Nhìn từ 'cơn sốt' phim hoạt hình Na Tra

Từ cơn sốt phim hoạt hình 'Na Tra', một số đạo diễn cho rằng, với bề dày văn hóa truyền thống, nhân vật trong lịch sử, truyền thuyết dân gian lên phim... chúng ta có nhiều tiềm năng để phát triển thành tác phẩm lớn, chinh phục không chỉ khán giả trong nước.

Một cảnh trong phim hoạt hình "Wolfoo và hòn đảo kỳ bí".

Một cảnh trong phim hoạt hình "Wolfoo và hòn đảo kỳ bí".

Những ngày qua, người ta nhắc nhiều đến bộ phim hoạt hình bom tấn “Na Tra 2” bởi nó đã lập kỷ lục, trở thành bộ phim điện ảnh và phim hoạt hình đầu tiên của Trung Quốc đạt doanh thu trên 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,3 tỷ USD). Với doanh thu này, “Na Tra 2” đã vượt qua nhiều bom tấn Hollywood, trở thành phim châu Á duy nhất trong danh sách 20 tác phẩm ăn khách nhất thế giới.

Giới chuyên môn nhận định, bộ phim có nhiều điểm thu hút, nổi bật, cuốn hút cả người lớn và trẻ em. Na Tra: Ma đồng náo hải được xây dựng nối tiếp nội dung phần 1 được sản xuất vào năm 2019. Phim kết hợp yếu tố thần thoại với những trận chiến căng thẳng, và không thiếu loạt khoảnh khắc hài hước, vui tươi dễ lấy lòng khán giả.

Ngoài ra, phần kỹ xảo cũng là điểm sáng của “Na Tra 2” khi nhà làm phim tập trung vào trải nghiệm thị giác của người xem với 1.900 cảnh quay sống động. Theo thông tin từ đoàn làm phim, họ đã sử dụng 800 máy tính để tạo ra 180.000 khung hình đầy ấn tượng, khiến người xem thực sự choáng ngợp.

Từ “cơn sốt” của “Na Tra 2”, nhiều ý kiến cho rằng, với bề dày văn hóa truyền thống, nhân vật trong lịch sử, truyền thuyết dân gian lên phim... chúng ta có nhiều tiềm năng để phát triển thành tác phẩm lớn, chinh phục không chỉ khán giả trong nước. Bằng chứng là chúng ta đã có những tín hiệu tích cực từ bộ phim “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” thu về hơn 5 tỷ đồng hay các dự án như “Chiến binh gốm - Blank Blank” và “Truyền thuyết Kim Ngưu” cũng thu hút được sự chú ý của một bộ phận khán giả, nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ so với tiềm năng.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để một tác phẩm điện ảnh khai thác chất liệu từ văn hóa truyền thống và truyền thuyết dân gian thành công, vừa giữ được bản sắc vừa chinh phục khán giả cần hội tụ nhiều yếu tố quan trọng. Trong đó, câu chuyện phải mang tinh thần dân tộc nhưng có giá trị phổ quát. Những truyền thuyết, nhân vật lịch sử không chỉ là câu chuyện của riêng một dân tộc mà còn phải chạm đến những cảm xúc, thông điệp mà khán giả toàn cầu có thể đồng cảm. Chẳng hạn, các chủ đề về lòng dũng cảm, sự hy sinh, tình yêu, công lý hay hành trình trưởng thành đều có thể trở thành cầu nối để văn hóa Việt Nam bước ra thế giới.

“Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhân vật là vô cùng quan trọng. Những hình tượng mang tính biểu tượng, có chiều sâu tâm lý, có xung đột nội tâm mạnh mẽ sẽ khiến khán giả bị cuốn hút. Ví dụ, Thánh Gióng không chỉ là biểu tượng của sức mạnh dân tộc mà còn là câu chuyện về sự trỗi dậy của tinh thần chống ngoại xâm. Hay như Chử Đồng Tử, không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà còn là hành trình tìm kiếm trí tuệ và sự khai sáng” – ông Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, yếu tố hình ảnh và nghệ thuật kể chuyện phải được đầu tư kỹ lưỡng. Việc tái hiện thế giới truyền thuyết, lịch sử với sự sáng tạo và đột phá về mặt thị giác sẽ giúp tác phẩm trở nên hấp dẫn. Nếu chúng ta có thể kết hợp giữa phong cách nghệ thuật truyền thống với kỹ thuật điện ảnh hiện đại, chắc chắn tác phẩm sẽ vừa giữ được hồn cốt văn hóa, vừa có sức hút với khán giả quốc tế.

Bên cạnh đó, yếu tố sáng tạo trong bối cảnh, trang phục, kỹ xảo cũng là một thử thách. Điện ảnh hiện đại cần sự đột phá về hình ảnh để tạo sức hút. Đạo diễn Nguyễn Quang Trung - giảng viên khoa Thiết kế mỹ thuật (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), cho rằng để làm một bộ phim hoạt hình, phải đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn như hình ảnh, âm thanh, tiếng động. Kịch bản phải được xây dựng hấp dẫn nhất, tạo hình nhân vật phải được thiết kế tỉ mỉ nhất, diễn xuất phải sinh động nhất, kỹ xảo phải bắt mắt nhất… Tất cả các công đoạn này đều đòi hỏi công sức, tiền bạc, thời gian và sự sáng tạo không ngừng.

Phim hoạt hình không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là sản phẩm của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Ngoài việc đầu tư về con người thì đầu tư về cơ sở vật chất cũng là một khoản đầu tư rất lớn. Đây là một khó khăn đối với những nhà làm phim khi muốn đưa phim ra rạp - đạo diễn Nguyễn Quang Trung nói.

Ngọc Hoa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhin-tu-con-sot-phim-hoat-hinh-na-tra-10300479.html