'Nhìn và Cảm nhận': Giá trị thực sự của mỗi người ở đâu?
Con người ai cũng có giá trị. Giá trị của mỗi người có được từ tự thân hay là có được từ rèn luyện và cả từ vị thế, chức vụ... Nhưng bạn đã sử dụng những giá trị đó thế nào?
Nhà báo TÔ PHÁN
Mỗi vật thể hiện diện trên thế gian này đều mang trong mình một giá trị riêng. Con người, với tư cách là trung tâm của cuộc sống, không ngoại lệ. Giá trị của mỗi người được hình thành từ ba nguồn chính: giá trị tự thân, giá trị từ rèn luyện, và giá trị từ vị thế, chức vụ hay quyền lực. Trong đó, giá trị tự thân và giá trị từ rèn luyện đóng vai trò quan trọng nhất, bởi chúng là những giá trị thực chất và bền vững.
Giá trị tự thân như sức khỏe, tài năng, thông minh, xinh đẹp... Giá trị có được từ rèn luyện , học tập (con người xã hội) đó là năng lực trong công việc, lòng khoan dung, thái độ quan tâm đến người khác, yêu thương gia đình, có hiếu với bố mẹ, có trách nhiệm với cộng đồng, yêu quê hương đất nước... Giá trị có từ vị thế, chức vụ, quyền lực là có thẩm quyền đem lại lợi ích vật chất và tinh thần cho người khác...
Giá trị tự thânlà những gì mà con người sở hữu ngay từ khi sinh ra. Đó là sức khỏe, vẻ đẹp, trí thông minh, và tài năng tự nhiên. Một người có sức khỏe tốt có thể làm việc hiệu quả, mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng. Một người thông minh, có khả năng tư duy sáng tạo, đóng góp vào nguồn sống gia đình cũng như sự phát triển của xã hội. Vẻ đẹp hay tài năng bẩm sinh là những yếu tố tạo nên giá trị của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, giá trị tự thân không phải là tất cả. Nếu không được phát huy thông qua rèn luyện và học hỏi, giá trị này dễ bị mai một. Sự kết hợp giữa giá trị tự thân và nỗ lực cá nhân chính là nền tảng để mỗi người phát triển toàn diện. Giá trị tự thân, như một ngọn lửa âm thầm chỉ trở nên đỏ rực được nuôi dưỡng và tưới tắm bởi tri thức, kinh nghiệm và môi trường sống tích cực.
Giá trị từ rèn luyện là kết quả của sự cố gắng và kiên trì tự học hỏi, rèn luyện. Đây là những phẩm chất, kỹ năng và đức tính mà con người tự mình xây dựng, cũng như trường học, sách vở, người thân, đồng nghiệp hỗ trợ để không chỉ làm cho cuộc sống cá nhân có ý nghĩa mà còn mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội.
Đây là quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, đức hy sinh và ý chí mạnh mẽ trước khó khăn. Tài năng và năng lực là kết quả của quá trình học tập và rèn luyện không mệt mỏi. Một bác sĩ giỏi cứu người được không chỉ nhờ trí tuệ bẩm sinh mà còn nhờ sự chăm chỉ học tập và thực hành hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Những người có tài năng và năng lực luôn được xã hội trân trọng, bởi họ mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng, cho những người xung quanh họ.
Giá trị thật, giá trị tự thân do chính mình rèn luyện mà có
Tài năng nhưng phải được dùng đúng chỗ với tinh thần tuân thủ đạo đức, nếu không tài năng đó sẽ làm cho con người sở hữu nó trở thành kẻ phá hoại. Tài năng mà đem đóng góp cho tập thể cơ quan, cho cộng đồng, nhẹ hơn là cho gia đình thì sẽ được công nhận xứng đáng.
Giá trị của mỗi người không chỉ được đánh giá qua những thành công mà còn được đánh giá qua cách họ đối xử với người khác. Một người biết yêu thương gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, và quan tâm đến bạn bè, đồng nghiệp sẽ luôn nhận được sự kính trọng từ mọi người. Sự quan tâm chân thành đối với người thân, đồng nghiệp, không chỉ tạo ra giá trị cá nhân mà còn góp phần xây dựng các mối quan hệ thân ái. Quan tâm không chỉ là chăm sóc vật chất mà còn là sự chia sẻ về tinh thần. Giá trị từ sự yêu thương là thứ giá trị không thể đo bằng tiền và luôn tồn tại hết đời này đến đời khác.
