Nhịp chổi ngày Tết
Vào giờ khắc thiêng liêng của đất trời, khi các gia đình sum vầy bên nhau để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, chia sẻ những niềm vui và hy vọng về một năm mới tốt lành, bởi 'quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên'. Thì họ - những người lao công dọn rác lại lặng lẽ đưa chổi trên những con phố. Niềm vui Tết của họ chính là mang lại bộ mặt sạch, đẹp cho thành phố, cho những chuyến du xuân của mọi người được trọn vẹn.
Đối với những công nhân làm công việc quét rác họ dường như không có giao thừa và một cái Tết đúng nghĩa
Ăn, ngủ cùng rác
Năm nào cũng vậy, đêm 30 tết, quanh các chợ và khu vực Quảng trường Lam Sơn, công viên Hội An… là cơ man rác.
Một năm có 4 mùa thì nghề quét rác cũng trải đủ bốn mùa. Mùa mưa, người người trốn mình trong những ngôi nhà kín đáo thì người công nhân lại dầm mưa làm sạch đường phố. Vào những đêm đông lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp, họ lại một mình chống chọi với cái rét căm căm và bàn tay phát “cước” đỏ ửng, sưng rộp để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng so với mùa hè thì trời rét mướt, mưa phùn là điều kiện làm việc… lý tưởng. Trời nắng nóng, tất cả đều khô khốc, kể cả cát, bụi. Cát, giấy vụn, túi ni-lông cứ xoay vòng dưới chiếc chổi tre rồi lại nằm xuống vị trí cũ. Con đường vì thế mà cứ như dài vô tận.
Theo chân chị Nguyễn Thị Vụ, tổ 7, xí nghiệp 2, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, lúc hơn 2h sáng, một ngày cuối năm, mưa lất phất rơi khiến cái rét như kim châm thêm sắc ngọt. Một mình chị cô độc trên những tuyến đường thênh thang, thỉnh thoảng vài chiếc xe máy đi khuya pha đèn loáng qua, làm cho những lằn vạch dạ quang trên tấm áo của những người công nhân vệ sinh sáng lên, lấp lánh. Giấy rác, lá cây rụng bết dính xuống mặt đường, chị như một vũ công, đôi tay uyển chuyển đưa tới, đưa lui nhịp nhàng; xoay người qua trái, qua phải; tiến về phía bên này rồi lại tiến về phía bên kia….
Hơn 20 năm gắn bó với công việc cực nhọc này, chị Vụ thèm cảm giác vui vẻ bên mâm cơm gia đình, quây quần quanh nồi bánh chưng, gói giò hay chỉ đơn giản trò chuyện cùng ông bà, chồng, con để chờ đợi phút giây giao thừa
Những ngày cuối năm, nhà nhà dọn dẹp nhà cửa mừng năm mới, vỉa hè hoặc bất cứ chỗ nào có bãi trống trở thành nơi xả rác. Rác ở các khu chợ cũng gấp đôi ngày thường do đột biến về nhu cầu mua bán. Còn tại các khu vực, như: Vỉa hè đường Đông Hương 2, đường Bào Ngoại, Đông Hương 9, phường Đông Hương; vỉa hè phía Nam đường Lê Lai… lượn rác tăng đột biến. Trừ những chậu cây cảnh quý hiếm bán không hết được các nhà vườn đưa về, còn những chậu hoa cúc, hồng, đào... ế ẩm đều bị vứt lại ngổn ngang. “Sang tháng Chạp là rác bắt đầu nhiều rồi. Qua Rằm tới đêm 30 là mỗi ngày mỗi tăng. Ngày bình thường làm hai ca thì đêm giao thừa làm ba ca, huy động toàn bộ mọi người chứ không có người được luân phiên nghỉ như ngày bình thường nữa …” - Chị Vụ giãi bày.
20 năm làm công nhân quét rác là 20 đêm giao thừa chị Vụ mê mải với rác đến hết ngày mùng 1. Chị tâm sự: "Công nhân như chúng tôi làm gì có tết, năm nào việc dọn dẹp nhà cửa, làm cơm thắp hương ông bà tổ tiên cũng đều nhờ ông xã lo. Tết đến là tay mình lại mỏi nhừ vì lượng rác thải ra đường gấp 3-4 lần ngày thường. Nhiều lúc nhìn các gia đình vui vẻ bên mâm cơm gia đình, quây quần quanh nồi bánh chưng, gói giò hay chỉ đơn giản trò chuyện cùng ông bà, chồng, con để chờ đợi phút giây giao thừa... chúng tôi thực sự tủi thân, chạnh lòng và thèm được cái cảm giác gần gũi, yêu thương ấy”.
