Nhìn từ vụ sập trần chung cư Meco Complex: Lộ lỗ hổng quản lý
Thông thường, nói đến sự cố sập trần hay sập nhà, người ta nghĩ ngay đến khu tập thể xập xệ, cơi nới quá mức hay công trình xây dựng đang thi công nhưng không bảo đảm yếu tố an toàn. Thế nên, sự cố sập trần ở chung cư hiện đại, mới đưa vào vận hành được khoảng 7 năm - Meco Complex (ngõ 102 Trường Chinh, phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) khiến nhiều người bất ngờ.
Cháy nhà mới ra mặt chuột
Theo một người dân ở gần chung cư Meco Complex, việc cơi nới tinh vi của chủ đầu tư thì chỉ cơ quan chức năng mới biết, giấy phép ra sao, thiết kế, công năng từng hạng mục thế nào, người dân thường không thể nhận biết được vì đây là chung cư hiện đại, không phải khu tập thể cũ hay chung cư kiểu cũ. “Những phần cơi nới, chúng tôi dân thường nhìn cứ tưởng đó là thiết kế của tòa nhà, vì trông nó cũng nghệ thuật, chứ không phải như cái “chuồng cọp” thường thấy ở khu tập thể cũ. Nay cháy nhà mới ra mặt chuột” – người dân này bộc bạch. Còn một số cư dân tại tòa nhà này cho hay, sau khi xảy ra sự việc, họ vào bên trong nơi xảy ra sự cố thì thấy có khoảng 10m2 mặt sàn được cơi nới bằng tấm nhựa alu, tại đây cũng không có biển cảnh báo mà còn chất nhiều hàng hóa, nguy hiểm.
Thế nhưng, trả lời xoay quanh sự cố này, lãnh đạo UBND phường Phương Mai cho hay, qua làm việc với đại diện chủ đầu tư, Công ty CP Cơ điện và xây dựng Việt Nam cho biết, nơi xảy ra vụ việc là khu vực phần mái che sảnh văn phòng được lắp đặt theo hồ sơ thiết kế được duyệt của tòa nhà. Diện tích này không nằm trong diện tích mặt bằng mà bên công ty thuê được phép sử dụng. Trao đổi về phản hồi này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, giải thích này mang tính chất bao biện, vì nếu không nằm trong diện tích thuê thì không được phép mở thông cửa ra khu vực này, nhất là khi không có lan can lẫn biển cảnh báo ở đó.
Tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, dự án chung cư Meco Complex, ngay từ tháng 6/2009 đã bị UBND quận Đống Đa ra Quyết định xử phạt 30 triệu đồng vì hành vi xây dựng khu nhà vườn không giấy phép và bị dừng thi công trong 2 năm. Tiếp đến tháng 11/2011, dự án được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng mới nhưng tháng 4/2014 Thanh tra Bộ Xây dựng lại phát hiện dự án này (sau hơn một năm đưa vào vận hành) xây dựng sai giấy phép được cấp và phạt 40 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ các hạng mục xây dựng sai phép trong thời hạn 60 ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế. 7 tháng sau đó, ngày 21/11/2014, Thanh tra Sở Xây dựng cùng Đội Thanh tra xây dựng quận Đống Đa cũng đã tiến hành kiểm tra hoạt động xây dựng tại tòa nhà HH1 và HH2 của dự án này và ghi nhận những sai phạm vẫn chưa được khắc phục, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, tại tầng kỹ thuật mái của tòa nhà HH1, chủ đầu tư đã xây ngăn thành 9 phòng xen kẽ với phòng kỹ thuật, chiều cao tầng kỹ thuật mái cao khoảng 5m. Tại tầng kỹ thuật của tòa nhà HH2, chủ đầu tư xây ngăn thành phòng và cho đơn vị SS Club thuê mở phòng tập thể hình, tầng kỹ thuật mái được chủ đầu tư xây ngăn thành 14 phòng, vách kính. Trên mái của tòa nhà, chủ đầu tư xây 1 phòng có diện tích 120m2, lợp mái tôn, cao khoảng 7m…
Báo động đỏ
