáo buộc Nga vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận này. Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc sau đó cũng tuyên bố INF kết thúc và đổ lỗi cho Washington về sự sụp đổ này. Nhiều nước lo ngại, INF chấm dứt sẽ mở đầu cuộc chạy đua vũ khí mới giữa hai ông lớn hạt nhân này. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021 nếu cả hai kiên quyết không đàm phán lại. Vì vậy, các chuyên gia dự đoán trong năm 2020, Mỹ-Nga sẽ nhượng bộ nhau đi đến một cuộc đàm phán về INF và cả START mới (Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược).

Kinh tế hồi phục

Các chuyên gia nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ có khả năng bắt đầu phục hồi vào đầu năm nay. "Tăng trưởng toàn cầu sẽ phục hồi từ quý I-2020, đảo ngược xu hướng giảm của 7 quý vừa qua do căng thẳng thương mại, trong khi chính sách tiền tệ lần đầu tiên được nới lỏng kể từ khi xu hướng giảm bắt đầu", Cty tài chính Morgan Stanley phân tích. Các chỉ số tiêu dùng, chứng khoán sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro nhất định, bao gồm khả năng thuế quan tiếp tục tăng, các thách thức trong cuối chu kỳ tăng trưởng của Mỹ. Các chuyên gia cảnh báo, nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua lệnh áp thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc thì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc hơn nữa trong quý này và việc phục hồi sẽ bị trì hoãn cho đến quý III-2020.

Tàu vũ trụ Starship của Elon Musk bắt đầu hành trình chinh phục sao Hỏa

Nguyên mẫu tàu vũ trụ Starship. Ảnh: Reuters

Nguyên mẫu tàu vũ trụ Starship. Ảnh: Reuters

Vào tháng 9-2019, ông chủ Elon Musk của hãng SpaceX giới thiệu nguyên mẫu mới của tàu vũ trụ Starship dành cho những chuyến bay tư nhân, trong đó với tham vọng chở người đến Mặt trăng và xa hơn là sao Hỏa. Trong năm 2020, tàu vũ trụ Starship thế hệ mới này sẽ được đưa vào quỹ đạo lần đầu tiên từ cơ sở Boca Chica của SpaceX ở bang Texas, Mỹ. Đây sẽ là chuyến đi được chờ đợi, bởi nó sẽ đặt nền móng cho sự thành bại trong tham vọng đưa người đến saoHỏa của ông Elon Musk. Để đạt được mục tiêu là đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng, SpaceX sẽ phải đánh bại các đối thủ nặng ký như Jeff Bezos - người sở hữu Blue Origin, và Sierra Nevada Corp. Tuy nhiên, không giống như các đối thủ khác, SpaceX cho biết, mục tiêu của họ là tạo ra phương tiện có thể giảm giá bay tới sao Hỏa, từ 10 tỷ USD/người bằng công nghệ sẵn có hiện nay xuống 200.000 USD/người.

Mạng 6G được chú ý rộng rãi

Cho đến nay, dù mạng 5G còn chưa được các nước triển khai rộng khắp, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển mạng 6G và đây được cho là chủ đề thảo luận sôi nổi trong năm 2020. Theo giới chuyên gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những nhà lãnh đạo rất quan tâm đến 6G, sau khi Bắc Kinh tuyên bố bắt đầu phát triển mạng không dây này. Một hội nghị hàng đầu xác định tầm nhìn nghiên cứu 6G toàn cầu - Hội nghị thượng đỉnh không dây 6G - sẽ được tổ chức tại Levi, Phần Lan từ ngày 17 đến 20-3-2020.

Mỹ-Trung chấm dứt chiến tranh thương mại

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang phủ bóng lên mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này, bất chấp nỗ lực đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng chiến chính thức và hoàn toàn giữa hai bên. Cả hai tuyên bố vẫn còn nhiều khác biệt khó giải quyết trên các bàn đàm phán. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, khi cuộc chiến thương mại không giải quyết được vấn đề mất cân bằng thương mại song phương mà thay vào đó chỉ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế trong nước, cả hai nước sẽ buộc phải nỗ lực như con thoi với những cuộc đàm phán liên tục để đi đến một thỏa thuận cuối cùng trong năm 2020.

Triều Tiên đề xuất nối lại đàm phán 6 bên

Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa từ Triều Tiên. Ảnh: AP

Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa từ Triều Tiên. Ảnh: AP

Triều Tiên có khả năng đề xuất nối lại cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vào năm 2020 trong bối cảnh miền Bắc cảnh báo về một "cách thức mới" giữa lúc cuộc thương lượng với Mỹ bị đình trệ. Khả năng trên đang được nói đến nhiều trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, do Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa, động thái càng làm gia tăng lo ngại rằng Triều Tiên có khả năng tái khởi động các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ tuyên bố đình chỉ cuộc đàm phán Triều-Mỹ. Tuy nhiên, cách thức mới như vậy không có nghĩa là hoàn toàn chấm dứt quan hệ hai bên, mà có khả năng là cách tiếp cận có điều kiện trong khoảng thời gian nhất định. Họ biết rằng, việc tận dụng Mỹ là cách thu hút và hiệu quả nhất để đạt được đột phá liên quan vấn đề này. Cuộc đàm phán 6 bên có sự tham gia của hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản khởi động vào năm 2003, nhưng lại đình trệ kể từ năm 2008.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_219876_-nhin-ngam-the-gioi-nam-2020.aspx