Trách nhiệm với cộng đồng là một khía cạnh quan trọng của giá trị từ rèn luyện. Những người biết sống vì người khác, tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường hay giúp đỡ người nghèo.., đều tạo nên giá trị rất đáng trân trọng. Trong xã hội hiện đại, tinh thần trách nhiệm và ý thức cộng đồng càng được đề cao.
Trách nhiệm xã hội không chỉ là việc làm trong những dịp đặc biệt, không phải chỉ là những việc làm to tát, dời non lấp bể, mà là lối sống thường nhật, những việc làm nhỏ mà đem lại lợi ích cho con người.
Giá trị từ vị thế, chức vụ hay quyền lựclà giá trị mang tính thời vụ, nhiệm kỳ. Khi một người có quyền lực, họ có khả năng mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho người khác. Chính vì vậy, những người này thường được nể trọng và tôn vinh trong xã hội. Tuy nhiên, giá trị này không bền vững. Khi một người mất đi chức vụ, họ cũng mất đi sự quan tâm và kính trọng từ những người từng tìm đến họ vì quyền lực.
Người đời vẫn cần giá trị từ nguồn thứ ba nhiều hơn cả, dù giá trị đó chỉ là nhất thời – hết chức thì hết quyền, về hưu là hết quyền, hết quyền thì hết giá trị đối với người khác. Đơn giản là người ta cần người có quyền, chức vụ giải quyết, xử lý, đem lại cho họ lợi ích họ đang cần. Điều đó giải thích tại sao mọi người đều nể trọng, thậm chí sợ/trọng người có chức quyền. Hay ở chỗ, giá trị này mang tính thời vụ, nhiệm kỳ nhưng gần như ai cũng cần.
Danh có chính thì ngôn mới thuận – nếu nhìn và hiểu theo nghĩa hẹp phát ngôn thuận hay nghịch nhĩ thì khi có chức vụ (danh) nói gì cũng... đúng! Vì có quyền đem lại lợi ích cho những người nhất định nên đối với những người nhất định đó, người có chức quyền trực luôn luôn... đúng.
Mỗi người tự mình làm nên giá trị...
Những câu chuyện về sự thay đổi thái độ của con người đối với những người từng có quyền lực là minh chứng rất rõ ràng về giá trị thời vụ.
Trước đây, khi anh/chị có quyền chức thì rất rất nhiều người muốn gặp, họ phải tìm qua đến mấy "cầu" để được diện kiến. Nhà riêng anh/chị lúc đó nườm nượp người đến như đi hội. Anh/chị bỗng nhiên có vô số những em nuôi, cháu nuôi, con nuôi... Lúc đó anh/chị nói ai cũng lắng nghe, thậm chí không muốn nói, người ta vẫn tỏ ra háo hức muốn nghe, khi nghe lại như muốn "nuốt từng lời". Bây giờ không giữ chức vụ đó nữa, nhà riêng anh/chị vắng như "Chùa Bà Đanh". Anh/chị có gặp mọi người, có muốn nói cũng không ai nghe. Người ta cố tình tránh né không muốn gặp anh/chị.
Trước đây, khi gọi điện thoại, mới nháy một nháy thì người ta sốt sắng gọi lại cho anh/chị ngay. Bây giờ khi anh/chị đã không ở chức vụ đó nữa, có bấm điện thoại vài ba lần người ta cũng không liên lạc lại. "Nể lắm" người ta xởi lởi giả vờ: "Ôi, em chào anh/anh chị ạ. Điện thoại em hết pin đang sạc nhưng không để chuông. Anh/chị khỏe không ạ? Em thấy anh/chị về nghỉ nhưng phong thái vẫn đẳng cấp như xưa. Đúng là phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi. Em đang định mấy hôm nữa đến thăm anh/chị. Lâu lâu không gặp, em nhớ anh/chi nhiều lắm. Hi hi...".
