Nhìn từ 'Anh trai vượt ngàn chông gai': Công nghiệp văn hóa đi vào đời sống

Từ thành công của 'Anh trai vượt ngàn chông gai' và 'Anh trai say hi' cho thấy năng lượng sáng tạo, nhu cầu giải trí không hề nhỏ của các nghệ sĩ cũng như khán giả Việt. Hy vọng công nghiệp âm nhạc và giải trí Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước chuyển mà thành công của 2 concert này mới là bước đầu.

 Khán giả tham gia trò chơi tương tác mở "túi mù" phát hiện anh tài trên sân khấu concert "Anh trai vượt ngàn chông gai"

Khán giả tham gia trò chơi tương tác mở "túi mù" phát hiện anh tài trên sân khấu concert "Anh trai vượt ngàn chông gai"

Ước tính 40 ngàn người tham dự concert Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) tại Hà Nội đêm 14/12 cùng nhiều sự kiện bên lề diễn ra ban ngày. Mới tháng trước, Hà Nội cũng đón tiếp đội Anh trai say hi (ATSH) với hẳn 2 concert quy mô tương tự. ATSH đã làm 2 concert tại TPHCM, còn ATVNCG sẽ làm concert thứ hai tại đây vào tháng 3 năm sau. Hai chương trình với format có một số nét tương đồng thành công vượt bậc trong việc kích hoạt năng lượng sáng tạo của nghệ sĩ cùng nhu cầu giải trí trong khán giả. Đây là những nguyên liệu dồi dào để phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

"Quyền năng" của format

Nhiều khán giả ngoại tỉnh và từ cả nước ngoài đổ về concert ATVNCG tại Hà Nội. Có người đến "hiện trường" từ 7h sáng mong săn được tấm vé "thật", vì có hiện tượng lừa bán một vé cho nhiều người. Dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười: Bay hẳn từ thành phố khác, tới nơi thì không thể vào xem chương trình vì mã vé đã bị sử dụng rồi.

Chúng tôi nếu không tìm được các lối tắt chắc không thể vượt qua quãng đường hơn 30km trong gần 3 tiếng đến kịp giờ diễn. Ban Tổ chức nói muốn kiếm một bãi đất trống để dựng lên một điểm diễn đáp ứng yêu cầu tổ chức cũng như phục vụ khán giả tốt nhất. Nhưng không khó nhận ra đây là cú bắt tay hiệu quả với nhà cung cấp địa điểm nhằm tăng độ nhận diện cho khu đô thị mới này. Cũng giống như format chương trình đã giúp các anh tài nổi tiếng hơn hẳn trong thời gian ngắn.

Qua cách lựa chọn người chơi của chương trình, có thể thấy tài năng và chuyên môn chỉ là một phần. Format của ATVNCG dường như có thể kích hoạt được tình cảm yêu mến, hâm mộ của khán giả dành cho các anh tài thuộc bất cứ lĩnh vực nghề nghiệp nào. Miễn là khán giả nhìn thấy ở họ tinh thần cầu tiến và phấn đấu. Chứng kiến ngôi sao cũng phải "vượt khó" như bất kỳ ai khiến khán giả dễ dàng có sự đồng cảm gắn kết. Từ đó dẫn đến yêu thương hâm mộ không xa.

Sân khấu "Anh trai vượt ngàn chông gai"

Sân khấu "Anh trai vượt ngàn chông gai"

Có thể thấy format là một công cụ quyền năng làm nên quyền lực cho người nắm format. Vấn đề là quyền lực đó sẽ được vận dụng ra sao, đem lại những giá trị gì cho công chúng, cho xã hội bên cạnh kinh tế. Thực tế cho thấy khán giả không chỉ thần tượng ngôi sao trong chương trình mà còn hâm mộ chính bộ máy tạo sao. Bản thân chương trình cũng trở thành một loại thần tượng có sức hút riêng.

Tuy format có thể phù phép cho những tài năng ở các mức độ khác nhau đều trở thành sao trong một thời hạn nào đó, thì mỗi kỳ gameshow vẫn cần có những tài năng nổi trội làm nòng cốt. Và đến một lúc nào đó, tài năng sẽ không kịp sinh ra để đáp ứng nhịp độ sản xuất chương trình.

Mặt khác format hay đến đâu cũng chỉ đắc dụng trong một thời hạn nhất định. Khán giả luôn đòi hỏi món ăn mới và format cũng sẽ phải thay đổi. Tuy nhiên trong quá trình tiến hóa của gameshow ca nhạc nói chung từ Idol cho tới The Voice… có thể thấy kiểu format ATVNCG đạt tới một đỉnh cao mới. Từ màn ảnh nhỏ đã vươn ra chiếm lĩnh, làm biến đổi thị trường liveshow.

