Nhịp đập năng lượng ngày 25/11/2023

Không để thiếu điện, đứt gãy nguồn cung năng lượng năm 2024; Ấn Độ trở thành nhà cung cấp sản phẩm dầu mỏ tinh chế lớn thứ hai của EU; Hy Lạp ngừng vận chuyển dầu Nga… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 25/11/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Không để thiếu điện, đứt gãy nguồn cung năng lượng năm 2024

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các Tổng Công ty: Đông Bắc, Khí Việt Nam về việc triển khai kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp than, khí cho sản xuất điện cùng với các giải pháp bảo đảm an ninh cung ứng điện năm 2024.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của các tập đoàn, tổng công ty trong việc bảo đảm cung ứng điện và cung cấp nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện thời gian qua, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, góp phần kiềm chế lạm phát, cũng như duy trì đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động tại các đơn vị.

Để bảo đảm an ninh cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm Kế hoạch cung ứng điện và Biểu đồ cung cấp than năm 2024 đã được Bộ Công Thương phê duyệt; Tăng cường phối hợp hiệu quả; thực hiện tốt các hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, cung cấp khí cho sản xuất điện theo nguyên tắc tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc.

Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng cần tiếp tục thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến việc cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện.

Ấn Độ trở thành nhà cung cấp sản phẩm dầu mỏ tinh chế lớn thứ hai của EU

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), Ấn Độ đã trở thành nhà cung cấp các sản phẩm dầu mỏ tinh chế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023, sau Saudi Arabia.

EU đã nhập khẩu 7,9 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 1-9/2023, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và gấp ba lần so với năm 2021. Dự trữ dầu của EU hiện đã đáp ứng tiêu chí đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, nhưng chủ yếu là dầu thô.

Khối lượng sản phẩm dầu mỏ tinh chế năm nay đã đưa Ấn Độ từ vị trí thứ sáu vào năm 2022 lên vị trí thứ hai vào năm 2023 với Pháp, Hà Lan và Italy là ba nước nhập khẩu lớn nhất.

Nga tuyên bố bán 99% lượng dầu cao hơn giá trần

Theo Reuters, ông Vladimir Furgalsky, đại diện Bộ Năng lượng Nga, đã thông báo về việc Moscow bán thành công gần như toàn bộ sản lượng dầu của đất nước với giá cao hơn mức trần của phương Tây. "Ngay cả các quốc gia không thân thiện cũng phải thừa nhận rằng việc áp giá trần không đem lại tác dụng. Hơn 99% lượng dầu của Nga đã được giao dịch cao hơn mức trần 60 USD/thùng", ông Furgalsky nói.

Báo cáo của Bloomberg cho biết, giá dầu trung bình tại các cảng lớn của Nga trong tháng 10 được ghi nhận ở mức 79,4 USD/thùng.

Liên minh châu Âu, các nước G7 và Australia hồi tháng 12 năm ngoái áp mức trần với giá dầu Nga nhằm hạn chế nguồn lực tài chính của Nga. Biện pháp này cấm các công ty cung cấp dịch vụ hàng hải như bảo hiểm, tài chính và vận chuyển cho nguồn dầu Nga được bán với giá trên 60 USD/thùng.

Động thái áp trần buộc Nga ban đầu phải cắt giảm xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu do gặp khó khăn trong việc tìm đủ tàu để vận chuyển toàn bộ sản lượng dầu của đất nước. Tuy nhiên, Nga sau đó tìm cách giao hầu hết dầu xuất khẩu cho các chủ tàu buôn trong nước hoặc các nước không phải phương Tây.

Xung đột Israel-Hamas hạ nhiệt, Ai Cập xuất khẩu LNG trở lại

Ai Cập lên kế hoạch nối lại hoạt động xuất khẩu LNG. Hoạt động xuất khẩu LNG ở Ai Cập không hoạt động thường xuyên do nguồn cung khí đốt của Israel đã bị gián đoạn sau xung đột giữa Israel với Hamas.

Theo nguồn tin thân cận với chính quyền Ai Cập ngày 24/11, việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho thị trường quốc tế sẽ sớm nối lại trong bối cảnh nhập khẩu khí đốt của Ai Cập từ Israel giảm xuống 800 triệu feet khối mỗi ngày.

Cách đầy vài tháng, Cairo phải ngừng xuất khẩu khí đốt để đáp ứng nhu cầu nội địa. Ai Cập luôn sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu trong suốt năm ngoái. Ai Cập đang nỗ lực xác định lượng khí đốt xuất khẩu. Theo dữ liệu trang web chuyên theo dõi tàu, sự phục hồi xuất khẩu mạnh mẽ được thể hiện qua việc tàu Adam LNG đang neo đậu gần nhà máy hóa lỏng khí Idk.

Hy Lạp ngừng vận chuyển dầu Nga

Ba công ty vận tải lớn của Hy Lạp đã ngừng vận chuyển dầu Nga trong những tuần gần đây để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một số hãng tàu chở dầu cho Nga, dữ liệu vận chuyển cũng cho thấy Hy Lạp đã ngừng vận chuyển dầu của Nga.

Diễn biến này là một đòn giáng mạnh vào Nga, vì nó làm giảm số lượng các công ty vận tải sẵn sàng vận chuyển dầu Nga tới người tiêu dùng ở châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ - mặc dù các thương nhân cho biết hiện tại Moscow vẫn có đủ công ty vận chuyển. Theo các thương nhân này, các chủ hãng Hy Lạp gồm Minerva Marine, Thenamaris và TMS Tankers đã ngừng vận chuyển dầu của Nga trong những tuần gần đây.

Dữ liệu của các thương nhân và đại lý vận chuyển cho thấy, cả ba công ty đều là những nhà vận chuyển dầu và nhiên liệu tích cực của Nga cho đến tháng 9, tháng 10, khi họ bắt đầu giảm cổ phần. Các thương nhân, những người đã từng hợp tác với ba công ty cho biết, cả ba công ty đều từ chối yêu cầu vận chuyển dầu thô của Nga bắt đầu từ tháng 11. Các chủ hàng Hy Lạp đã dần rút khỏi thị trường này sau việc thắt chặt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các chuyến hàng dầu của Nga.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-25112023-700283.html