Nhìn thẳng - Nói thật: Dẹp bớt các loại quỹ
Không biết có quốc gia nào có vô số các loại quỹ như nước ta hiện nay không? Thôi thì đủ các loại quỹ. Lớn thì có quỹ toàn quốc, quỹ liên tỉnh, quỹ tỉnh; vừa thì có quỹ huyện, liên huyện; nhỏ thì có quỹ xã; nhỏ hơn thì có quỹ phố, quỹ xóm, quỹ thôn, quỹ liên gia.
Theo thông tin mới đây của Bộ Nội vụ, tính đến hết tháng 12-2023, cả nước có 3.169 quỹ, trong đó có 99 quỹ hoạt động phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh và 3.070 quỹ hoạt động trong phạm vi địa phương. Đấy là số lượng quỹ đã được thống kê chính thức, chưa tính đến các loại quỹ mang tính đột xuất, nhất thời mà cơ quan chức năng chưa thể nắm hết.
Vào mỗi dịp đầu năm, hầu như trên khắp mọi miền đất nước, đại diện các tổ dân phố, thôn xóm, tổ liên gia rất chịu khó “đến từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động (thực chất là yêu cầu) các chủ hộ gia đình phải đóng đủ thứ quỹ, nào là quỹ hội chữ thập đỏ, quỹ vì người nghèo, quỹ từ thiện, quỹ hiếu học, quỹ phòng, chống thiên tai, quỹ hoạt động của tổ... Với mức thu thấp nhất là 20.000 đồng/quỹ và cao nhất 100.000-150.000 đồng/quỹ, trung bình mỗi hộ gia đình cũng phải nộp vài ba trăm nghìn cho các loại quỹ của cấp thôn, cấp xã.
Có đại biểu Quốc hội từng băn khoăn trước nghị trường rằng, người dân đã phải gánh gồng nhiều loại phí, nay lại “còng lưng” để gánh thêm đủ các loại quỹ khiến cho bà con thêm vất vả. Nhiều loại quỹ gắn cái mác “tự nguyện” nhưng thực chất là bắt buộc người dân phải đóng góp đúng, đủ.
Vẫn biết có các loại quỹ là có thêm nguồn thu để chi cho các hoạt động an sinh xã hội, trợ giúp những mảnh đời khốn khó để không ai bị bỏ lại phía sau. Điều đáng nói là người dân đóng nhiều loại quỹ hằng năm lại không hề biết nguồn thu đó chi tiêu vào mục đích gì, sử dụng ra sao, hỗ trợ có đúng đối tượng hay không, vì nhiều cơ quan và chủ thể quản lý quỹ không công khai, minh bạch thu chi.
Tại sao nước ta lại có tình trạng “nở rộ” tràn lan các loại quỹ như vậy? Theo các chuyên gia kinh tế, vì nền kinh tế chưa phát triển mạnh, đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, do đó các loại quỹ sinh ra để hỗ trợ, bù đắp phần nào cho các hoạt động an sinh xã hội mà ngân sách nhà nước chưa thể bao phủ rộng khắp.
Còn tồn tại nhiều loại quỹ là còn nảy sinh nhiều điều bất cập và xuất hiện những “lời ong tiếng ve” về những khoản quỹ “thu vậy mà không phải vậy”, tức là ám chỉ sự khuất tất, mờ ám của việc thu chi quỹ khiến người dân phật lòng, thậm chí mất niềm tin. Nhìn trên phương diện xã hội, có quá nhiều loại quỹ cũng gây ra sự lãng phí sức của, sức dân không cần thiết.
Nhận thấy mặt trái của nhiều loại quỹ hiện nay, đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ mới đây cũng đưa thông điệp rất rõ ràng: Cùng với tiến hành triệt để cuộc “cách mạng bộ máy tinh, gọn, mạnh” thì dứt khoát cũng phải tinh giản các loại quỹ, không nên để các loại quỹ tràn lan như hiện nay.
Nghe thông tin như vậy, nhiều người dân vui như “mở cờ trong bụng”. Bởi khi loại bỏ bớt các loại quỹ không cần thiết trong số gần 3.200 loại quỹ các cấp được thống kê, người dân cũng cảm thấy bớt đi phiền toái khi hay phải gặp những ông trưởng khu, bà trưởng thôn, chị phụ trách liên gia rất nhiệt tình, hăng hái đến gõ cửa từng nhà để thu các loại quỹ. Còn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng bớt đi các khoản đóng góp quỹ để giữ được đồng tiền của mình làm ra nhằm phục vụ gia đình và nuôi con ăn học tốt hơn!
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/noi-thang-lam-that/nhin-thang-noi-that-dep-bot-cac-loai-quy-809823