Nhịp cầu nối bờ yêu thương

Từ ngày có cây cầu cứng, việc đi lại, giao thương của người dân, học hành của con trẻ thôn Chu, xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) trở nên thuận tiện hơn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân 2 xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) và Ngọc Phụng (Thường Xuân).

Cây cầu mang đến niềm hân hoan, phấn khởi cho người dân 2 xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) và Ngọc Phụng (Thường Xuân).

Cây cầu mang đến niềm hân hoan, phấn khởi cho người dân 2 xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) và Ngọc Phụng (Thường Xuân).

Ông Hà Đình Châu, Bí thư Chi bộ thôn Chu (xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc) cho biết, khi chưa có cây cầu cứng, cuộc sống của bà con trong thôn gặp rất nhiều khó khăn, người dân muốn giao lưu, buôn bán sang các xã bên của huyện Thường Xuân thường phải sử dụng bè mảng hoặc cầu phao bằng luồng để qua sông. Khổ nhất vào những ngày mưa to gió lớn, mọi hoạt động đều bị ngưng trệ. Từ ngày có cầu cứng bắc qua dòng sông Âm, không chỉ bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão, mà còn tạo điều kiện cho người dân các xã của 2 huyện vận chuyển hàng hóa, giao lưu kinh tế, thương mại trở nên thông suốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con Nhân dân nơi đây. Cả thôn có 147 hộ, nay chỉ còn 7 hộ nghèo. Đặc biệt, năm 2020, thôn được công nhận đạt chuẩn NTM.

Đường vào thôn Chu, xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) được cứng hóa.

Đường vào thôn Chu, xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) được cứng hóa.

Theo chia sẻ của thầy giáo Đinh Viết Lượng, Hiệu trưởng Trường THCS Phùng Minh: Nhiều năm về trước, thời điểm chưa có cầu cứng, địa phương kinh tế còn nghèo, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Đường giao thông lên trung tâm xã lại xa xôi, thực chất chỉ là con đường đất nhỏ được người dân tự mở, hai bên là rừng rậm, mùa mưa đi lại rất khó khăn. Để tiện sinh hoạt, người dân thôn Chu thường giao lưu, buôn bán ở xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) là chủ yếu, bởi thời gian đi lại ngắn, bên đó kinh tế cũng phát triển hơn. Thậm chí, ngay cả việc học hành của con trẻ cũng vậy. Thế nên, bất chấp việc phải đi qua bè mảng, cầu phao, hiểm nguy rình rập, rồi mùa lũ học sinh gần như phải nghỉ ở nhà không thể đến lớp, nhiều phụ huynh vẫn đăng ký cho con em học hành, bởi điều kiện giáo dục tốt, lại thuận lợi cho các em sau này có nhu cầu học lên cấp, đi lại cũng gần, dễ dàng hơn. Năm học 2022-2023, trường được chuyển về gần khu trung tâm, cơ sở vật chất khang trang, quy mô hơn, thầy cô cũng thường xuyên đến nhà vận động phụ huynh cho con em quay trở về địa phương để học...

Từ ngày có cầu, việc đi lại, buôn bán của người dân 2 xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) và Ngọc Phụng (Thường Xuân) trở nên thuận tiện hơn.

Từ ngày có cầu, việc đi lại, buôn bán của người dân 2 xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) và Ngọc Phụng (Thường Xuân) trở nên thuận tiện hơn.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phùng Minh cho biết: Địa phương có một tuyến đường huyện đi qua kết nối đường Hồ Chí Minh với các xã phía Nam, phía Tây của huyện. Đối với người dân thôn Chu nói riêng, do khoảng cách đến trung tâm xã xa, hơn nữa từ bao đời nay bà con thường hay giao lưu, buôn bán, cho con cái học hành phía bên xã Ngọc Phụng (Thường Xuân). Do bị ngăn cách bởi dòng sông Âm, phương tiện di chuyển duy nhất là bè mảng, mùa khô làm cầu phao bằng luồng, đi lại rất bất tiện, tiềm ẩn nguy hiểm. Từ khi có cầu, bà con rất phấn khởi, việc vận chuyển nông sản dễ dàng hơn, các cháu đến trường an toàn, không còn lo lắng mỗi khi đi bè mảng nữa.

Theo tìm hiểu, cầu Chu là một trong ba cây cầu được xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa của Hợp phần cầu - Dự án cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 4 là đại diện chủ đầu tư. Cầu Chu nối đôi bờ sông Âm giữa địa bàn xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) và xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) được xây bằng bê tông cốt thép, tổng chiều dài toàn cầu là 103m, chiều rộng mặt cầu 4m, với trọng tải thiết kế 16 tấn, tổng kinh phí đầu tư xây dựng 7,5 tỷ đồng. Cầu khởi công từ tháng 2/2019, khánh thành vào tháng 5/2020.

Bài và ảnh: Lê Trung

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhip-cau-noi-bo-yeu-thuong/29823.htm