Nhịp đập năng lượng ngày 15/9/2023

Châu Á vẫn thúc đẩy tăng trưởng khí đốt; EU kêu gọi ngừng phụ thuộc vào LNG của Nga; Gazprom chuyển lô hàng LNG đầu tiên tới Trung Quốc qua Bắc Cực… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 15/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Châu Á vẫn thúc đẩy tăng trưởng khí đốt

Theo một báo cáo mới công bố từ tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu, dưới sự thúc đẩy của Trung Quốc và các quốc gia tại Đông Nam Á, công suất nhiệt điện sử dụng dầu và khí tự nhiên trên toàn cầu đã tăng 13% trong năm ngoái. Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực này đã trải qua biến động giá và chi phí cho điện năng xanh tại khu vực này đang ở mức thấp nhất.

Công cụ theo dõi nhà máy điện sử dụng dầu khí toàn cầu ghi chép gần 12.000 tổ máy của tất cả các nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu và khí tự nhiên trên toàn thế giới cho thấy châu Á có gần 2/3 công suất nhà máy điện sử dụng dầu và khí đang được phát triển trên thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm 1/5 công suất đang được phát triển của thế giới, nhiều hơn 3 quốc gia hàng đầu tiếp theo là Brazil, Việt Nam và Bangladesh cộng lại.

Theo Jenny Martos, Quản lý dự án Công cụ theo dõi nhà máy điện sử dụng dầu khí toàn cầu, khí tự nhiên tiếp tục tăng trưởng mặc dù danh tiếng của nó với tư cách là một nhiên liệu chuyển đổi rẻ hơn, sạch hơn và đáng tin cậy hơn đang mất dần đi… Và việc chuyển đổi khỏi dầu và khí đốt vẫn đang không diễn ra đủ nhanh ở bất kỳ đâu.

EU kêu gọi ngừng phụ thuộc vào LNG của Nga

Phát biểu tại một hội nghị ở Warsaw hôm 14/9, Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson cho biết Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu 12,4 tỷ mét khối LNG từ Nga trong 12 tháng qua. Năm nay, mức nhập khẩu LNG từ Nga có thể vẫn ở mức cao như năm ngoái hoặc thậm chí còn lớn hơn một chút. “Chúng tôi không thể hài lòng với điều đó”, bà nhấn mạnh.

Bà kêu gọi các quốc gia thành viên EU và quốc hội của khối đưa các điều khoản “mạnh mẽ” vào các quy định được đề xuất cho phép chính phủ các quốc gia hạn chế nhập khẩu LNG của Nga mà không đưa ra các biện pháp trừng phạt mới. Bà nói rằng điều này sẽ giúp EU “loại bỏ hoàn toàn” các chuyến hàng này.

Khối 27 quốc gia chưa bao giờ chính thức thảo luận về lệnh cấm vận trên toàn EU đối với khí đốt của Nga, bao gồm cả LNG, nhưng Brussels đã tìm cách để từng quốc gia thành viên cấm nhiên liệu này. Các nhà lập pháp của khối đang xem xét một đề xuất cho phép các quốc gia thành viên tạm thời ngăn chặn các nhà xuất khẩu Nga đặt chỗ tại các cảng nhập khẩu.

OPEC phê phán dự báo của IEA về nhu cầu khí đốt

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hôm 14/9 cho biết không đồng tình với dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) rằng nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. OPEC tuyên bố những dự báo này “nguy hiểm" đến mức thường đi kèm với lời kêu gọi ngừng đầu tư mới vào dầu mỏ và khí đốt.

Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho biết: “Những câu chuyện như vậy chỉ khiến hệ thống năng lượng toàn cầu rơi vào tình trạng thất bại ngoạn mục. Điều này sẽ dẫn đến sự hỗn loạn năng lượng ở quy mô chưa từng có, gây ra hậu quả tai hại cho nền kinh tế và hàng tỷ người trên thế giới”. Theo OPEC cho biết các dự báo này không tính đến những tiến bộ công nghệ do ngành dầu khí thực hiện để giảm khí thải và 80% tổng năng lượng của thế giới đến từ nhiên liệu hóa thạch, tỷ lệ tương tự như 30 năm trước.

