Nhịp đập kinh tế xanh toàn cầu ngày 19/9: Thí điểm lắp đặt hàng trăm tấm pin Mặt Trời gần Bắc Cực
Đại hội đồng LHQ thông qua tuyên bố đẩy nhanh các Mục tiêu Phát triển Bền vững; Đề xuất cơ chế ưu đãi cao nhất cho đầu tư năng lượng tái tạo; Thí điểm lắp đặt hàng trăm tấm pin Mặt Trời gần Bắc Cực.
Đại hội đồng LHQ thông qua tuyên bố đẩy nhanh các Mục tiêu Phát triển Bền vững; Đề xuất cơ chế ưu đãi cao nhất cho đầu tư năng lượng tái tạo; Thí điểm lắp đặt hàng trăm tấm pin Mặt Trời gần Bắc Cực; Phê duyệt 60 dự án năng lượng tái tạo;... đó là những thông tin về Kinh tế trong ngày 19/9 Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tổng hợp lại trong ngày.
Đại hội đồng LHQ thông qua tuyên bố đẩy nhanh các Mục tiêu Phát triển Bền vững
Theo báo Thừa Thiên Huế online, Tổng thư ký LHQ António Guterres khẳng định giờ là lúc phải thực hiện một kế hoạch toàn cầu nhằm cứu nguy cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vốn đang chệch hướng, khi thời hạn mục tiêu năm 2030 đã đi được nửa chặng đường.
“SDG không chỉ là một danh sách các mục tiêu. Chúng mang theo niềm hy vọng, ước mơ, quyền lợi và kỳ vọng của người dân ở khắp mọi nơi”, Tổng thư ký Guterres nói.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua tuyên bố chính trị nhằm đẩy nhanh hành động để đạt được 17 mục tiêu thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và hạnh phúc cho mọi người dân, đồng thời bảo vệ môi trường. Mục tiêu bao gồm chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực, đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh, cũng như năng lượng xanh, đồng thời cung cấp nền giáo dục phổ cập có chất lượng và tạo cơ hội học tập suốt đời.
Đề xuất cơ chế ưu đãi cao nhất cho đầu tư năng lượng tái tạo
Nguồn tin từ Báo Công thương, tiếp tục chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, chiều ngày 19/9/2023, Phiên toàn thể được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Trình bày tham luận “Chuyển đổi xanh và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn”. Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng.
Ông Thành cho rằng, trong kế hoạch đầu tư công, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này. Ưu tiên chính sách thứ nhất là củng cố lưới điện để truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Lưới điện cũng cần được đầu tư theo hướng “thông minh” để có thể phản ứng linh hoạt với những biến động của cung và cầu.
Phê duyệt 60 dự án năng lượng tái tạo
Báo Công thương vừa có bài viết cho biết tính đến ngày 17/9 có 60 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.331,41MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm, bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương). Có 67 dự án đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 62/67 dự án.
Bên cạnh đó, có 20 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.171,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. Hiện còn 5 dự án với tổng công suất 236,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
“Biến” TP.HCM thành trung tâm tài chính thu hút nguồn tài chính xanh
Tin từ Tạp chí Đầu tư Tài chính, Ông Nguyễn Minh Vũ, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM có điều kiện rất thuận lợi để trở thành "cực thu hút" các nguồn tài chính xanh trong xu thế gia tăng hiện nay. Trung tâm tài chính của thành phố phải là trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới, với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò trung tâm.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng bày tỏ, thành phố quyết tâm thực hiện bằng việc nghiên cứu đề ra những chiến lược kinh tế xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Cụ thể tập trung vào các nội dung: Nguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế; Hạ tầng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và sử dụng nước tiết kiệm; Hành vi xanh trong tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh. Các ngành nghề lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh, gồm: sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh.
Thí điểm lắp đặt hàng trăm tấm pin Mặt Trời gần Bắc Cực
Tờ Bnews thông tin, Na Uy vừa lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt Trời (tấm quang điện) tại quần đảo Svalbard, khu vực chìm trong bóng tối suốt cả mùa Đông. Việc lắp đặt này nằm trong khuôn khổ dự án thí điểm nhằm giúp các cộng đồng Bắc Cực xa xôi chuyển sang sử dụng năng lượng xanh.
100 tấm quang điện khác được lắp đặt trên mái của trạm Isfjord và sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu điện năng của cơ sở này cũng như mục tiêu cắt giảm lượng khí thải CO2 tại đây.