Nhìn nhận môi trường như tài sản, các địa phương mổ xẻ ý kiến doanh nghiệp
Sự có mặt của lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL tại Hội nghị vùng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường chứng tỏ mối quan tâm lớn tới các giải pháp để phát triển xanh.
Thiếu ngôi sao về nỗ lực giảm ô nhiễm
Là vùng có tỉnh đứng đầu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), nhưng trong con mắt của doanh nghiệp, ĐBSCL chưa có ngôi sao về nỗ lực giảm ô nhiễm. Thông tin này khiến lãnh đạo nhiều địa phương trong Vùng quan tâm khi tham gia Hội thảo đầu tiên về PGI sau khi VCCI công bạng xếp hạng chỉ số xanh cấp tỉnh vào trung tuần tháng 4/2023.
Trong bảng xếp hạng này, Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh nằm ở Top 3. Bình Thuận, Bến Tre, Hà Nội là các địa phương cuối bảng.
Nhìn tổng thể, điểm số PGI của 13 tỉnh ĐBSCL có sự phân hóa lớn. Dù Trà Vinh đứng đầu, với 17,67 điểm, nhưng điểm trung vị PGI của vùng chỉ là 14,11 điểm, thấp nhất so với các vùng. Đứng đầu về điểm trung vị trong cả nước là vùng Miền núi phía Bắc (15,75 điểm), Đồng bằng sông Hồng đứng ngay sau với 15,73 điểm. Đồng bằng Nam bộ đứng sát cuối với 14,73 điểm.
Phân tích kỹ hơn vào điểm các chỉ số thành phần của Vùng, thì Trà Vinh và Cần Thơ có kết quả nổi bật ở Chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Chỉ số Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tổi thiểu; song các chỉ số còn lại là Vai trò của chính quyền trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và Chỉ số Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ mô trường không ghi nhận sự nổi trội đáng kể hơn so với các tỉnh.
Lý giải về nhận định ĐBSCL chưa có ngôi sao trong nỗi lực giảm thiểu ô nhiễm, ông Trương Đức Trọng, Chuyên gia, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đó là đánh giá của các doanh nghiệp tham gia khảo sát.
“Không có địa phương nào nhận trên 50% ý kiến đánh giá môi trường không hoặc ít ô nhiễm; không có địa phương nào được đánh giá cả cả về khía cạnh ít ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường ít ảnh hưởng đến doanh nghiệp”, ông Trọng phân tích.
Ông Trọng cũng cho biết, mặc dù hầu hết các địa phương đều được doanh nghiệp đánh giá khá tích cực về năng lực phòng ngừa ô nhiễm và ứng phó với sự cố môi trường, song các chỉ tiêu đo lường phiền hà liên quan đến thanh tra môi trường ở nhiều tỉnh trong Vùng lại có kết quả kém hơn so với trung vị cả nước.
Tỷ lệ thanh tra môi trường kiểm tra doanh nghiệp cao nhất là Vĩnh Long (13,46%), Tiền Giang (12,3%), Long An (12,%)… so với trung vị cả nước là 6%. Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long cũng là các địa phương đứng đầu về tỷ lệ doanh nghiệp (trên 10%) cho là thanh tra môi trường tạo cơ hội cho cán bộ thanh tra, kiểm tra nhũng nhiễu doanh nghiệp. Trong nội dung này, duy nhất Sóc Trăng không ghi nhận doanh nghiệp nào than phiền.
Cùng với đó, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ thực hành xanh trên thực tế cũng được đánh giá còn nhiều khó khăn. Với số điểm cao nhất là 4, thì hầu hết các tỉnh mới đạt ở khoảng dưới 2 điểm ở các chỉ số thành phần… Trà Vinh cũng không được điểm cao ở nội dung này.
Áp lực phát triển và… xanh
Ở góc độ địa phương, bài toán hài hòa giữa phát triển và môi trường không dễ giải, nhất là khi định hướng thu hút các dự án xanh hơn có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu trước mắt của địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chia sẻ quan điểm này khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn.
Phải khẳng định, với vị trí số 1 Bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh 2022, Trà Vinh sẽ thêm điểm trong thu hút cán dự án đầu tư gắn với thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế biển như điện năng lưọng tái tạo, nông nghiệp sinh thái… mà tỉnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, không phải mọi nhà đầu tư đều có chung quan điểm.
“Chúng tôi đã có lần phải từ chối một dự án dệt may sau khi xem xét tác động môi trường của dự án. Nếu nói có tiếc không, thì có, vì dự án quy mô lớn, sẽ tạo ra nguồn thu cho địa phương, nhưng cân nhắc lợi - hại, nhất là cân nhắc tiềm năng phát triển lâu dài của địa phương, chính là tài sản lớn nhất của địa phương, chúng tôi quyết định từ chối”, ông Hẳn nói.