“Nhận thấy thách thức mà thế giới phải đối mặt trong việc loại bỏ tình trạng thiếu năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và bảo đảm năng lượng với mức giá phải chăng trong khi giảm phát thải, OPEC không từ chối bất kỳ nguồn năng lượng hoặc công nghệ nào và tin rằng tất cả các bên liên quan cũng nên làm như vậy và nhìn nhận những thực tế năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn”, ông Al Ghais nhấn mạnh.

Hy Lạp có đủ nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho mùa đông

Tại hội nghị An ninh Năng lượng ở Warsaw, Ba Lan, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hy Lạp Alexandra Sdoukou cho biết nước này đang ở giai đoạn thuận lợi hơn so với năm 2022 sau khi báo cáo mới đây cho biết sẽ không có mối đe dọa nào với sự thiếu hụt về nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên mùa đông năm nay.

Thứ trưởng Hy Lạp Sdoukou cho biết đánh giá này dựa trên đánh giá mối đe dọa của Cơ quan quản lý chất thải công nghiệp, năng lượng và nước. Ngoài ra, tổ máy than non mới ở Ptolemaida V sẽ đi vào hoạt động trong năm nay, trong khi hoạt động thương mại của trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới ở Alexandroupoli, miền Bắc Hy Lạp, sẽ sớm có thể đảm bảo trữ lượng cho cả thị trường Hy Lạp và các nước Balkan.

Theo Thứ trưởng Hy Lạp Sdoukou, nhu cầu về khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 3/2023 đã giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 18,2% so với mức trung bình của 5 năm qua. Hy Lạp cũng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga từ 40% xuống 20% trong năm nay.

Gazprom chuyển lô hàng LNG đầu tiên tới Trung Quốc qua Bắc Cực

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã giao lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên qua Tuyến đường biển Bắc Cực đến Trung Quốc vào ngày 14/9, theo dữ liệu của LSEG.

Theo dữ liệu trên, tàu chở Velikiy Novgorod đã được nạp LNG từ nhà máy LNG Portovaya trên Biển Baltic vào ngày 14/8 và hiện đang neo đậu gần bến cảng Caofeidian ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

“Tuyến đường biển phía Bắc đã trở thành huyết mạch quốc tế chính thức, được coi là một hành lang giao thông toàn cầu. Một phần lớn nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào nó: tất cả các quốc gia nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng của chúng tôi, bao gồm cả những quốc gia hiện được coi là "không thân thiện"… Cường độ vận chuyển sẽ tăng gấp nhiều lần trong 7 năm tới”, Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga Aleksey Chekunkov nêu rõ khi phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok.

TotalEnergies gọi đấu thầu hydro xanh với quy mô chưa từng có

TotalEnergies sẽ kêu gọi đấu thầu với quy mô chưa từng có để mua "500.000 tấn hydro xanh mỗi năm" nhằm khử carbon cho các hoạt động lọc dầu của mình ở châu Âu, một hoạt động có thể giúp cơ cấu lại khởi đầu của ngành công nghiệp hydro tại Pháp.

Công ty dầu mỏ này có kế hoạch thay thế khoảng 500.000 tấn hydro "xám" bằng hydro sạch mà công ty sử dụng mỗi năm để loại bỏ lưu huỳnh khỏi nhiên liệu tại 6 nhà máy lọc dầu ở châu Âu: Antwerp (Bỉ), Leuna (Đức), Zeeland (Hà Lan), Normandy, Donges và Feyzin (Pháp), cũng như tại hai nhà máy lọc sinh học ở La Mède và Grandpuits (Pháp).

Đồng thời, TotalEnergies cũng xác nhận sẽ tiếp tục các dự án sản xuất hydro sạch tại địa phương, tại các cơ sở ở Pháp, đặc biệt là ở Normandy với tập đoàn Air Liquide để sản xuất tới 15.000 tấn mỗi năm vào năm 2026. Sự hợp tác giữa nhà hóa học và công ty dầu mỏ này đã đặt mục tiêu khử carbon cho “tất cả các hoạt động công nghiệp” ở cửa sông Seine. Nó cũng giúp TotalEnergies khẳng định vai trò là "nhà cung cấp điện tích hợp" vì máy điện phân Air Liquide sẽ được cung cấp năng lượng một phần bằng điện mặt trời và điện gió (cho 10.000 tấn hydro), 5.000 tấn còn lại đến từ mạng lưới điện chủ yếu là điện hạt nhân.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1592023-694361.html