Nhưng rồi cảm giác đó cũng mau chóng qua đi nhờ tình cảm mà những đồng nghiệp như chị dành cho nhau. Trong cuối năm, tổ của chị phải bắt đầu làm việc từ nửa đêm qua giao thừa đến sáng ngày hôm sau. Chị Vụ kể: “Mỗi ca làm việc, các chị thành lập 1 nhóm 4-7 người. Mỗi một lần làm đêm chờ xe cẩu lâu quá, mọi người lại mua đồ ăn, như: xôi, bán khúc, bánh bao… ngồi ăn vui vẻ với nhau”.
Tôi nhìn chị và mường tượng ra nhiều người lao công khác cùng với tiếng chổi xào xạc đêm đêm ở giữa những con phố. Đó là một công việc rất vất vả và ô nhiễm nhưng trên khuôn mặt các chị vẫn đầy hăng say và tinh thần trách nhiệm. Chị Vụ cho biết: “Nhiều hôm hết ca đang thu dọn trở về nhà thì thấy rác vứt tung tóe trên con đường mình vừa quét xong. Mệt, buồn ngủ vẫn phải cố ở lại quét dọn cho sạch”.
Ước mong giản dị trong năm mới
Dường như cuộc sống quá cực nhọc, khiến những người làm nghề này chỉ dám mơ ước con cái của họ sau này có cuộc sống, tương lai sáng hơn đời cha, mẹ...
Chị Nguyễn Thị Thanh, người đã gắn bó với nghề suốt 22 năm, tâm sự: “Công việc dù nặng nhọc, hại sức khỏe nhưng khi về nhà được thấy các con chăm ngoan học tập là tôi quên hết. Có lần tôi hỏi con: “Con có xấu hổ khi có một người mẹ làm công nhân quét rác không”. Em có biết cháu trả lời thế nào không? Cháu bảo: "Con tự hào vì là con của mẹ. Bố mẹ đã phải rất vất vả mới lo được cho con ăn học bằng các bạn, đó là điều không phải ai cũng làm được...”.
Nghe chị kể chuyện, tôi thực sự mừng cho chị, dù cuộc đời có vất vả đến thế nào, những đứa con của các chị vẫn ngoan ngoãn, học giỏi, biết tôn trọng và trân quý công sức lao động của bố mẹ. Dường như, với các chị như thế đã là quá đủ. “Ai cũng phải có một cái nghề để sinh sống, tuy nghề này không được cao sang nhưng cũng chẳng có gì đáng để mặc cảm cả” - Chị Vụ nói.
Những người như chị Vụ, chị Thanh chỉ mong trong năm mới người dân sẽ có ý thức hơn trong việc thu gom và xử lý rác để công việc của họ với bớt đi nỗi khó nhọc.
Hỏi về mơ ước trong năm mới, các chị đều mong muốn có đủ sức khỏe để theo nghề, thu nhập được cải thiện để có thể lo cho gia đình… Nhưng trên hết, họ ước người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung hơn để họ đỡ vất vả trong công việc, cũng như thành phố sẽ luôn sạch đẹp. Chị Thanh ngậm ngùi: “Giá như những chủ các công trình xây dựng, các tài xế xe tải ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường và từng người dân thành phố không tiện tay vứt rác bừa bãi, thì cuộc sống của những công nhân quét rác chúng tôi đỡ cơ cực hơn, chúng tôi sẽ có thời gian cho gia đình nhiều hơn!”.
Ông Hồ Viết Lân, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, chia sẻ: “Một thành phố văn minh, sạch đẹp không thể thiếu vai trò thầm lặng của hàng ngàn công nhân vệ sinh đang từng ngày, từng giờ căng sức trên những cung đường. Họ chăm sóc những tuyến đường xanh như chính cuộc sống của họ. Khi thực hiện những công việc thầm lặng nhưng hết sức cần thiết đối với thành phố, những công nhân vệ sinh rất xứng đáng nhận được sự tôn trọng của mọi người”.
Bao nhiêu đêm trôi qua, các chị vẫn miệt mài lao động với tiếng chổi tre xào xạc. Tiếng chổi ấy đã đưa đến vô vàn ban mai thuần phác trong lành. Công việc thầm lặng của các chị đã, đang và sẽ giúp thành phố thực hiện thành công mục tiêu “xanh, sạch, đẹp”.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhip-choi-ngay-tet/152691.htm