Nhịp đập năng lượng ngày 11/7/2023
Iraq, TotalEnergies ký thỏa thuận lớn về dầu khí, năng lượng tái tạo; Na Uy công bố phát hiện hydrocarbon lớn nhất trong 10 năm; Nga cho Hungary vay 10 tỷ USD để xây nhà máy hạt nhân… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 11/7/2023.
Ngày mai (12/7) công bố kết luận thanh tra việc cung ứng điện của EVN
Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 10/7 đã ban hành Kết luận 4463/KL-BCT về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và điều hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện.
Bộ Công Thương cũng vừa có văn bản hỏa tốc thông báo về việc công bố kết quả này. Theo đó, sự kiện sẽ diễn ra vào sáng mai (12/7), tại trụ sở Bộ Công Thương với sự tham dự của Đoàn thanh tra, Tổ giám sát, Tổ thẩm định; Ban lãnh đạo EVN, đại diện các bộ phận, công ty, đơn vị liên quan; Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty điện lực Dầu khí; Tổng công ty Điện lực TKV, Tổng công ty Đông Bắc…
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu đoàn thanh tra cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Đoàn thanh tra đã làm việc 30 ngày liên tục và kết thúc vào ngày 10/7.
Nỗ lực của OPEC+ góp phần ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu
Tuyên bố chung của Ngoại trưởng Nga và người đồng cấp các quốc gia Arab vùng Vịnh đưa ra ngày 10/7 đánh giá cao những nỗ lực thành công của các quốc gia thuộc nhóm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), cho rằng những nỗ lực này góp phần ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo thông báo của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), hai bên nhất trí hợp tác phát triển chuỗi cung ứng các nguồn năng lượng. Ngoại trưởng của các quốc gia Arab vùng Vịnh và Nga đã gặp nhau tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 6 về Đối thoại Chiến lược giữa GCC và Nga tại Moskva.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các nỗ lực của OPEC+ và “tất cả các quốc gia thành viên cần tuân thủ thỏa thuận trong OPEC+, nhằm phục vụ lợi ích của các nhà sản xuất, người tiêu dùng và hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu".
Iraq, TotalEnergies ký thỏa thuận lớn về dầu khí, năng lượng tái tạo
Iraq và Tập đoàn dầu khí TotalEnergies của Pháp mới đây đã ký một thỏa thuận năng lượng trị giá 27 tỷ USD bị trì hoãn từ lâu nhằm mục đích tăng sản lượng dầu và nâng cao năng lực khai thác năng lượng của Iraq với 4 dự án dầu, khí đốt và năng lượng tái tạo.
Iraq đồng ý mua một lượng cổ phần nhỏ hơn so với yêu cầu ban đầu trong dự án là 30%. TotalEnergies nắm giữ 45% cổ phần trong dự án, Công ty dầu mỏ nhà nước Basrah với 30%, trong khi QatarEnergy nắm giữ 25% còn lại.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành TotalEnergies Patrick Pouyanne cho biết dự án sẽ được khởi công vào mùa hè này và nhận được khoản đầu tư 10 tỷ USD trong vòng 4 năm tới. "Đây là ngày bắt đầu, và chúng tôi sẽ thực hiện các dự án trong 4 năm tới vì lợi ích của người dân Iraq", ông Pouyanne nói.
Na Uy công bố phát hiện hydrocarbon lớn nhất trong 10 năm
Wellesley Petroleum và DNO ASA thông báo vừa có một phát hiện quan trọng về khí và condensate tại cấu tạo triển vọng Carmen ở Biển Bắc Na Uy. Mỏ trên nằm trong khu vực đã có cơ sở hạ tầng cần thiết, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, khai thác.
"Carmen đã chứng minh rằng vẫn còn những phát hiện quan trọng cần được thực hiện và công ty dầu mỏ lâu đời nhất của Na Uy, DNO, sẽ là một phần trong chương tiếp theo của câu chuyện dầu khí của đất nước", Chủ tịch điều hành của DNO Bijan Mossavar-Rahmani cho biết.
Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu sau khi lục địa này cắt đứt quan hệ với Nga liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine. Xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Na Uy sang lục địa châu Âu đã tăng mạnh trong năm nay, với lưu lượng trung bình 313 triệu m3/ngày.
Nga cho Hungary vay 10 tỷ USD để xây nhà máy hạt nhân
Chính phủ Nga mới đây đã phê duyệt khoản cho vay 10 tỷ euro (10,2 tỷ USD) để Hungary xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Paks, hay còn được gọi là dự án Paks-II.
Theo đó, khoản cho vay 10,2 tỷ USD này sẽ tài trợ cho phần lớn dự án Paks-II, với tổng trị giá ước tính khoảng 12,5 tỷ euro (13,7 tỷ USD). Dự án này dự kiến khởi động vào giữa năm 2024. Theo sắc lệnh, khoản cho vay nói trên không bị đánh thuế và sẽ được thanh toán mà không có “hoa hồng, hạn chế, khấu trừ, miễn trừ hoặc khấu trừ bồi thường”.
Paks là nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Hungary. Theo thỏa thuận được ký kết vào năm 2014, tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom sẽ xây dựng các tổ máy số 5 và số 6 của nhà máy, với công suất 1,2 gigawatt mỗi tổ máy.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1172023-689249.html