Nhịp cạo chậm

Họ phân tích rất rõ, trước đây cạo D3 vườn cây đạt 1,8 tấn/ha, bây giờ chuyển qua cạo D4, D5 vẫn đạt năng suất 1,8 tấn/ha. Trong khi đó số lượng lao động của công ty giảm hơn 100 người, năm nay giá mủ lại cao nên có khả năng, tết tới có thưởng nhiều…

Cao điểm

Hôm ấy, một ngày có cơn bão mới đang băm bổ vào đất liền, tôi đứng tại vùng rừng cao su thuộc Nông trường Gia Huynh, nông trường xa nhất của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận mà cảm nhận không gian mát rượi, dù trên cao có nắng. Trong tầm mắt, những cây cao su thẳng hàng tăm tắp kia đều có 2 miệng cạo và dòng mủ trắng tinh đang chảy. Nhưng hình như chẳng thấy bóng dáng người công nhân nào. “Chẳng phải đang cao điểm mùa cạo mủ sao?” – Tôi ngạc nhiên hỏi. “À… công nhân đang ngồi nghỉ đâu đó, chờ mủ khô. Mùa cạo mủ năm nay, nhiều diện tích của nông trường nâng chế độ cạo lên D4, vì thiếu công nhân. Vì vậy, mỗi công nhân quản đến 3-4 ha” - Lê Thành Thạch, Phó Giám đốc Nông trường Gia Huynh, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận nói thế nhưng hình như cũng biết câu tôi sẽ hỏi tiếp theo là gì nên nói luôn. Rằng 3-4 năm qua, giá mủ cao su xuống thấp, công nhân của nông trường xin nghỉ nhiều. Nông trường có 262 người, trong đó công nhân khai thác là 235 người thì từ năm 2017 đến nay có hơn 60 công nhân xin nghỉ việc lẫn nghỉ không lương.Trong khi diện tích cao su khai thác 811/1.159 ha quản lý nên nông trường hết chuyển sang cạo D3 vào năm ngoái, năm nay lại chuyển tiếp sang cạo D4, tức cạo luân phiên cây cứ 4 ngày 1 lần. May là năm nay giá mủ bỗng nhiên tăng cao, có lúc đột biến…

Chợt nhớ vào đầu tháng 11/2020, giá mủ thành phẩm đang loanh quanh ở 33 - 35 triệu đồng/tấn, bỗng một ngày đẹp trời đã vọt lên 45 triệu đồng/tấn. Lúc ấy, chuyên gia kinh tế phân tích hàng loạt nguyên nhân trong sự phấn khởi của người có cao su. Vì mùa đông ở các nước sản xuất nhiều cao su là Thái Lan, Malaysia và Indonesia đến sớm khiến sản lượng mủ thu về suy giảm. Trong khi sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc được ổn định trở lại; doanh số bán ô tô ở Ấn Độ tăng và Mỹ nhiều khả năng sẽ thông qua các chương trình kích thích kinh tế. Tất cả dự báo giá cao su thế giới có thể sẽ tăng trong thời gian tới, vì nguồn cung khan hiếm.

Công nhân cạo mủ cao su tại Nông trường Gia Huynh

Chuyện tưởng rất xa nhưng lại tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động tại các nông trường cao su tại Bình Thuận. Cũng thời điểm ấy, không chỉ ở Nông trường Gia Huynh dời thời gian cạo mủ từ lúc 3 giờ 30 đến 4 giờ sáng về 1-2 giờ sáng mà 3 nông trường khác gồm Sông Giêng, Thuận Tân và Thuận Đức cũng sắp xếp lại giờ giấc để tận dụng thời gian cạo nhiều hơn trong đêm, nhất là thời gian này đêm thường dài hơn ngày. Có nơi, công nhân đề xuất cạo lúc 11 giờ đêm. Có nơi đề xuất cạo choàng, cạo bù… Một tinh thần hăng say sản xuất, không nề hà đêm khuya càng hiểu hơn mong ước của 1.200 công nhân của toàn công ty. Vì ít nhất cũng 3 năm qua, mủ cao su mới được giá cao chừng ấy. Và cũng từ hoàn cảnh không thuận về cả thời tiết, nhân công, giá mủ ấy, những giải pháp tốt nhất để tăng sản lượng, tiết giảm chi phí đã được công ty cao su vận dụng hết. Nhất là giải pháp sản xuất tăng năng suất và sản lượng bằng cách chuyển sang chế độ cạo chậm dần hơn, thấp dần hơn, kết hợp bón phân và bôi chất kích thích đúng cách. Như năm nay, chỉ thị Ban giám đốc đưa ra có nhiều diện tích đã chuyển sang chế độ cạo D4, D5, tức 4-5 ngày cạo cây 1 lần. Để bù đắp sản lượng cho nhịp độ cạo thấp ấy, riêng những vườn cạo úp năm 6, 7 áp dụng thiết kế 2 miệng 1/4 song song để gia tăng chiều dài miệng cạo. Có 698.424 miệng cạo phụ như thế. Riêng cây khô miệng cạo đối với vườn cạo úp từ 3 tuổi trở lên, có 353.754 cây thì phải thiết kế mở miệng cạo xoay vòng hướng lên theo chiều kim đồng hồ để gia tăng miệng cạo. Đồng thời, phấn đấu tận thu mủ tạp từ 8-10%...

