Nhìn thẳng - Nói thật: Đổ lỗi là trốn tránh trách nhiệm
Sau khi đội tuyển Việt Nam thua đội tuyển Thái Lan trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2022 tại xứ sở chùa vàng, huấn luyện viên Park Hang Seo đã nhận trách nhiệm hoàn toàn về thất bại này và khẳng định: 'Tôi chưa đủ năng lực, nên kết quả hôm nay không được như ý. Các cầu thủ đã cố gắng hết sức rồi, đừng phê phán họ'.
Thông điệp của thầy Park là thông điệp của một người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho khách quan, không đổ lỗi cho học trò, không đổ lỗi cho cấp dưới. Đấy là bản lĩnh, là văn hóa của người cầm quân môn “thể thao vua” vốn rất dễ bị săm soi của công luận theo kiểu “thắng thì ngợi ca ngất ngưởng, thua thì chì chiết nặng nề”.
Câu chuyện văn hóa nhận trách nhiệm nêu trên đáng quý bao nhiêu, thì chúng ta không khỏi trăn trở về hiện trạng thói quen đổ lỗi, thái độ trốn tránh trách nhiệm của không ít quan chức các cấp trong bộ máy công quyền hiện nay. Có những vụ việc sai trái, thất bại chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, nhưng những người “cầm cân nảy mực” lại cố tình “đánh trống lảng” theo kiểu “đánh bùn sang ao” nhằm né tránh trách nhiệm của bản thân. Ký văn bản quy phạm pháp luật có lỗi sai thì bảo “do nhân viên đánh máy nhầm lẫn”; đá lát vỉa hè bị nứt nỡ thì cho rằng “do trời mưa nhiều nên đá tự giãn nở, tự vỡ”; hàng loạt nhân viên đăng kiểm “ăn tiền” của dân thì lại đổ một phần “do dân hối lộ làm hư cán bộ”...
Thời nay, “năng lực” né tránh trách nhiệm của một số quan chức đến mức “siêu đẳng” khi người trong cuộc biết tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân có lỗi, bị công luận phanh phui, phê phán thì họ cũng kịp thời “xin lỗi, nhận trách nhiệm, hứa khắc phục”, nhưng rồi có người nói đâu để đấy, nói rồi quên ngay. Ví như vấn đề quy hoạch treo, dự án treo diễn ra từ năm này đến năm khác, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ khiến người dân trong vùng quy hoạch vô cùng khổ sở, bức xúc. Đến mức một đại biểu Quốc hội từng than phiền: Quy hoạch treo nhiều năm là “treo” cuộc sống của dân; để việc của dân tồn đọng cũng là một thứ “nợ xấu”-một món nợ gây mất niềm tin của dân. Thế nhưng, khi tiếp xúc, đối thoại với dân, có quan chức vẫn “khéo léo quanh co” cho rằng, đó là lỗi do lịch sử để lại, do yếu tố khách quan nên mong bà con sẻ chia, thông cảm (!).
Lại nữa, khi có sai sót, khuyết điểm, thất bại gì trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, đối tượng hay bị cấp trên nhắc nhở, phê phán nhiều nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên ở vị trí cấp thấp và cấp cơ sở với những lời chê bai gần như mang tính định kiến, nào là: Trình độ, năng lực hạn chế; ý thức, trách nhiệm non kém; thiếu nhạy bén sáng tạo; thiếu kinh nghiệm, vốn sống... Nói thẳng ra, việc cấp trên chỉ đổ lỗi hoàn toàn cho cấp dưới khi thất bại, sai lầm là biểu hiện áp đặt chủ quan, đổ vấy trách nhiệm, mà không nhận thức thấu đáo rằng, trong cái thất bại, sai lầm ấy không thể không có một phần trách nhiệm của những người định hướng, dẫn dắt, đứng mũi chịu sào!
Theo các chuyên gia tâm lý, thói quen đổ lỗi không chỉ làm gia tăng mâu thuẫn nội bộ, rạn nứt các mối quan hệ hợp tác, mà còn làm giảm khả năng tự hoàn thiện của con người. Thói quen đổ lỗi thực chất là một thứ trốn tránh, vấy bỏ trách nhiệm của cán bộ, công chức-một biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và làm bào mòn, mọt ruỗng văn hóa tổ chức.
Dân gian có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Khi gặp thất bại gì, trước tiên người trong cuộc phải tự xem xét trách nhiệm của mình đến đâu, tự chịu trách nhiệm ở mức độ nào, rồi mới xem xét trách nhiệm của người khác. Thay vì “văn hóa đổ lỗi”, mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên cần thực hiện “văn hóa nhận lỗi” và “văn hóa học tập từ sai lầm” để tránh được những vết xe đổ của chính mình và người khác. Đó là dũng khí, bản lĩnh, trách nhiệm chính trị của những người “đầy tớ, công bộc” của dân. Phải tránh bằng được tư tưởng bàng quan, vô cảm khi quan niệm: “Mất mùa bởi tại thiên tai/ Được mùa bởi tại thiên tài... cấp trên”, hay thái độ ứng xử lạnh lùng: “Trăm tội đổ đầu nhà oản”!