Nhìn từ Show BlackPink, ngành công nghiệp giải trí phải đổi mới để không bị 'chậm chân'
Qua một sự kiện âm nhạc như show BlackPink, theo nhiều chuyên gia, chúng ta nên đầu tư phát triển công nghiệp giải trí ở Việt Nam, phải tạo ra được những 'làn sóng' vượt ra ngoài quốc gia.
Hàn Quốc là một trong những nước có nền công nghiệp giải trí phát triển. Các sao Hàn được xây dựng chuyên nghiệp, có tầm ảnh hưởng lớn. Chỉ riêng các nhóm nhạc K-pop hằng năm đã tạo ra trung bình khoảng 10 tỉ USD (236.000 tỉ đồng) cho đất nước. Đó là chưa kể công nghiệp điện ảnh phát triển vượt bậc với doanh thu lớn.
Ngoài ra, công nghiệp giải trí còn góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước Hàn Quốc, thúc đẩy phát triển du lịch, tiếp thị các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm và dịch vụ khác. Nhìn từ Hàn Quốc, hiệu ứng lan tỏa của công nghiệp giải trí rất lớn, rõ ràng đây là một ngành công nghiệp rất quan trọng và có thể thúc đẩy nền kinh tế của nước ta phát triển.
Từ thập niên 90, làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc) bắt đầu nở rộ với sự phủ sóng của phim truyền hình (Kdrama) và âm nhạc Hàn Quốc (Kpop). Đến nay, K-pop đã trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, có vai trò quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Năm 2021, tờ Billboard công bố nhóm nhạc BTS là một trong 5 ngôi sao âm nhạc kiếm nhiều tiền nhất thế giới với doanh thu khoảng 30 triệu USD.
Viện Văn hóa và du lịch Hàn Quốc ước tính, nhóm nhạc BTS có thể thu về lợi nhuận từ 700 tỷ Won (hơn 12 nghìn tỷ đồng) đến hơn 1.000 tỷ Won (17 nghìn tỷ đồng) với mỗi buổi hòa nhạc được tổ chức sau đại dịch Covid-19. Chuyến lưu diễn toàn cầu của BTS mang tên BTS World Tour: Love Yourself bắt đầu vào tháng 8/2018 tại Hàn Quốc và kết thúc vào tháng 10/2019, gồm 62 buổi diễn ở 14 quốc gia. Đây được coi là tour diễn lớn nhất mọi thời đại của ngành công nghiệp K-pop.
Tháng 4 vừa rồi, truyền thông quốc tế thừa nhận, tour lưu diễn vòng quanh thế giới Born Pink của nhóm nhạc BlackPink trở thành chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất của một nhóm nữ trong lịch sử, vượt qua các nhóm nhạc nữ huyền thoại như Spice Girls, TLC và Destiny's Child. Đằng sau những nhóm nhạc thần tượng đình đám xứ kim chi chính là một cỗ máy được vận hành một cách chuyên nghiệp.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng từng chia sẻ: “Ngành công nghiệp giải trí này đã thật sự trở thành ‘con gà đẻ trứng vàng’ không chỉ cho những người làm nghề giải trí, mà còn cho cả nền kinh tế của Hàn Quốc. Nó cũng hoàn toàn có thể trở thành một ‘con gà đẻ trứng vàng’ như vậy cho những người làm nghề giải trí và nền kinh tế của Việt Nam khi chúng ta không nghĩ đó là chuyện chỉ để giải trí…”.
Do sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp giải trí cũng như sự tiếp cận dễ dàng trên mạng xã hội, không riêng gì Việt Nam, nhiều nước châu Á, văn hóa thần tượng phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là các ngôi sao Hàn. Với thời buổi công nghệ thông tin phát triển, việc cập nhật thông tin trên toàn thế giới không còn khoảng cách. 2 đêm biểu diễn “bùng nổ” của BlackPink vừa qua cho thấy, không phải vô cớ mà hàng vạn người lại phát cuồng vì 4 cô gái này. Nhiều người trẻ cho rằng, đêm nhạc thật đáng “đồng tiền bát gạo”, xứng đáng với số tiền bỏ ra, thổn thức chờ đợi và cùng được “cháy hết mình” với thần tượng...
Không ít người chỉ trích giới trẻ nhí nhố, chạy theo thị hiếu tầm thường. Tuy nhiên, người trẻ có những tiếp cận riêng về giá trị thẩm mỹ. Qua một sự kiện âm nhạc, có lẽ cần ngẫm xem, chúng ta sẽ phải làm gì, đầu tư ra sao để tạo ra những làn sóng, vượt ra bên ngoài khuôn khổ quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Sự hiện diện của BlackPink tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý của cả quốc tế. Đây cũng là cơ hội giới thiệu hình ảnh Việt Nam, đồng thời có thể tận dụng để nâng cao ngành công nghiệp giải trí nước nhà và phát triển du lịch.
Trong một chia sẻ mới đây, ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa – giải trí góp phần khẳng định vị thế của ngành văn hóa, xây dựng một hình ảnh tích cực và thu hút thêm lượt khách du lịch, giúp nâng cao hình ảnh quốc tế của Việt Nam.
Do vậy, theo ông Sơn, để phát huy sức mạnh kinh tế của nghệ thuật và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới, Nhà nước cần chú trọng hơn nữa đến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng văn hóa và giáo dục nghệ thuật, cung cấp sự hỗ trợ và tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo.
Vài năm gần đây, ngành công nghiệp giải trí của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Có thể kể đến như show truyền hình âm nhạc “Ca sĩ giấu mặt” đã vượt mốc 230 triệu lượt xem trong 2 tháng phát sóng. Phim điện ảnh “Nhà Bà Nữ” cũng mang về doanh thu gần 19,6 triệu USD (460 tỷ đồng) sau chưa đầy một tháng. Hoặc như nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã thu hút hàng triệu người theo dõi và hàng tỷ lượt xem chỉ tính riêng trên YouTube.
Sự hợp tác giữa ca sĩ Sơn Tùng M-TP cùng rapper Snoop Dogg trong MV “Hãy Trao Cho Anh” được phát hành năm 2019, đã “gây bão” tại thời điểm phát sóng, tạo ấn tượng tốt với không chỉ khán giả Việt Nam mà cả quốc tế. Việc hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế, hãng phim nước ngoài cũng có thể giúp ngành giải trí Việt Nam quảng bá và tiếp cận các thị trường mới.
Văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng là những phương tiện quảng bá du lịch, đất nước hiệu quả nhất. Vậy nên, cần thiết có “đòn bẩy văn hóa” để quảng bá du lịch. Thực tế, ngành công nghiệp giải trí nước ta có nhiều tiềm năng phát triển, do đó cũng cần thay đổi, "làm mới mình", tạo ra những nội dung chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người xem. Chỉ bằng cách đổi mới, ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí ở Việt Nam mới có thể duy trì tính cạnh tranh và không bị lỗi nhịp, "chậm chân" trong bối cảnh thị trường giải trí toàn cầu biến đổi không ngừng.