'Nhìn và Cảm nhận': Đọc sách...

Trên báo chí, mạng xã hội từng khen nức nở về một cháu bé 10 tuổi 'mê' đọc sách triết học, trước tác của các nhà tư tưởng, coi cháu như một…thần đồng. Ở chiều khác, không ít người lại ỉ eo, mỉa mai rằng là không có gì mà ầm ĩ, ngoài việc khoe mẽ con cái...

Công bằng mà xét thì một đứa trẻ 10 tuổi có đọc trước tác của các nhà tư tưởng cũng là chuyện bình thường, không phải là thần đồng, không phải là thiên tài gì cả.

Nhà báo Tô Phán

Đọc sách là để rèn luyện tư duy, giúp ta mở ra chân trời mới. Nhưng không có nghĩa là ai đọc sách cũng là thiên tài hay trở thành thiên tài. Đọc sách gì, đọc ra sao và tiêu hóa những gì đã đọc lại là chuyện khác nhau vì nó liên quan đến cái duyên với sách, duyên với cuộc sống. Lựa chọn sau này trên đường đời phụ thuộc vào năng lực và bản lĩnh của mỗi người chứ không phụ thuộc vào mớ kiến thức sách vở - mặc dù đọc sách có khi đã đặt cho chúng ta nền móng ban đầu để sống có sắc thái nào đó.

Muốn đọc sách nhưng không có sách

Ngày còn nhỏ, khi đã biết chữ tôi rất thích đọc, nhưng gần chục năm sơ tán về làng quê thì chẳng có gì để đọc ngoài thế giới vừa đơn điệu vừa mênh mang của vùng nông thôn Bắc bộ. Thời ấy làm gì có internet, làm gì có nhiều thứ để đọc, để xem, để chọn lựa như bây giờ, nhưng khao khát hiểu biết thế giới rộng lớn bên ngoài thì không hề thiếu.

Phim ảnh thì vài ba tháng mới có đoàn chiếu phim lưu động về làng, chiếu 2 đến 3 suất vào buổi tối ở sân kho hợp tác xã, và chỉ nhõn có "phim màn ảnh rộng chiến đấu" của Liên Xô, Trung Quốc. Thời điểm đó phim chiến đấu của Liên Xô, Trung Quốc là cánh cửa duy nhất để lứa trẻ chúng tôi biết thêm một chút về thế giới bao la.

Mỗi lần đoàn chiếu phim lưu động về là làng như mở hội. Bọn trẻ chúng tôi ăn cơm sớm hoặc nhịn đói, từ cuối giờ chiều kéo nhau chui vào nằm nín thở trong đống rơm to tướng như mái nhà ở sân kho hợp tác xã khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ để trốn vé, đến khi người có vé vào đông mới nhẹ nhàng chui ra. Mỗi tối chiếu phim là mấy lần sân kho hợp tác xã nhốn nháo, loạn xạ vì tiếng la hét vừa hốt hoảng vừa thích thú của các cô gái đến tuổi cập kê khi bị các chàng thanh niên sờ vào ...chiếc quần phíp (một loại quần dài của phụ nữ tương đương với quần lụa thời đó)! Đội chiếu phim phải dừng chiếu để dân quân xã vãn hồi trật tự bằng cách rất độc đáo: xua đàn ông ngồi một bên, phụ nữ ngồi một bên. Thế nhưng phim vừa chiếu tiếp đến đoạn chiến sĩ hồng quân Liên Xô phóng ngựa như bay, bắn xối xả vào lũ bạch vệ, hoặc cảnh anh lính hồng quân cầm tay một cô gái di gan mắt nhìn đắm đuối, thì trong sân kho lại vang lên tiếng hét của vài cô gái... Đèn bật sáng, trên sân hai bên đàn ông và phụ nữ đã hòa vào nhau lúc nào không biết.

Mãi sau này tôi mới hiểu tại sao đàn ông lại làm thế ở sân chiếu phim, và vì sao dù la hét nhưng các cô gái vẫn không muốn ngồi tách ra khỏi các chàng trai khi xem phim. Có những thứ phải đủ tuổi mới hiểu được, dù… muốn đọc hoặc đã đọc sách rất sớm.

"Văn hóa đọc"- khái niệm bây giờ mới có

Năm 1973, khi gia đình từ nơi sơ tán về thị xã ở thì tôi mới được tiếp cận với sách của thư viện thị xã và thư viện tỉnh. Chẳng ai hướng dẫn đọc gì, đọc thế nào. Lúc đó không có khái niệm "văn hóa đọc" sang trọng và kêu như chuông giống bây giờ. Cho nên thấy cuốn nào tôi vớ luôn cuốn đó đọc ngấu nghiến mà hầu như chẳng hiểu gì.

Nó giống như nhiều người ngày nay đọc kinh phiên âm từ chữ Phạn (cổ ngữ của Ấn Độ) tràng giang đại hải mà chẳng hiểu gì. Đông tây kim cổ, từ tiểu thuyết đến thơ ca, từ tác phẩm văn học của Trung Quốc, Nga, đến Pháp, Anh..., vớ được gì ở thư viện, tôi đọc tất. Rồi ra vẻ ta đây, tôi "đánh chiếm" sang cả sách triết học, phê bình văn học, rồi mỹ học, thần học... Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), tôi cũng nghiền một cách rất chi là nghiêm túc, nhưng thực chất chẳng hiểu gì. Nó như một loại phản ứng vì thích đọc, và đọc chỉ để mà đọc thôi.