Tháng củ mật

Nói đến mủ tạp, tôi sực nhớ đến chuyện mót mủ mà anh Thạch, ở Nông trường Gia Huynh kể với sự băn khoăn, khó xử. Rằng ở xã Gia Huynh (huyện Tánh Linh) có thôn đồng bào Châu Ro sinh sống, trẻ em khoảng 10-14 tuổi hay vào vườn cây để mót mủ rồi trộm mủ và đập phá luôn chén. Để ngăn chặn và cũng góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống, nông trường đã phối hợp tuyên truyền, tặng quà hỗ trợ… Nhưng thực tế rất khó, nhất là vào thời điểm gần cuối năm này vốn dĩ người ta hay gọi là tháng củ mật…

Dù chưa đến tháng này nhưng hiện tại, công ty đã có số liệu thống kê từ các nông trường về tình trạng trên. Cụ thể, lực lượng bảo vệ chuyên trách tuần tra, canh gác đã phát hiện 73 đối tượng/206 vụ việc vào vườn cây trộm mủ và đã thu hồi 4.013 kg mủ cao su các loại. Đã chuyển Công an các xã Tân Hà, Gia Huynh, Suối Kiết giải quyết 5 trường hợp, các đối tượng vi phạm chủ yếu là trẻ em, người già thì cho viết bản cam kết không tái phạm…Tình hình này khiến tôi nhớ năm 2011, thời điểm mà người đi mót và cả trộm mủ cao su chỉ trong 1 tháng là có thể mua được xe honda. Đó là thời kỳ mà mủ cao su được ví là vàng trắng, dân có vườn cao su ở Đức Linh, Tánh Linh có thu nhập cao ngất ngưởng nhưng cũng nơi đây, an ninh trật tự phải gióng hồi chuông cảnh báo. Cũng từ đó công ty, cụ thể là các nông trường, các địa phương lẫn Công an huyện đã có quy chế phối hợp cho đến năm nay. Điều muốn nói, sau những năm giá mủ ảm đạm, ít bị trộm thì bất ngờ tăng vọt trở lại, kéo theo trộm cắp, nên hiện tại công ty chỉ đạo các nông trường phải tăng cường công ác phối hợp hơn. Mục đích nhằm hạn chế việc thất thoát sản phẩm và cả bảo vệ công nhân cạo mủ tại các vườn cây, khi thời gian bắt đầu cạo đã lùi về khuya hơn trong cảnh mỗi công nhân cạo độc lập trong diện tích được giao 3-4 ha.

Trong tình huống ấy, với công nhân nữ thật khắc nghiệt nhưng hầu như 480 công nhân nữ tại công ty đều thực hiện tốt, hơn thế có công nhân ở xa nông trường vẫn sắp xếp việc gia đình, việc cạo mủ cao su trọn vẹn. Lê Thị Ngọc Trang, làm công nhân cạo mủ cao su ở Nông trường Gia Huynh này đã 12 năm kể quá trình sắp xếp thời gian khiến tôi cứ cảm nhận hình như bạn ngủ rất ít. Nhà tận thôn 1, xã Đức Hạnh nên đường qua tới lô cao su mà vợ chồng Trang đã trúng bốc thăm dài đến 27 km. Trang thường thức dậy lúc 12 giờ đêm, nấu cơm nước sẵn sàng để sáng hôm sau, 3 đứa con trai, lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi ăn uống rồi anh đèo em đến trường. Tiếp đó, 2 vợ chồng tới lô cao su trước 2 h đêm để kịp điểm danh rồi bắt tay vào cạo. Đến 1-2 giờ trưa, công việc mới hoàn tất, rồi về lại nhà bắt đầu một ngày mới lúc đã về chiều. Còn Lê Thị Thu Sương, cũng ở cùng đội II, Nông trường Gia Huynh như Trang, có thuận lợi hơn là con đã lớn nhưng vì ở tận xã Tân Hà nên qua đến lô cao su cũng mất 18 km, đường lại xấu nên hành trình đi cạo mủ cũng khá nhọc nhằn…

Qua trò chuyện, những nữ công nhân này vốn đã quen với nghề, đã quen với thức đêm khuya và mùa này nghe giá mủ cao nên tinh thần lao động rất hăng say với hy vọng tết sẽ được tiền thưởng cao. Họ phân tích rất rõ, trước đây cạo D3 vườn cây đạt 1,8 tấn/ha, bây giờ chuyển qua cạo D4, D5 vẫn đạt năng suất 1,8 tấn/ ha. Trong khi đó số lượng lao động của công ty giảm hơn 100 người, năm nay giá mủ lại cao nên có khả năng, tết tới có thưởng nhiều.Tôi chợt nhớ câu nói “chậm mà chắc!”, thật đúng với tình huống ứng phó khó khăn bằng cách cạo cách giãn thời gian 4 - 5 ngày của công ty cao su, vừa tốt cho sức khỏe cây, vừa có sản lượng tốt, bây giờ lại được giá cao.

Bích Nghị

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/nhip-cao-cham-133881.html