Nhìn ra thế giới: Dân số giảm - bước ngoặt lịch sử và thách thức đối với Trung Quốc

Trong khi dân số thế giới vẫn đang trên đà tăng, thì nhiều quốc gia châu Á lại phải loay hoay tìm giải pháp để cải thiện tỷ lệ sinh thấp, chặn đà suy giảm dân số - yếu tố vốn đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong số những quốc gia đó, có Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Cuối năm 2022, dân số Trung Quốc là khoảng 1,412 tỷ người.

Tỷ lệ sinh trung bình ở Trung Quốc là 6,77/1000 người, thấp nhất từ trước đến nay.

Nguyên nhân được đưa ra bao gồm chi phí nuôi con cao, tư tưởng về hôn nhân thay đổi, tăng trưởng kinh tế chậm.

Trong bối cảnh đó, thách thức đặt ra đối với chính quyền Trung Quốc là gì?

Các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này như thế nào?

Sau hàng chục năm tăng mạnh, dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ năm 1961. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tính đến cuối năm 2022, dân số nước này là gần 1,412 tỷ người, giảm 850.000 người so với một năm trước đó. Tỷ lệ sinh trung bình năm ngoái là 6,77/1.000 người, mức thấp kỷ lục tại Trung Quốc.

Nếu Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia điển hình của tình trạng suy giảm dân số, thì việc quốc gia đông dân nhất thế giới như Trung Quốc đối mặt với xu hướng tương tự đã phản ánh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong khu vực. Giới chuyên gia cho rằng thực trạng này xuất phát từ chi phí nuôi con cao, bất bình đẳng giới, vai trò cùa phụ nữ quan trọng hơn trong công việc và xã hội, tư tưởng về hôn nhân và gia đình thay đổi, tăng trưởng kinh tế chậm trong bối cảnh dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị khiến nhiều gia đình thận trọng trong việc sinh con.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho rằng dân số nước này suy giảm là kết quả của sự phát triển kinh tế và xã hội sau một giai đoạn nhất định và đây là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Việc Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách một con kéo dài đã giúp kích thích sự bùng nổ kinh tế, nhưng cũng đồng thời dẫn đến tỷ suất sinh thấp và dân số già đi. Dù Trung Quốc sau đó đã chấm dứt chính sách này, nhưng mức sống đắt đỏ, chi phí giáo dục và y tế tăng lên khiến giới trẻ có xu hướng lập gia đình muộn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Ngọc Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-dan-so-giam-buoc-ngoat-lich-su-va-thach-thuc-doi-voi-trung-quoc