Mỗi lần tôi đến thư viện thị xã và thư viện tỉnh như một kẻ nghiện một thứ vừa mơ hồ vừa xa lạ với cuộc sống nghèo khó và lầm lũi của nhiều gia đình thời ấy. Trong khi người khác tất bật lo cơm áo gạo tiền, tôi lại tìm thấy sự hấp dẫn qua những trang sách, nơi mở ra những thế giới diệu kỳ và mơ hồ so với hiện thực khắc nghiệt.

Ngày ấy, tôi đến thư viện lặng lẽ, âm thầm nhưng vẻ mặt lại ánh lên sự kiêu hãnh rằng mình là kẻ "nghiện sách". Mượn sách xong, tôi cẩn thận nhét vào cặp, tránh ánh nhìn tò mò của những người xung quanh, nhưng lại muốn người khác thấy mình toàn mượn những cuốn sách dày và quan trọng, kiểu như sách triết học, sách về tư tưởng này tư tưởng nọ. Tối đến, tôi trùm chăn kín mít, cố giấu cuốn sách bên dưới lớp chăn để bố vẫn nghĩ rằng tôi đang nghiêm túc... học bài, nhưng trong lòng lại muốn bố nhìn thấy tôi đang đọc cuốn sách có nội dung rất cao siêu.

Hiểu hết những gì sách viết hay không, không quan trọng. Đọc sách với tôi giống như được thưởng thức một món ăn tinh thần đặc biệt

Nhà báo Tô Phán

Hiểu hết những gì sách viết hay không, không quan trọng. Đọc sách với tôi giống như được thưởng thức một món ăn tinh thần đặc biệt – một thứ vừa xa lạ, vừa mông lung, nhưng lại trở thành thói quen không thể bỏ. Tôi đọc sách và mê mải với những câu chuyện huyền diệu, đến mức ảo tưởng rằng mình sẽ trở thành một nhà văn lớn, được nhiều người ngưỡng mộ. Đêm khuya, sau những lần đọc say sưa, tôi dậy hí hoáy viết những đoạn văn mô phỏng theo những gì mình vừa đọc. Những ý tưởng trong sách, những cảm xúc mới mẻ ấy, tôi ghi lại với niềm tự hào ngây ngô rằng đó là sáng tác của mình. Những trang viết vụng về và ngây ngô đó được tôi nâng niu, cất giữ như tài sản quý giá.

Những cuốn sách ấy không chỉ nuôi dưỡng trí tưởng tượng, mà còn gieo vào lòng tôi những khao khát. Những đoạn văn vụng về và ngây ngô tôi viết ra khi ấy là bằng chứng cho khát khao được sáng tạo.

Chỉ đến khi học lớp 10 ( lớp 12 bây giờ) tôi mới hiểu vỡ vạc một chút xíu những gì đã đọc. Và chỉ đến khi vào học khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), được các thầy cô giảng, tôi lên thư viện trường mượn đọc lại những cuốn sách đã từng đọc ở quê nhà, thì cũng mới chỉ vỡ vạc thêm chút xíu nữa...

Dù sau này có lớn lên, trưởng thành, cuộc sống cuốn vào những vòng xoay mệt mỏi, nhưng với tôi đọc sách đã trở thành thói quen không thể bỏ. Và cũng như ngày xưa, nhiều khi tôi đọc để mà đọc.

Trước đây, khi bước vào tuổi trưởng thành, tôi biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ trở thành nhà văn lớn như đã từng ảo tưởng, và trong một đêm đông lạnh buốt giữa sân cơ quan đã đốt hết những bản thảo viết tay về những thứ ngây ngô nhưng trong vắt. Nhưng điều đó không quan trọng nữa. Bởi mỗi lần cầm một cuốn sách trên tay, tôi lại thấy lòng mình dịu lại, như được trở về với chính mình của những năm tháng ngây ngô, đầy mơ mộng.

Đọc sách là một nhu cầu tự nhiên...

Cuộc đời dù ở lứa tuổi nào cũng rất cần những giây phút mơ mộng – nó như thứ gia giảm cần phải có để cân bằng nhưng cũng đầy sắc thái của cuộc chơi đời người.

Nói thế để thấy rằng đọc sách là một nhu cầu tự nhiên, mặc dù nhiều khi chẳng hiểu gì. Có những cuốn sách mình đã đọc mà cả chục năm sau, thậm chí vài chục năm sau mới hiểu về nó phần nào.

Cho nên một cháu bé 10 tuổi có đọc sách triết học, đọc trước tác của các nhà tư tưởng cũng là chuyện bình thường, là "Chuyện thường ngày ở huyện" (tên một cuốn truyện của Liên Xô mà tôi đã đọc từ nhỏ), chứ không phải là thần đồng, không phải là thiên tài gì cả. Cũng vì thế mà không nên ỉ eo, mỉa mai hoặc ca ngợi như thần đồng.

Việc ca ngợi hay mỉa mai một cách thái quá về việc một đứa trẻ đọc sách đều không nên, bởi điều đó có thể khiến chúng tự mãn hoặc chùn bước. Đó là sự tàn nhẫn – dù là vô tình hay hữu ý.

Vậy nên, đọc sách là một thói quen cần được trân trọng, nhưng cũng nên nhìn nhận một cách đúng mức. Sách không phải là chìa khóa thần kỳ biến mọi người thành thiên tài, mà chỉ là một phần trong quá trình rèn luyện tư duy, sau này tư duy như thế nào lại là chuyện hoàn toàn khác.

Tô Phán

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhin-va-cam-nhan-doc-sach-179250109101929382.htm