Nhịp đập năng lượng ngày 18/9/2023
Bộ Công Thương duyệt giá tạm cho 60 dự án năng lượng tái tạo; Pháp đề xuất luật bán 'lỗ' nhiên liệu; Equinor phát triển trữ lượng mỏ 45 tuổi nhằm tăng cung cho châu Âu… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 18/9/2023.
Bộ Công Thương duyệt giá tạm cho 60 dự án năng lượng tái tạo
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, có 60 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp (tổng công suất 3.331,41MW) đã được phê duyệt giá tạm, tăng thêm 2 dự án kể từ đầu tháng 9, gồm: Nhà máy điện gió số 2, Sóc Trăng và Nhà máy điện gió HBRE Hà Tĩnh.
Tính đến nay, số lượng dự án đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua Bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện vẫn là 80/85 dự án, với tổng công suất 4.497,86MW. Đáng chú ý, có 67 dự án đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương. Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 62/67 dự án.
Ngoài ra, có 20 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.171,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới; 23 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy hoặc một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Tuy vậy, tính đến thời điểm trên vẫn còn 5 dự án với tổng công suất 236,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Pháp đề xuất luật bán "lỗ" nhiên liệu
Phát ngôn viên của Chính phủ Pháp Olivier Véran ngày 17/9 cho biết dự luật cho phép các nhà phân phối bán nhiên liệu "bị lỗ" sẽ sớm được đệ trình trước Quốc hội trong vài tháng tới. Người phát ngôn của Chính phủ Pháp nói thêm rằng "chúng tôi không nói về việc giá xăng sẽ giảm xuống 1,40 euro tại tất cả các trạm trong 6 tháng tới, mà nói về việc có thể sẽ có thêm các hoạt động thương mại".
Văn phòng Bộ trưởng Pháp cho biết "việc dỡ bỏ lệnh cấm bán lại với giá thấp hơn giá mua đối với các nhà phân phối nhiên liệu sẽ được đưa vào dự luật" trong các cuộc đàm phán thương mại giữa nhà sản xuất và nhà phân phối vào đầu tháng 10.
Nhiều nhà phân phối đã tiến hành bán nhiên liệu theo giá gốc trong những tháng gần đây, nhưng việc bán lại với giá lỗ đã bị cấm ở Pháp kể từ năm 1963. Ngày 16/9, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã thông báo rằng chính phủ mong muốn cấp phép cho các nhà phân phối nhiên liệu dựa trên cơ sở đặc biệt để "hạ giá hơn nữa" và chống lạm phát.
Equinor phát triển trữ lượng mỏ 45 tuổi nhằm tăng cung cho châu Âu
Equinor đã quyết định phát triển một phát hiện ngoài khơi đã 45 năm tuổi gần mỏ Gina Krog để kéo dài tuổi thọ mỏ này và tăng cường an ninh năng lượng châu Âu, theo Upstream Online.
Công ty năng lượng khổng lồ của Na Uy và đối tác liên doanh Kufpec mới đây cho biết kế hoạch phát triển và vận hành mỏ Eirin ở Biển Bắc đã được trình lên Bộ Dầu khí và Năng lượng. Khoản đầu tư trị giá 4 tỷ Krone (373 triệu USD) sẽ giúp phát triển trữ lượng có thể thu hồi được là 27,6 triệu thùng dầu tương đương, phần lớn trong số đó là khí đốt.
Eirin, được phát hiện vào năm 1978, sẽ được phát triển như một kết nối dưới biển với giàn khoan Gina Krog. Dự án này dự kiến sẽ đi vào khai thác năm 2025. Bà Camilla Salthe, Phó chủ tịch cấp cao của Equinor, cho biết: “Việc sử dụng cơ sở hạ tầng của giàn khoan Gina Krog sẽ cho phép Eirin nhanh chóng đưa khí đốt mới đến châu Âu, với khả năng sinh lời tốt và lượng khí thải CO2 từ khai thác thấp”.
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nối lại đàm phán về thành lập trung tâm giao dịch khí đốt
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tái khởi động các cuộc thảo luận về việc thành lập một trung tâm giao dịch khí đốt tự nhiên trong khu vực, nhưng những bất đồng hiện tại về nền tảng giao dịch có thể trì hoãn điều này.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ, Alparslan Bayraktar cho biết Nga muốn có một nền tảng mới trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất mở rộng Sàn giao dịch năng lượng Istanbul hiện đang hoạt động.
Reuters dẫn lời quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, để chuẩn bị cho một trung tâm khí đốt tiềm năng, nước này cũng có kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên.
Belarus sẵn sàng cung cấp nhiên liệu cho Nga
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko - một trong số rất ít đồng minh mà Tổng thống Putin còn giữ quan hệ sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine - mới đây cho biết, nước này đã vận chuyển dầu diesel và xăng sang Nga theo yêu cầu của Moscow, và sẵn sàng tăng thêm nguồn cung nếu cần. Belarus đã cung cấp 60.000 tấn mỗi loại đối với dầu diesel và xăng cho Nga.
Ở một số vùng của Nga đã xảy ra tình trạng thiếu dầu diesel và nước này đang lên kế hoạch cắt giảm gần 25% xuất khẩu dầu diesel từ các cảng trên Biển Baltic và Biển Đen trong tháng 9 so với kế hoạch xuất khẩu cho tháng 8, trong bối cảnh bảo trì nhà máy lọc dầu và giá nhiên liệu trong nước lên cao.
Kế hoạch xuất khẩu dầu diesel của Nga trong tháng 9 khiến mức xuất khẩu thấp nhất kể từ tháng 5 năm nay khi diễn ra đợt bảo trì nhà máy lọc dầu vào mùa xuân. Theo ước tính của Reuters dựa trên dữ liệu từ các nguồn trong ngành, công suất lọc dầu chính ngừng hoạt động ở Nga dự kiến sẽ tăng 44% trong tháng 9 so với tháng 8 trong bối cảnh bảo trì theo mùa.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1892023-694544.html