Nhìn thấu ba tầng nhân cách để hiểu bản chất của bản thân
Nhân cách mỗi người đều có hai phần, giống vòng ngoài và vòng giữa trong hình dưới đây, tức nhân cách xã hội và nhân cách cái bóng, chúng cấu thành mô thức nhân cách của chúng ta.
Khi chúng ta đang nhận thức “tôi”, ở tầng vật chất, chúng ta sẽ coi “tôi” là phần từ da vào trong - tức thân thể chúng ta sở hữu. Ở tầng ý thức, “tôi” mà chúng ta nhận thức thường chỉ nhân cách của chúng ta. Nhân cách này do nhân cách xã hội vòng ngoài và nhân cách cái bóng vòng giữa cấu thành, chúng ta gọi nó là “nhân cách” hay “cái tôi”. Nhưng nhân cách có thể không ngừng thay đổi, ví dụ nhân cách khi bạn 16 tuổi và nhân cách hiện tại của bạn rất khác nhau, nếu bạn tự trưởng thành đủ nhanh, rất có thể nhân cách hai năm trước của bạn cũng khác nhiều nhân cách hiện tại.
Đương nhiên có rất nhiều người sau khi thành niên, hoàn toàn dừng tự trưởng thành và mở mang nhận thức, rất có thể mô thức nhân cách của họ khi về già không khác mấy so với năm mươi năm trước. Những người này ở xung quanh chúng ta, có lẽ là một người thân, hàng xóm… của bạn. Họ sẽ than thở về một chuyện xảy ra rất nhiều năm về trước, cùng một góc nhìn, cùng một cảm nhận, bao năm trôi qua vẫn kể mãi một phiên bản mà không thấy chán, chưa từng thay đổi. Những người này cả đời đều bị trói buộc trong cái tôi, chưa từng thực sự chạm vào con người thật của mình - hay bản thể.
Hãy nói về nhân cách của chúng ta trước, sau đó tôi sẽ nói đến bản thể.
Nhân cách của bạn là cách phản ứng được lựa chọn dựa vào hoàn cảnh trưởng thành trong quá khứ, đó là phương thức sinh tồn chúng ta lựa chọn trong một hoàn cảnh nhất định, nhưng vì nó theo bạn quá lâu, quá quen thuộc với bạn, loại mô thức này sẽ càng ngày càng bền chắc, rồi biến thành bối cảnh bạn quan sát thế giới hoặc bản thân. Loại bối cảnh này luôn đi theo chúng ta từ khi chúng ta có khả năng ghi nhớ, thậm chí chúng ta rất khó nhận ra nó.
Cũng giống như con cá sống trong nước, nó thậm chí không biết mình đang sống dưới nước, vì nó căn bản không ý thức được chuyện này, từ khi nó sinh ra, nước đã luôn bao quanh nó. Cá có thể quan sát cá tôm khác trong nước, cá có thị lực tốt hơn có lẽ còn nhìn thấy được một vài sinh vật phù du, tuy nhiên nó chỉ không thể ý thức được sự tồn tại của nước. Trừ phi có một ngày nó nhảy ra khỏi nước, khoảnh khắc rời khỏi nước, nó mới ý thức được: “A! Hóa ra trước đây mình luôn sống trong nước!”.
Nhưng nếu như con cá này chưa từng ra khỏi nước, nó có lẽ không bao giờ biết trên thế giới có thứ gọi là nước. Từ nhỏ đến lớn chúng ta xây dựng đủ loại hệ thống niềm tin, từ đó nhân cách của chúng ta được hình thành: Nên làm gì, không nên làm gì; đàn ông nên ra sao, phụ nữ nên thế nào; một người làm mẹ thì phải thế nào, làm bố thì nên thế nào…
Những quy tắc này đã luôn theo chúng ta từ khi chúng ta còn rất nhỏ, người nuôi dạy chúng ta và văn hóa xã hội cũng không ngừng làm cho nó mạnh hơn, dẫn đến việc chúng ta chưa bao giờ nhận ra những niềm tin này đã trói buộc chúng ta ra sao, thậm chí những niềm tin này làm thế nào tạo ra đủ loại vấn đề trong cuộc sống.
