Nhìn nhận hạn chế để phát triển

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 1-11-2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về công tác chuyển đổi số, tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Sau Nghị quyết số 09-NQ/TU về việc thực hiện chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2022, định hướng đến năm 2030, Đắk Nông mới thực sự có sự chuyển mình trong công tác chuyển đổi số. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, các cấp và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh Đắk Nông đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Giá trị chỉ số DTI liên tục tăng trưởng

Theo mục tiêu tổng quát của nghị quyết, đến năm 2025, phấn đấu chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh Đắk Nông nằm trong nhóm trung bình của cả nước. Trong giai đoạn 2022-2023, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh đã có cải thiện về giá trị chỉ số chuyển đổi số nhưng chưa có sự cải thiện nhiều về xếp hạng. Kết quả trên đã phản ánh thực trạng chuyển đổi số của tỉnh có xu hướng phát triển nhưng chưa có sự bứt phá, chưa theo kịp với sự phát triển tương đối nhanh so với các tỉnh/thành trên cả nước.

Khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Nông

Khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Nông

Cụ thể, giá trị DTI 2020 của tỉnh là 0,3026, xếp hạng thứ 54/63 tỉnh/thành, nằm trong nhóm các tỉnh/thành dưới mức trung bình. Đến năm 2021, giá trị DTI của tỉnh là 0,3509, xếp hạng thứ 41/63 tỉnh/thành, tăng trưởng 32,7% so với năm 2020, tăng 13 bậc so với năm 2020, nhưng nằm trong nhóm các tỉnh/thành dưới mức trung bình. Giá trị DTI 2022 của tỉnh là 0,5266 (tăng 0,1757 điểm so với năm 2021), xếp hạng thứ 49/63 tỉnh/thành, giảm 8 bậc so với năm 2021.

Đối với các mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn 2022-2023, tỉnh Đắk Nông đã có 2/11 chỉ tiêu đạt mục tiêu của năm 2025 là hình thành trung tâm điều hành thành phố thông minh của tỉnh và tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử.

Về nhận thức chuyển đổi số, tất cả các cơ quan báo, đài của tỉnh và cổng thông tin điện tử tỉnh đã có chuyên mục tuyên truyền về chuyển đổi số. Hệ thống truyền thanh cơ sở duy trì thực hiện chuyên mục, bản tin tuyên truyền cải cách hành chính - chuyển đổi số. Thiết lập các tài khoản mạng xã hội tuyên truyền về chuyển đổi số.

Người dân quét mã QR code ở UBND phường để làm thủ tục hành chính

Người dân quét mã QR code ở UBND phường để làm thủ tục hành chính

Tháng 11-2022, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đã chính thức khai trương. Hiện tại, IOC của tỉnh giám sát 10 lĩnh vực, để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh. Thực hiện hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn lên sàn 2 thương mại…

Còn nhiều hạn chế

Nhiệm vụ chuyển đổi số đối với tỉnh Đắk Nông được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 09-NQ/TU là 96 nhiệm vụ, với khái toán tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Đắk Nông là một tỉnh còn nhiều khó khăn, tỉ lệ chi cho chuyển đổi số chỉ khoảng 0,41% ngân sách nhà nước, không đảm bảo kinh phí để triển khai các nhiệm vụ.

Nhận thức của một số lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố còn chưa cao, chưa quyết liệt trong triển khai công tác chuyển đổi số. Cán bộ, công chức, viên chức của một số đơn vị còn chưa nắm bắt được các nhiệm vụ chuyển đổi số của đơn vị. Hầu hết các ngành chưa xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực.

Về hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là bộ phận một cửa còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt nhất cho triển khai Đề án 06 và dịch vụ công trực tuyến. Bộ máy nhân lực để chuyển đổi số rất mỏng, nhất là nhân lực phát triển kinh tế số hầu như chưa có. Kỹ năng số của người dân còn chưa cao và tập trung chủ yếu ở giới trẻ…

Tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 chỉ số chuyển đổi số (DTI) nằm trong nhóm trung bình của cả nước

Tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 chỉ số chuyển đổi số (DTI) nằm trong nhóm trung bình của cả nước

Nhìn nhận hạn chế, tỉnh Đắk Nông đề ra hàng loạt giải pháp đến năm 2025 là tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chuyển đổi số. Đề xuất ưu tiên bố trí tối thiểu 1% ngân sách sự nghiệp hàng năm thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hoàn thành xây dựng 2 trung tâm giám sát điều hành thông minh cấp huyện.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học trực tuyến…

Bảo An

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-tri/nhin-nhan-han-che-de-phat-trien-20230926110735276.htm