Nhịp đập năng lượng ngày 16/6/2023
Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu điện trong tháng 6; Trung Quốc sẽ trở thành nhà cung cấp nhiên liệu của thế giới; Giá trần sẽ làm giảm năng lực sản xuất của ngành dầu mỏ Nga… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 16/6/2023.
Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu điện trong tháng 6
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 225/TB-VPCP, trong đó yêu cầu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong xử lý các vướng mắc phát sinh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương được giao thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII, đẩy nhanh tiến độ Nhà máy điện Quảng Trạch II. Đồng thời phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở; cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Mực nước ở các hồ thủy điện ngày 16/6 vẫn rất thấp
Theo số liệu cập nhật sáng 16/6 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), ngày 15/6, phụ tải toàn hệ thống điện tăng hơn so với ngày trước đó, đạt 832,2 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 384,6 triệu kWh, miền Trung khoảng 78 triệu kWh, miền Nam khoảng 369 triệu kWh. Công suất đỉnh hệ thống điện quốc gia đạt đỉnh lúc 14h30 ở mức 39.768,9 MW. Tại miền Bắc là 17.892 MW (lúc 14h30), miền Trung là 3.895 MW (lúc 16h), miền Nam là 18.206 MW (lúc 13h30).
Hết ngày 15/6/2023, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 168,1 triệu kWh (trong đó miền Bắc huy động 59,3 triệu kWh) giảm so với ngày 14/6; nhiệt điện than huy động 463,4 triệu kWh (miền Bắc 281,5 triệu kWh); turbine khí huy động 89 triệu kWh và không phải huy động nguồn điện dầu.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) ngày 16/6, có 4 hồ thủy điện xấp xỉ mực nước chết và nhiều hồ có mực nước rất thấp. Mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tăng nhẹ so với hôm qua; khu vực Đông Nam Bộ mực nước dao động nhẹ, vẫn ở mức thấp; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ giảm nhẹ, nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu.
Trung Quốc sẽ trở thành nhà cung cấp nhiên liệu của thế giới
Trong báo cáo được công bố vào tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán Trung Quốc đang trên đà trở thành quốc gia có công suất lọc dầu lớn nhất thế giới. Điều này sẽ khiến Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp lớn nhất các sản phẩm như xăng và dầu diesel cho thế giới, cũng như là nắm trong tay sức mạnh để chi phối giá cả. Kịch bản trên đã được nhà báo Clyde Russell của Reuters lưu ý trong một bài phân tích riêng về báo cáo IEA.
Bản thân IEA cũng công nhận vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp nhiên liệu cho thế giới. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia lọc dầu lớn nhất thế giới trong năm 2022, song vẫn chưa dừng lại ở đó. Các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc đang tăng cường công suất, với tổng công suất dự kiến đạt 19,7 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2028. Trong số này, IEA cho biết hơn 3 triệu thùng mỗi ngày sẽ là công suất dự phòng.
Khối lượng công suất dự phòng này cho thấy rằng Bắc Kinh có thể đang lên kế hoạch thực sự trở thành nhà cung cấp nhiên liệu của thế giới, sau khi các nhà máy lọc dầu của châu u và Mỹ đóng cửa cơ sở sản xuất dưới sức ép loại bỏ động cơ đốt trong hoặc chuyển đổi chúng thành các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học.
Hungary nói cần ngăn chặn việc trục lợi từ khủng hoảng năng lượng
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF) ngày 15/6 về việc chính phủ Kiev đã tăng 25% thuế đối với vận chuyển dầu bằng đường ống dẫn dầu chính Druzhba, Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary Peter Szijjarto tuyên bố không quốc gia nào được phép trục lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng hoặc từ vị thế của một quốc gia trung chuyển năng lượng.
“Trong trường hợp của chúng tôi, có 2 tuyến đường ống vận chuyển dầu tới Hungary. Giờ đây, cả 2 quốc gia mà các tuyến đường ống này chạy qua để đến Hungary đều đang đồng loạt tăng phí trung chuyển một cách điên cuồng. Vì vậy, việc lợi dụng tình hình khủng hoảng để đưa những nước khác vào một tình huống phức tạp hơn là điều cần phải được ngăn chặn”, nhà ngoại giao hàng đầu Hungary nói thêm.
Liên quan đến quan hệ năng lượng với Moscow, Ngoại trưởng Szijjarto cho biết “Nếu chúng tôi tự cắt đứt mình khỏi năng lượng Nga, thì việc đảm bảo an toàn nguồn cung cho Hungary là bất khả thi”. Theo ông Szijjarto, Nga và sự hợp tác với Nga sẽ vẫn rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Hungary.
Giá trần sẽ làm giảm năng lực sản xuất của ngành dầu mỏ Nga
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo ngày 15/6 phát biểu, mức trần giá dầu của Nga do phương Tây áp đặt đang cắt giảm nghiêm trọng nguồn thu nhập lớn nhất của nước này tại thời điểm quan trọng của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ông Wally Adeyemo nói: “Chỉ trong 6 tháng, mức trần giá đã góp phần làm giảm đáng kể doanh thu của Nga tại thời điểm quan trọng của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Gần 50% doanh thu từ dầu của Nga đã bị giảm so với một năm trước".
Trước biện pháp cân nhắc thông qua dự thảo luật áp thuế lợi tức phụ thu với các công ty năng lượng lớn của Nga, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết, kế hoạch trên là bằng chứng cho thấy sự thành công của biện pháp giới hạn giá dầu. “Việc giới hạn giá dầu sẽ hạn chế các công ty dầu mỏ của Nga trong tương lai, khiến họ có ít tiền hơn để đầu tư vào thăm dò và sản xuất. Từ đó, sẽ làm giảm năng lực sản xuất của ngành dầu mỏ Nga", ông Adeyemo nói.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1662023-687374.html