Nhưng ông cũng chia sẻ, quyết định tù chối không có nghĩa là chấm dứt quan hệ với nhà đầu tư. Tỉnh thường đề nghị các nhà đầu tư tìm hiểu sâu hơn, giới thiệu với họ về các định hướng phát triển của tỉnh… để cùng các nhà đầu tư đưa ra giải pháp phù hợp cho các bên. Thậm chí, với các nhà đầu tư hiện hữu, tỉnh cũng có kế hoạch xây dựng các sản phẩm mới theo định hướng phát triển của tỉnh, như khai thác du lịch ở các cánh đồng điện gió của các đoanh nghiệp...
Song, để thực sự đạt hiệu quả vừa thực hiện các kế hoạch phát triển xanh, vừa không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiêjp như kỳ vọng, lãnh đạo nhiều địa phương cũng chia sẻ, đây là việc khó. Ngay trường hợp của Trà Vinh, vì nhìn vào các điểm số của Trà Vinh trong PGI mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chấm, cả điểm số chung và điểm số các chỉ số thành phần thì tỉnh Trà Vinh cũng còn nhiều mặt hạn chế, nhất là trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hành xanh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh thừa nhận, áp lực không hề nhỏ, ngay cả với Bắc Ninh, đang đứng ở vị trí thứ 3 trong Bảng xếp hạng PGI năm 2022, với lợi thế là địa phương phát triển nhanh.
Đơn cử, trong việc thực hiện kế hoạch đóng cửa làng nghề ô nhiễm vào năm 2030, ông Bắc kể, nhiều doanh nghiệp, hộ dân đã chuyển hướng, chỉ chờ những chính sách dứt khóa của chính quyền, nhưng có doanh nghiệp, hộ dân không ủng hộ vì đang vay nợ ngân hàng…
Hay như kế hoạch phát triển logistics xanh ở Bắc Ninh, dù đã đưa vào vận hành Trung tâm phân loại hàng hóa lớn nhất Đông Nam Á tại Bắc Ninh, thúc đẩy nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ xanh cũng như lan tỏa tác động từ khu vực doanh nghiệp FDI đang chọn dịch vụ xanh, nhưng ông Bắc cho biết, thói quen của doanh nghiệp nhỏ và vừa, chi phí cao của sản phẩm, dịch vụ xanh tiếp tục là rào cản.
“Bắc Ninh đang đối mặt với hai vấn đề lớn về nguồn lực. Một là, nguồn lực bỏ ra để giải quyết các hậu quả của thành tựu phát triển trong giai đoạn trước. Hai là, nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi sang xanh hơn”, ông Bắc nói.
Để kích hoạt thực sự hoạt động xanh hơn, ông Bắc kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn rõ ràng về thế chế xanh.
“Tôi đã đếm trong Luật Môi trường có 174 điểm cần được hướng dẫn, nhưng về nội dung về xanh mới có Nghị định 06, trong đó lại thêm nhiều điểm giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn”, ông Bắc thẳng thắn.
Cùng với đó, ông cũng cho rằng, trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay, Chính phủ cần bỏ tiền để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
“Nhiều doanh nghiệp đang buộc phải chuyển đổi theo hướng xanh hóa để đáp ứng đòi hỏi của thị trường, đối tác, khách hàng, nếu có sự hỗ trợ nguồn lực để doanh nghiệp làm ngay, làm nhanh, từ đó thúc đẩy hình thành thị trường sản phẩm xanh”, ông Bắc đề xuất.
Liên quan đến thể chế xanh, bà Vũ Kim Chi, Phó trưởng ban thường trực, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về cơ chế để chuyển dịch thu hút đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh khi có nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp, như Quyết định 403 về khai thác khoảng sản, làm khó quan điểm chuyển đổi từ nâu sang xanh của địa phương.
7 khuyến nghị để cải thiện chất lượng quản trị môi trường theo PGI:
Một là, nhìn nhận môi trường như tài sản quan trọng hàng đầu của địa phương.
Hai là, khuyến khích sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người dân, chuyên gia và các tổ chức ngành nghề, tổ chức xã hội.
Ba là, khuyến khích mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp kinh doanh xanh.
Bốn là, áp dụng tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ môi trường trên thực tế.
Năm là, phổ biến thông tin tích cực hơn và giới thiệu các điển hình tốt của địa phương.
Sáu là, thúc đẩy các nỗ lực liên kết vụ trong phát triển dịch vụ liên quan đến môi trường.
Bảy là, chú trọng thu hút các dự án đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm.