Nhìn xã hội từ vaccine
Trên mạng xã hội mới đây lan truyền một đoạn clip ngắn ở một điểm tiêm vaccine tại TPHCM. Trong clip, khi nhân viên y tế tuyên bố sẽ dùng vaccine Sinofarm, đã có một số người phản đối và bỏ về. Những người có xu hướng bài xích vaccine Sinofarm sử dụng clip này như để chứng minh rằng người Việt thà không tiêm vaccine còn hơn là được tiêm vaccine Sinofarm. Ít ai chịu để ý một chi tiết mang tính sự thật ở đó: số người ở lại chờ tiêm đông gấp nhiều lần.
Có thể nhận thấy hình như đang có một trào lưu chống những gì thuộc về Trung Quốc. Nếu là một lựa chọn sử dụng đơn thuần, yêu thích mặt hàng có xuất xứ từ nơi nào cụ thể và tẩy chay mặt hàng có một xuất xứ khác cũng chỉ là quyền lựa chọn cá nhân đơn thuần. Không cá nhân hoặc tổ chức nào có quyền, cũng như rỗi hơi, để chống lại lựa chọn cá nhân này. Nhưng đẩy mức độ yêu-ghét đến mức cực đoan và phủ nhận toàn bộ những giá trị (dù lớn hay nhỏ) của một nền văn hóa thì lại là câu chuyện khác, cần phải được xem xét đánh giá đúng.
Để có thể đánh giá đúng về một sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó, cái người ta cần nhất là các cứ liệu mang tính khoa học. Chuyện vaccine chẳng hạn. Những người chê bai nó chưa hề đưa ra được một số liệu khoa học nào để chứng minh là nó có hại. Ngược lại, chất lượng của nó, dù ít hay nhiều, lại bị bỏ qua ngay cả khi có những đánh giá khoa học quốc tế. Cộng đồng chê bai chỉ chê để thỏa mãn cái tôi của mình, để minh chứng mình thuộc về một nhóm nào đó và sẵn sàng phủ nhận tất cả, thậm chí thóa mạ bằng những lời lẽ nặng nề nhất.
Không thể phủ nhận, giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều mối “duyên” lẫn lắm cái “nợ”. Ngàn năm đô hộ là điều không ai được phép quên nhưng những mối duyên giao thoa văn hóa hai bên truyền thống lâu đời cũng là thứ đừng nên phủ nhận. Và hơn cả, hãy đặt một phép so sánh để nhìn nhận chúng ta đang ở đâu, còn thua kém nước láng giềng cái gì, cần khắc phục những gì để có thể ở một tầm vóc đủ đưa ra các phê phán lý tính thực thụ.
Hãy ví dụ từ văn hóa đại chúng. Nhạc nhẹ Việt Nam đang như thế nào so với nhạc nhẹ của họ? Nếu trong nhạc trẻ của Trung Quốc, tính văn học trong ca từ rất lớn và hàm chứa trong ca từ của họ rất nhiều điển cố văn chương để tạo nên chiều sâu của tác phẩm thì ở nhạc trẻ Việt Nam, sự khô cứng, thô thiển ngày càng lên ngôi. Nếu một ca khúc Việt mà dùng cụm từ "soi oan thương lên vách tường" để mượn điển cố "thiếu phụ Nam Xương" thì có lẽ chẳng khán giả trẻ nào hiểu, đồng cảm và cùng phổ biến nó. Thậm chí, sẽ có những bình luận chê bai thẳng thừng. Đó là minh chứng cho thấy sự nông cạn thực sự trong văn hóa đại chúng Việt Nam hiện thời. Còn ở cấp độ của giới học thuật thì sao? Hệ thống phê phán xã hội của Việt Nam hiện nay dường như vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp khi số lượng ý kiến phê phán mang tính khoa học, kèm theo giải pháp là cực hiếm. Thay vào đó là chỉ trích, bài xích, thậm chí là rủa xả. Đó không phải là phương pháp phê phán của học thuật và nếu gọi là học phiệt thì càng không đúng vì ít dùng tri thức làm sao có sự học của học phiệt.
Ý thức rõ nguy cơ từ bên ngoài trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền văn hóa là một việc nên làm. Song, để đưa ý thức ấy đi đúng con đường và tạo dựng được những hành động xứng tầm song hành, rất cần nâng cái trí trong cộng đồng, từ những thứ phổ thông, đại chúng nhất cho tới những gì tinh hoa, cao cấp nhất. Trong sự yếu kém đáng buồn hiện nay, cũng càng nên nhấn mạnh thêm vai trò của trí thức có tiếng nói dẫn dắt trong xã hội. Nếu họ lạc lối, chắc chắn họ sẽ dẫn theo một bộ phận công chúng lạc lối.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nhin-xa-hoi-tu-vaccine-i624892/