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị xoay quanh vấn đề này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, chỉ trong vòng 10 năm (3/2011 - 3/2021) trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra tới 5 vụ liên quan đến sập nhà, dù là lý do gì thì cũng không còn là vấn đề nhỏ trong quản lý đô thị hiện nay. Vụ sập nhà 5 tầng ở số 49 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa do chủ nhà sửa, cơi nới khiến ngôi nhà bị lệnh tâm; sập nhà cổ tại 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm khiến 8 người thương vong do cũ nát; sập nhà 43 Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, khiến 2 người tử vong do nhà bên cạnh thi công xây dựng, trong khi ngôi nhà này xây dựng từ những năm 80 thế kỷ trước, móng hầu như không có; sập nhà 3 tầng khiến 2 cháu bé tử vong ở tổ 51 phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng do nổ bình gas và vụ sập trần ở chung cư Meco Complex vừa qua là thứ 5.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, sự cố sập trần nhà tại chung cư Meco Complex không dừng lại ở hồi chuông cảnh tỉnh mà là báo động đỏ về công tác quản lý xây dựng đô thị, chất lượng các công trình xây dựng nhà ở tại Hà Nội. Bởi lẽ, Hà Nội bây giờ chung cư cao tầng nhiều, càng về sau này các công trình được thiết kế, xây dựng cao cấp, hiện đại và tiện ích hơn, thế nhưng cũng chính vì lý do này mà người dân trong khu vực khó đồng hành cùng chính quyền để giám sát những sai phạm về thiết kế, về công năng sử dụng của các hạng mục trong tòa nhà không như trong hồ sơ được cấp phép. Sai phạm tinh vi của chủ đầu tư, chỉ có cư dân hiểu chuyện, trách nhiệm mới phát hiện ra và lên tiếng nhưng thực tế, có dự án cư dân lên tiếng, kiến nghị mãi sự việc cũng không đi đến hồi kết.
Đồng quan điểm trên, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật & Kinh tế ASEAN Lê Văn Hợp cho rằng, để xảy ra sai phạm, lỗi lớn là trách nhiệm vẫn nằm ở quản lý Nhà nước. "Có thể những cán bộ quản lý Nhà nước có hành vi tiêu cực trong quản lý, khi kiểm tra thì thấy nhưng xử lý dễ dãi, bỏ qua, tiếp tay cho sai phạm, dần dần dẫn đến tình trạng sai phạm tràn lan" - ông Lê Văn Hợp nói và đề nghị, đối với những công trình sai phạm quá mức, ảnh hưởng đến thiết kế, công năng, độ an toàn của tòa nhà, của người dân, tạo áp lực cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... trong khu vực, nhất định phải cương quyết xử lý, không nhân nhượng thì mới hạn chế được hậu quả về sau.
"Chất lượng công trình xây dựng đạt đến đâu là do con người kiểm soát, quyết định. Hành lang pháp lý để quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đến nay chưa thực sự hoàn thiện nhưng vẫn đủ để chúng ta xây dựng các công trình bền vững đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đặt ra (kể cả hợp tác quốc tế). Vấn đề nằm ở chỗ, những cơ quan và cá nhân có trách nhiệm đã tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn kỹ thuật khi khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu... các công trình đó hay không. Sự thực, nhiều khi người ta (chẳng hạn như nhiều chủ đầu tư) chỉ coi “bên B là chùm khế ngọt”, không làm hết trách nhiệm nên dẫn tới chất lượng công trình có vấn đề." - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật & Kinh tế ASEAN Lê Văn Hợp
"Nguyên nhân xảy ra những vụ sập công trình trên đều cho thấy sự chủ quan của chủ nhà, chủ đầu tư; sự thiếu trách nhiệm trong giám sát xây dựng của cơ quan quản lý Nhà nước và sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương nên đã dẫn tới những hậu quả đau lòng." - GS.TSKH Đặng Hùng Võ