Ngoài việc cung cấp thêm cho thị trường một lực lượng nghệ sĩ đắt sô với một số kỹ năng vượt trội nhờ gameshow huấn luyện, sự thành công của concert hậu gameshow có thể cũng khiến các nhà tổ chức liveshow truyền thống phải nâng cấp quy trình sản xuất đáp ứng nhu cầu thực chất của khán giả. Vì thực tế cho thấy không ít liveshow (thường do ca sĩ tự đứng ra tổ chức) gần đây thay vì tiếp cận khán giả thật vẫn phải nhờ nhà tài trợ bao thầu vé. Giá vé xem concert đắt ngang ngửa liveshow hoặc hơn nhưng khán giả vẫn mua nườm nượm.

Kinh doanh văn hóa

Qua thực tế của những concert hậu gameshow có thể thấy công nghiệp văn hóa đi vào đời sống ở những hành động rất cụ thể. Khi người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền cho sản phẩm mà mình đã gắn bó do nảy sinh nhu cầu mãnh liệt được sở hữu, tiếp cận. Văn hóa nghệ thuật là vốn liếng, còn tình cảm của người hâm mộ chính là một loại tài nguyên. Hai tiềm lực này khi gặp được nhau sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế.

Trước đây khi thị trường nội địa chưa thể cung cấp những sản phẩm tầm cỡ quốc tế, một số khán giả phải ra nước ngoài xem concert dẫn đến "chảy máu nội tệ". Khi đời sống kinh tế và văn hóa trong nước phát triển hơn, chúng ta có thể ngồi tại chỗ để xem BlackPink hay tới đây cả Taylor Swift chưa biết chừng. Nhưng tiền vé vẫn chạy vào túi nhà tổ chức nước ngoài.

Hàng chục ngàn khán giả xem "Anh trai say hi" ở SVĐ Mỹ Đình

Hàng chục ngàn khán giả xem "Anh trai say hi" ở SVĐ Mỹ Đình

Tin vui là lúc này thị trường văn hóa trong nước bước đầu cho thấy sự lớn mạnh để tự cung tự cấp. Khán giả tiêu thụ các concert nội địa kèm theo niềm tự hào dân tộc. Điều này khiến cho các buổi hòa nhạc không chỉ được tiếp cận đơn thuần dưới góc độ giải trí, thỏa mãn nhu cầu tiếp cận thần tượng nội địa. Mà còn là dịp để ôn lại các bài học lịch sử, tái khám phá kho tàng văn hóa truyền thống đang bị mai một nhờ kết hợp và sáng tạo trên các chất liệu âm nhạc nổi bật qua các thời kỳ lịch sử.

Bà Ngô Thị Vân Hạnh - người đứng sau chương trình ATVNCG - cho hay format gốc của Mango TV (Trung Quốc) đã quá hay và xúc động nên nhà tổ chức chủ yếu chỉ Việt hóa bằng cách đưa yếu tố văn hóa Việt Nam vào. Hiệu quả thấy ngay. Do vận dụng đủ các phong cách âm nhạc trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, ATVNCG trở thành một gameshow ca nhạc hiếm hoi mà gia đình có thể cùng xem. Qua đó làm nên sự gắn kết thế hệ ngoạn mục.

Trong kinh doanh văn hóa, địa hạt tinh thần luôn tác động tới vật chất và ngược lại. Cụ thể khi có nhiều độ tuổi cùng xem chương trình thì cũng là dịp để nhà tài trợ thông qua chương trình tiếp cận được tệp khách phong phú, giàu tiềm năng hơn. Dẫn tới chương trình đắt sô quảng cáo hơn…

Những người đi đầu bao giờ cũng dễ gặt hái thành công hơn. Hiện có hai tập đoàn giải trí lớn cùng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất gameshow kèm concert. Và tương lai thuận theo tiến trình phát triển, họ sẽ kiêm luôn lĩnh vực quản lý nghệ sĩ - những sản phẩm mà chính họ góp phần tạo ra. Nhiều khả năng họ sẽ mở rộng sang cả đào tạo tài năng trẻ- khắc phục tình trạng khan hiếm nguyên liệu cho gameshow. Công nghiệp âm nhạc và giải trí Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước chuyển mà thành công của ATVNCG hay ATSH mới là bước đầu.

Có lẽ chỉ có văn hóa mới có khả năng đặc biệt khiến khách hàng tiêu tiền một cách tự nguyện và sung sướng đến vậy. Có những người sẵn sàng gửi 500 triệu đến 1 tỉ vào ngân hàng tài trợ. Đơn giản đó là cách để họ có được tấm vé vào xem concert. Khi khán giả phải di chuyển một quãng đường dài hơn bình thường, tất nhiên các dịch vụ vận tải, lưu trú, du lịch… cũng được hưởng lợi.

Nguyễn Mạnh Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhin-tu-anh-trai-vuot-ngan-chong-gai-cong-nghiep-van-hoa-di-vao-doi-song-20241216120157219.htm