Anh/chị ngây thơ, hoặc cố tình ngây thơ tin đó là những lời thật lòng thì là chỉ để vuốt ve thứ giá trị đã không còn nữa của mình mà thôi. Còn lẽ thường ai cũng hiểu đấy là những lời sáo rỗng. Giếng có nước, người ta xúm đen xúm đỏ để lấy nước. Giếng cạn người ta đi tìm giếng khác chứ ngồi lại làm gì.
Thế nên giá trị thật của mỗi người là khi tự mình tạo nên: Đó là năng lực, là học thức, là phẩm chất sống vì người thân, đem lại lợi ích cho gia đình, cho cơ quan bằng đóng góp công sức với chất lượng lao động ở mức cao. Giá trị đó là giá trị lâu bền.
Cá nhân, cơ quan, vợ con, cha mẹ, ông bà,... đều cần những người có giá trị đó. Và, quả thật khi rơi vào hoàn cảnh nào, gặp khó khăn nào thì những người có giá trị như thế đều được mọi người trân trọng, vì nể.
Hãy trân trọng và phát huy những giá trị thật của mỗi người!
Nhà báo Tô Phán
Trong ba nguồn tạo nên giá trị, giá trị tự thân và giá trị từ rèn luyện là những giá trị thực chất và bền vững. Đây là những giá trị không phụ thuộc vào hoàn cảnh hay thời gian, mà được xây dựng từ nội lực bên trong mỗi con người và được tiếp thu từ nền giáo dục của gia đình và quốc gia. Một người có năng lực, phẩm chất tốt, và sống trách nhiệm sẽ luôn được tôn trọng, dù họ ở bất kỳ vị trí nào.
Ngược lại, giá trị từ vị thế, chức vụ chỉ mang tính tạm thời. Một khi không còn quyền lực, giá trị này cũng phai nhạt. Điều đó lý giải tại sao việc tự rèn luyện và phát triển bản thân là quan trọng nhất.
Hiện nay, đất nước ta đang thực hiện công cuộc sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Về nguyên tắc chúng ta phải ủng hộ chủ trương đứng đắn này. Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy cùng đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ không còn giữ chức vụ như trước. Thực tế này đặt ra tính minh bạch về giá trị thực sự của mỗi người. Những người dựa vào quyền lực sẽ lo lắng, nhưng những người có giá trị tự thân và rèn luyện sẽ vẫn ung dung, bởi giá trị của họ không phụ thuộc vào chức vụ hay quyền lực.
Chúng ta đã biết rất nhiều tấm gương sáng dù không còn giữ chức vụ nhưng vẫn được xã hội kính trọng nhờ những đóng góp, giá trị bền vững họ mang lại. Đến đây thì càng khẳng định, dù ở đâu, như thế nào thì những người có giá trị tự thân, giá trị do tự rèn luyện mà có luôn được tôn trọng.
Mỗi bạn trẻ cần hiểu điều đó và nên có kế hoạch, lộ trình đề tự trau dồi kỹ năng, nâng cao năng lực, bổ sung và định hình giá trị của chính mình. Người không có hoặc có ít giá trị tự thân sẽ không có khả năng sống vui vẻ và tự tin khi bước vào đời sống luôn luôn phức tạp hiện nay cũng như sau này.
Các bạn trẻ đặc biệt cần nhận thức rằng, giá trị tự thân và giá trị từ rèn luyện mới là điều quyết định thành công và hạnh phúc lâu dài. Đừng chỉ dựa dẫm vào những giá trị tạm thời từ chức vụ hay quyền lực, mà hãy xây dựng nền tảng bền vững cho cuộc sống .
Giá trị thật của mỗi người nằm ở những gì họ tự mình tạo dựng. Đó là tài năng, phẩm chất, và sự cống hiến cho gia đình và xã hội. Những giá trị này không chỉ giúp con người sống hạnh phúc mà còn được mọi người trân trọng trong mọi hoàn cảnh. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, giá trị tự thân và giá trị từ rèn luyện sẽ luôn là giá trị mà chúng ta luôn tự hào. Hãy trân trọng và phát huy những giá trị đó, để cuộc sống của mỗi người đều trở nên ý nghĩa.