Tầng bên ngoài chính là nhân cách xã hội của chúng ta, hay còn gọi là tầng phòng hộ, nghĩa là dáng vẻ mà người nuôi dưỡng chúng ta và văn hóa, giá trị quan chủ đạo của tầng lớp xã hội chúng ta sống yêu cầu chúng ta thể hiện ra ngoài trong quá trình chúng ta trưởng thành.
Nói đơn giản hơn, đó là dáng vẻ người khác mong chúng ta trở thành, nếu chúng ta dần dần công nhận và nội hóa hệ thống niềm tin này, thì nó cũng sẽ biến thành dáng vẻ mà chúng ta mong muốn. Còn nhân cách cái bóng chính là đặc điểm bị trách mắng, bị phủ nhận, không được phép xuất hiện. […]
Những áp chế, phủ nhận, trách mắng từng là âm thanh đến từ bên ngoài, trong quá trình trưởng thành, những âm thanh đó dần dần được chúng ta nội hóa, trở thành một phần của cái tôi.
Khi chúng ta không muốn tiếp tục phản ứng tự động hóa và bị bánh xe số mệnh đè bẹp, khi bạn nhận ra mình không hề hiểu bản thân, hơn nữa những lúc kích động dám thừa nhận và đối mặt với chính mình, bạn mới thực sự bước lên hành trình tìm kiếm và thấu hiểu bản thân.
Từng có nhà tâm lý học và nhà sinh vật học cùng làm một thí nghiệm, họ tìm một vài con cá gai về nuôi. Cá gai là một loài có ý thức lãnh thổ rất mạnh, khi đám cá đực đến kì sinh sản thì cho cá cái vào bể, kết quả cá gai đực hành động rất điên cuồng, nó vừa cố gắng quyến rũ cá cái, vừa điên cuồng tấn công những con cá gai đực khác đến gần, sau đó lại đi quyến rũ cá cái… Cá gai đực bị hai loại nhu cầu bản năng “bảo vệ lãnh thổ” và “giao phối” giằng co đến gần như phát điên, vì vậy nó mới xuất hiện một loạt hành động nhìn có vẻ điên cuồng. Cá gai không có ý thức cái tôi độc lập, nó không thể dựa vào cái tôi để phán đoán và lựa chọn, tất cả lựa chọn của nó đều mang tính bản năng, là phản ứng tự động hóa.
Vì vậy nếu nói từ phương diện sâu xa hơn, cho dù cá gai sống trong bể cá cảnh hay trong biển, nó chưa từng có tự do thực sự, vì nó bị giam trong bản năng của bản thân, vĩnh viễn không thể làm việc ngoài bản năng.
Nếu cá gai có ý thức cái tôi của con người và có năng lực thể hiện ra ngoài - tự quan sát, tự trưởng thành, tự mở rộng, vậy thì cá gai đực sẽ có năng lực tự xem xét kĩ càng, tìm hiểu những hành động điên cuồng này, và khiến ý thức của mình tiến hóa, trở nên thông minh hơn để dung hòa hai loại nhu cầu xung đột của bản năng.
Tuy nhiên, dù là người hay cá gai, muốn làm được buộc phải có một tiền đề quan trọng - đủ hiểu mục đích hành động của mình, thậm chí là đủ hiểu suy nghĩ, tình cảm xuất hiện trong ý thức nội tại trước khi hành động.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa con người và động vật là con người có ý chí tự do, có năng lực suy nghĩ độc lập và đưa ra quyết định, còn động vật không có, động vật hành động dựa vào bản năng của chúng. Nhưng khi chúng ta không đủ hiểu bản thân thì sẽ bị kiểm soát bởi thói quen và mô thức bản thân mà mình chưa hề nhận ra, dẫn đến phản ứng mang tính tự động hóa. Thậm chí còn không biết đã lãng phí quyền tự do lựa chọn.
Vì không biết mình có cái gì, nên khi năng lực tự do lựa chọn của mình dần bị mài mòn, cũng không rõ bản thân đang đánh mất cái gì.