Nhịp đập năng lượng ngày 14/10/2023
Thêm 1 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề nghị giá tạm; Hy Lạp đã tăng cường mua LNG của Nga; Qatar cảnh báo cắt khí đốt cung cấp cho châu Âu vì xung đột Israel - Hamas… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 14/10/2023.
Thêm 1 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề nghị giá tạm
Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong tuần này, đã có thêm 1 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp (Nhà máy Điện gió Tân Ân 1) đề nghị giá tạm, tăng 1 dự án so với tuần trước.
Lũy kế đến ngày 13/10/2023, có tổng số 69 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, với tổng công suất 3927,41MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 63/69 dự án. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 62 dự án, tổng công suất 3.399,41MW.
Số lượng dự án đã gửi hồ sơ đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện vẫn là 81/85 dự án, với tổng công suất 4.597,86MW. Có 21 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.201,42MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 12/10/2023 đạt gần 691 triệu kWh.
24 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình, 30 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 40 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện còn 4 dự án với tổng công suất 136,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Hy Lạp đã tăng cường mua LNG của Nga
Hy Lạp đã tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trong năm nay bất chấp cam kết cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga của Liên minh châu Âu (EU), theo nhật báo trực tuyến Kathimerini của Hy Lạp.
Theo nguồn tin này, thị phần khí đốt của Nga trên thị trường Hy Lạp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay đã tăng từ 35,7% lên 45%. HIện đã đạt đến mức như trước khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra kéo theo loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Hiện Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho Hy Lạp, chỉ đứng sau Mỹ. Riêng trong tháng 9, khối lượng LNG của Nga chiếm tới 72% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Hy Lạp. Theo Kathimerini, sự gia tăng này là kết quả của chính sách cung cấp năng lượng giá thấp của Moscow, nhằm thu hút nhiều người mua hơn và hạn chế tổn thất doanh thu sau khi buộc phải giảm lượng khí đốt qua đường ống cung cấp cho EU.
Qatar cảnh báo cắt khí đốt cung cấp cho châu Âu vì xung đột Israel - Hamas
Xung đột Israel - Hamas đã dẫn đến việc chính quyền Tel Aviv hứng chịu rất nhiều sức ép từ các quốc gia Arab, khi họ tìm cách tác động bằng vũ khí năng lượng nhằm buộc quốc gia Do Thái phải ngưng chiến dịch quân sự.
Vào ngày 12/10/2023, Qatar đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nếu Không quân Israel chưa chấm dứt ném bom và Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) không ngừng pháo kích vào Dải Gaza. Theo nhận xét, việc mất đi một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng trong thời gian ngắn như vậy trên thị trường quốc tế rất có thể dẫn đến tăng giá nhiên liệu xanh và các loại nguyên liệu năng lượng thô khác.
Hơn nữa, tình hình thậm chí có thể phát triển theo hướng khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia tham gia từ chối bán vàng đen của họ cho các quốc gia hỗ trợ Israel trong cuộc chiến chống Syria và Ai Cập. Qatar đã cố gắng liên kết các vấn đề nhân đạo của Dải Gaza với sự sẵn có của LNG ở châu Âu bởi an ninh năng lượng hiện là vấn đề nhạy cảm nhất đối với EU sau khi không còn nguồn cung từ Nga.
Nga sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Burkina Faso
Burkina Faso ngày 13/10 cho biết nước này đã ký một bản ghi nhớ với Nga để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở nước này. “Chính phủ Burkina Faso đã ký một bản ghi nhớ về việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân” - The Moscow Times dẫn tuyên bố của chính phủ Burkina Faso, nhấn mạnh việc xây dựng nhà máy nhằm “đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân” Burkina Faso, nơi chưa đến 1/4 dân số có điện dùng.
Bản ghi nhớ được ký tại Tuần lễ Năng lượng Nga ở thủ đô Moscow. Theo tuyên bố, thỏa thuận trên đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo chính quyền quân sự Burkina Faso - Đại úy Ibrahim Traore với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi được tổ chức ở thành phố St Petersburg hồi tháng 7.
Trong một tuyên bố riêng, công ty năng lượng nhà nước Nga Rosatom - đơn vị trực tiếp ký bản ghi nhớ - nhấn mạnh bản ghi nhớ là “văn bản đầu tiên trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình giữa Nga và Burkina Faso”, và thỏa thuận này đặt nền móng cho sự hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm sử dụng năng lượng hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp và y học.
Dự báo nhu cầu và sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ sẽ tăng cao kỷ lục
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vừa cho biết, nhu cầu và sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ sẽ tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2023. EIA dự kiến sản lượng khí khô sẽ tăng lên 103,72 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong năm 2023 và 105,13 bcfd vào năm 2024 từ mức kỷ lục 99,60 bcfd trong năm 2022.
Cơ quan này cũng dự kiến tiêu thụ khí đốt trong nước sẽ tăng từ mức kỷ lục 88,46 bcfd năm 2022 lên 89,17 bcfd trong năm 2023 trước khi giảm xuống 88,38 bcfd vào năm 2024. Nếu đúng như vậy thì năm 2024 sẽ là lần đầu tiên sản lượng khí đốt tăng trong bốn năm liên tiếp kể từ năm 2015, và năm 2023 sẽ là lần đầu tiên nhu cầu tăng trong ba năm liên tiếp kể từ năm 2016.
EIA dự báo xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trung bình của Mỹ sẽ đạt 11,62 bcfd trong năm 2023 và 13,15 bcfd trong năm 2024, tăng từ mức kỷ lục 10,59 bcfd trong năm 2022. Con số này cao hơn dự báo xuất khẩu LNG năm 2023 vào tháng 9 vừa qua của EIA là 11,60 bcfd.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-14102023-696594.html